Cái giá của việc phớt lờ Nga
Washington và Moscow luôn phải tính toán xem mối quan hệ giữa họ ảnh hưởng ra sao đến những đối tác thân cận
Sẽ rất khó cải thiện mối quan hệ bất ổn một cách nguy hiểm giữa Mỹ và Nga nhưng điều này đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Sự thù địch giữa 2 nước hiện nay đe dọa dẫn đến một cuộc đối đầu bùng nổ, có thể phá hủy nền văn minh Mỹ (và Nga). Nga giờ đây có thể làm được nhiều hơn để gây tổn hại đến lợi ích và giá trị của Mỹ mà không cần phải mạo hiểm quá nhiều. Vì vậy, Mỹ nên thăm dò chuyện bình thường hóa sự tương tác với Nga.
Ngày nay, Mỹ và Nga là hai bên đối nghịch, có cách tiếp cận khác nhau đối với những vấn đề quốc tế quan trọng, những hệ thống chính phủ khác nhau và trong nhiều khía cạnh, những giá trị khác nhau.
Nỗ lực cải thiện quan hệ song phương của mỗi bên đều phải đương đầu với những trở ngại trong nước. Khó khăn này đặc biệt lớn ở Mỹ - nơi quốc hội, các phương tiện truyền thông chính thống và phần lớn người dân đều cho rằng nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin không khác gì Iraq của cố Tổng thống Saddam Hussein. Không như Trung Quốc, sự tương tác về kinh tế của Nga với Mỹ khá hạn chế nên ít người Mỹ nhìn thấy mặt tích cực thiết thực nào đối với chuyện giao thiệp với Nga.
Tổng thống Putin có nhiều quyền hạn hơn trong việc định hình chính sách đối ngoại, trong đó có tìm kiếm một khởi đầu mới với Washington. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn về kinh tế trước cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018, ông Putin không muốn tỏ ra yếu đuối trước áp lực của nước ngoài.
Đồng thời, Washington và Moscow luôn phải tính toán xem mối quan hệ giữa họ ảnh hưởng ra sao đến những đối tác thân cận. Chẳng hạn, Nga không thể bỏ qua phản ứng của Trung Quốc và Iran nếu họ nhận thấy Nga thỏa hiệp với Mỹ về tình hình Triều Tiên, Syria hoặc những vấn đề khác - đặc biệt nếu sự linh hoạt của Moscow làm tổn hại lợi ích của họ.
Việc không ngăn chặn được vòng xoáy đi xuống của mối quan hệ Mỹ - Nga đặt ra những hiểm họa thực sự. Nghiêm trọng nhất, dù ít xảy ra nhất, là một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp, dẫn đến tình hình leo thang không kiểm soát được và có nguy cơ trở thành một thảm họa toàn cầu.
Nhiều người bác bỏ rủi ro này với lập luận cả Mỹ lẫn Nga đều không muốn tự sát và sẽ kiềm chế. Sự thật là không ai biết điều gì có thể xảy ra nếu máy bay chiến đấu của Mỹ và Nga nã đạn vào nhau hoặc nếu tên lửa hành trình Mỹ trúng căn cứ của Nga ở Syria. Nga có thể trả đũa theo cách bất đối xứng, có thể là ở miền Đông Ukraine và chiến sự cứ thế leo thang, lan rộng.
Trong khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như xem vũ khí hạt nhân là quá khủng khiếp và ít đe dọa sử dụng trong thực tế thì học thuyết quân sự Nga mô tả vũ khí hạt nhân chiến thuật là một lựa chọn khả thi nếu nước Nga bị tấn công mạnh mẽ.
Cuối cùng, Nga có thể tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Dù 2 nước này đều quan tâm đến một quan hệ bình thường với Mỹ và không muốn đi quá xa bởi lo ngại nguy cơ xung đột nghiêm trọng, thực tế là họ đang lo sợ và bực mình với Washington. Họ nỗ lực thắt chặt quan hệ về kinh tế, quân sự cũng như tăng cường điều phối về các chính sách đối ngoại.
Moscow và Bắc Kinh đều lo lắng trước sự bao vây do Mỹ dẫn đầu và đặc biệt là sự mở rộng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vốn đe dọa khả năng đáp trả của họ. Mối quan hệ Mỹ - Nga càng xấu thì Trung Quốc có thể trông chờ vào sự ủng hộ nhiều hơn của Nga trong trường hợp xảy ra bất đồng với Mỹ. Khích lệ Trung Quốc bằng cách này không giúp gì cho lợi ích quốc gia Mỹ.
Để tránh những cái giá nói trên, bất kỳ chính phủ có trách nhiệm nào của Mỹ cũng muốn bình thường hóa quan hệ với Moscow. Mục tiêu không phải là trở thành đồng minh hoặc bạn bè của nhau. Thay vào đó, Washington nên tìm kiếm đối thoại để tránh một cuộc đối đầu quân sự không mong muốn, quản lý hiệu quả hơn những khác biệt và đôi khi hợp tác trong những lĩnh vực hai bên chia sẻ lợi ích, ưu tiên.
Một cách tiếp cận như vậy đòi hỏi phải giải thích rõ ràng để quốc hội và người dân Mỹ hiểu rõ những lợi ích quốc gia tiềm tàng (từ việc cải thiện quan hệ với Nga). Quan hệ tốt đẹp giữa tổng thống 2 nước cũng quan trọng nhưng nó chỉ nên là công cụ, không phải cơ sở cho chính sách Mỹ.
Có nhiều trở ngại trong quá trình tìm kiếm một cách tiếp cận mới đối với Nga. Tuy nhiên, nếu xảy ra sai sót, mối quan hệ Mỹ - Nga có thể kết thúc bằng một cuộc xung đột hạt nhân. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất đối với bất kỳ chính quyền nào của Mỹ là bảo vệ sự sống còn và an toàn của người dân. Đó là lý do không chính quyền có trách nhiệm nào của Mỹ có thể từ chối theo đuổi một mối quan hệ ổn định hơn với Nga.
Theo Phạm Nghĩa
Người lao động