Cái gai giữa biển làm nhức nhối ASEAN
Cựu cố vấn An ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cảnh báo về mối nguy hiểm đối với an ninh và ổn định của ASEAN, nếu Trung Quốc hoàn thành căn căn quân sự tại bãi đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
Ông Goles phân tích: Máy bay chiến đấu J-11 nếu xuất phát ở Trung Quốc thì phạm vi bay của nó khoảng 1.000 dặm, chưa đủ bao trọn biển Đông. Nhưng nếu nó cất cánh ở Gạc Ma thì khác. Lấy bãi Gạc Ma là dấu chấm ở giữa thì vòng tròn có bán kính khoảng 1.000 dặm xung quanh chính là tầm hoạt động của máy bay J-11. Nó sẽ bao trùm toàn bộ Philippines, hầu hết Việt Nam, một phần của Malaysia và toàn bộ đảo Borneo. Vì vậy, nó có thể đe dọa tất cả căn cứ quân sự quan trọng của các nước ASEAN".
Trong khi đó, giáo sư Richard Heydarian-giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Ateneo (Philippines), cho rằng Trung Quốc sau khi xây dựng xong sân bay sẽ tiếp tục thay đổi kiến trúc các đảo ở Trường Sa, thậm chí cho dân ở để hình thành những điểm dân cư sinh sống. Sau đó, Trung Quốc có thể lấy cớ này để đòi quyền không chỉ với các hòn đảo, mà còn đòi cả vùng biển 200 hải lý xung quanh. Từng bước như vết dầu loang, họ sẽ thôn tính vùng biển theo đường lưỡi bò.
Giáo sư Heydarian kêu gọi ASEAN cần phải dùng mọi biện pháp ngoại giao và kể cả theo kiện để ngăn chặn âm mưu của Bắc Kinh. Nếu ASEAN không hành động thì Trung Quốc sẽ hành động theo đúng kế hoạch. Khi đó, toàn bộ ASEAN và Biển Đông trong tầm hoạt động của máy bay Trung Quốc và tự do hàng hải ở Biển Đông bị đe dọa.
Giáo sư Heydarian cho rằng khi Trung Quốc leo thang ở Trường Sa thì chỉ Việt Nam là đủ khả năng để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Khi đó cả ASEAN cùng phải thống nhất ủng hộ Việt Nam.
*Ngày 14/6, tờ The Philippine Star (Philippines) dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose thông báo Manila vừa gửi công hàm phản đối việc Bắc Kinh tiến hành hoạt động cải tạo ở đá Tư Nghĩa nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Ông Jose cho hay Philippines gửi công hàm trên sau khi xác định Trung Quốc đang bồi đắp ở bãi đá Tư Nghĩa. Trước đó, hồi tháng 4, Philippines đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc về hoạt động khai phá ở đá Gạc Ma, cũng thuộc Trường Sa.
Đây là lần thứ tư trong vòng 3 tháng qua, Manila gửi công hàm phản đối Trung Quốc có hành động thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Trung Quốc tiếp tục các hành động sai trái ở Biển Đông
Từ 14/6, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trường học đầu tiên trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo hãng tin Tân Hoa của Trung Quốc, ngôi trường có tên Vĩnh Hưng bao gồm một trường mẫu giáo và một trường cấp một. Trường học có diện tích 4.650 m2, với tổng kinh phí xây dựng là 26 triệu nhân dân tệ (tương đương 5,76 triệu USD).
Trung Quốc thành lập "thành phố Tam Sa" bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 7/2012. Sau đó, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn kế hoạch đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) để xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây, bao gồm một số công trình và các hạng mục sân bay, bến cảng.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định việc Trung Quốc thành lập "thành phố Tam Sa" và triển khai các hoạt động trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam liên tục phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
* Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Kông, Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang phát triển mạnh các dự án mới dựa trên những phát hiện ở gần đảo Vi Châu, cách bờ biển Việt Nam 80 hải lý về phía Đông.
Các dự án ở Vi Châu chủ yếu sản xuất dầu thô và một lượng ít khí đốt làm sản phẩm phụ. Đây hiện là nơi sản xuất dầu khí lớn nhất của CNOOC ở Biển Đông. Các giàn khoan ở Vi Châu sản xuất 45.700 thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 4% sản lượng toàn cầu của công ty này. Đơn vị điều hành ở Vi Châu dự kiến tăng tổng sản lượng dầu và khí đốt ở phía tây Biển Đông lên 260.000 thùng vào năm 2015 và 350.000 thùng vào năm 2020.
Tháng trước, công ty này đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào hạ đặt gần quần đảo Hoàng Sa, trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và ngang nhiên thực hiện hoạt động thăm dò. Các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc lợi dụng tính chất thương mại của giàn khoan để biện bạch cho mưu đồ bành trướng chủ quyền nhằm hiện thực hóa "đường lưỡi bò" ở Biển Đông.
Theo Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn
Chinhphu.vn