Cách thức "mặc cả" với Triều Tiên
Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ được tổ chức vào hôm nay, 5/10. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Liệu hai bên có thể đạt được một thỏa thuận hay không?
Một bài phân tích gần đây trên tờ National Interest đã gợi ý về cách thức "mặc cả" với Triều Tiên.
Ngày 9/9, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên, ông Choe Son Hui, cuối cùng đã đề xuất hai bên gặp nhau vào cuối tháng 9, nhưng cho đến nay, Triều Tiên vẫn đang “đàm phán” thông qua các phương tiện truyền thông thay vì trực tiếp thảo luận với Mỹ về thời gian có thể tổ chức cuộc gặp mặt.
Các cuộc thương lượng tương xứng
Việc đàm phán với Triều Tiên gặp phải nhiều thay đổi, bước ngoặt và sự trì hoãn. Thời gian đàm phán cũng tăng lên theo cấp số nhân, trong khi Tổng thống Trump chỉ còn hơn một năm để đạt được các kết quả có ý nghĩa trước khi cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo diễn ra. Còn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn khoảng 3 năm để thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ông Trump rất có thể là tổng thống Mỹ duy nhất sẵn sàng thương lượng trực tiếp với ông Kim Jong-un và mang lại các lợi ích to lớn theo những cách khác với thông lệ, nhưng cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục đi theo sách lược đàm phán cũ của họ thay vì mạnh bạo với các đề xuất của Washington.
Washington và Bình Nhưỡng chưa nhất trí về những đòi hỏi của tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình, cũng chưa lập ra các lộ trình chi tiết nhằm đạt được 3 trụ cột then chốt trong tuyên bố Singapore năm 2018 là: mối quan hệ mới, chế độ hòa bình và phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Hai bên phải cho phép các cuộc đàm phán diễn ra một cách hợp thức để bắt đầu tiến trình soạn thảo một thỏa thuận thực sự, một thỏa thuận toàn diện bao gồm trong đó tất cả các vấn đề nổi cộm, kể cả các vấn đề khu vực không liên quan đến hạt nhân. Điều quan trọng là các cuộc thương lượng phải có tính tương xứng.
Nếu các cuộc đàm phán thực chất diễn ra, bất kỳ thỏa thuận toàn diện nào (hoặc các thỏa thuận nhỏ hơn để khởi động quá trình này) cũng sẽ đòi hỏi phải có các cuộc trao đổi tương xứng đôi bên cùng có lợi, sao cho Washington không đưa ra những nhượng bộ có giá trị cao quá sớm, trước khi Bình Nhưỡng hành động để có được những nhượng bộ đó.
Nếu không, Mỹ có nguy cơ nhanh chóng mất đi lợi thế đòn bẩy trong các cuộc đàm phán và Triều Tiên sẽ "bỏ túi" các thành tựu sớm đạt được và từ bỏ tiến trình này mà không thực hiện các bước đi có ý nghĩa hướng tới phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng sẽ quan tâm nhiều nhất đến việc cuối cùng họ nhận được cả các lợi ích kinh tế lẫn các đảm bảo an ninh từ Washington – họ sẽ khôn khéo dựa vào tình trạng, xu hướng và quỹ đạo của các cuộc đàm phán mà lựa chọn nên đòi hỏi điều gì.
Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố rằng, họ sẽ không gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước khi tiến trình phi hạt nhân hóa được thực hiện. Nguyên nhân căn bản đằng sau lập trường này là để duy trì sức ép và các động lực đối với việc phi hạt nhân hóa, đặc biệt là vì các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau năm 2016 mà Triều Tiên muốn dỡ bỏ đều nhằm mục tiêu làm cạn kiệt gần 3 tỷ USD doanh thu hàng năm được dùng để tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Đây là cơ sở để bác bỏ yêu cầu của Bình Nhưỡng về việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chỉ nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Nếu Chính quyền Mỹ tiếp tục lập trường trừng phạt hiện nay, thì họ sẽ cần phải quyết định mốc kỹ thuật nào là “phi hạt nhân hóa” đáng để Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt: sau khi tất cả các vũ khí và cơ sở được dỡ bỏ, hay sau khi tất cả các nguyên vật liệu, vũ khí và cơ sở hạt nhân được di dời khỏi Triều Tiên.
Liệu Washington có thể bắt đầu gỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt theo từng giai đoạn một khi tất cả các chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đều ngừng hoạt động và bị vô hiệu hóa hay không?
Ngay cả khi hai bên đã có được những vụ "mặc cả" tương xứng, Washington vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. (Nguồn: Getty)
Con đường dài và gập ghềnh
Ngay cả khi hai bên đã có được những vụ "mặc cả" tương xứng, Washington vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Các cuộc đàm phán sẽ không kết thúc bằng một thỏa thuận về lộ trình toàn diện hay các thỏa thuận nhỏ, mà sẽ phải tiếp tục xuyên suốt quá trình thực thi bất kỳ thỏa thuận nào.
Bình Nhưỡng thích sử dụng chiến thuật “cắt lát salami” và các chiến thuật trì hoãn để vừa có được nhiều nhượng bộ nhất có thể, vừa giữ lại được các vũ khí hạt nhân của họ trong thời gian dài nhất.
Bất kỳ biện pháp xác minh nào (về phạm vi, thể loại, chuyên gia, phương pháp…) đều sẽ phải tuân theo một hay nhiều thỏa thuận mà cũng sẽ đòi hỏi phải đàm phán liên tục. Việc xác minh sẽ trở thành cuộc chiến gây thoái chí nhất, vì tính minh bạch có thể khiến chế độ vốn bị kiểm soát chặt chẽ của Triều Tiên sụp đổ. Việc xác minh, cũng như toàn bộ tiến trình phi hạt nhân hóa, cần được tiến hành trên tinh thần hợp tác với sự tham gia của các chuyên gia và cán bộ nhân viên Triều Tiên, cùng các chuyên gia Mỹ và quốc tế. Việc đàm phán về con đường hòa bình trong lộ trình này sẽ cần có sự tham gia chính thức của Seoul và Bắc Kinh và cuối cùng là Moscow và Tokyo.
Phi hạt nhân hóa chắc chắn sẽ là một tiến trình dài và phức tạp do thời gian cần thiết để đàm phán các thỏa thuận, quy mô và tính phức tạp của cơ sở hạ tầng hạt nhân của Triều Tiên, cũng như phong cách đàm phán của nước này. Những kinh nghiệm trước đây trong việc đối phó với Bình Nhưỡng dễ khiến người ta nghi ngờ bất kỳ triển vọng nào về những sự tiến bộ có ý nghĩa. Triều Tiên chắc chắn sẽ đưa ra lập luận tương tự về Mỹ.
Tuy nhiên, cả Washington lẫn Bình Nhưỡng đều được trao cơ hội trực tiếp thăm dò lẫn nhau thông qua các cuộc đàm phán để xem hai nhà lãnh đạo đặc biệt này có thể thực sự làm nên lịch sử hay không. Sẽ là khôn ngoan nếu hai bên cho phép các cuộc đàm phán ngoại giao diễn ra một cách hợp thức trước khi bỏ cuộc.
Theo Thế giới & Việt Nam