1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cách mới của Nga "bắt chết" tên lửa đạn đạo

Cùng với thử nghiệm tên lửa đánh chặn bí ẩn, Nga đã sẵn sàng đưa vào sử dụng loại khí cầu quân sự có thể chống tên lửa đạn đạo.

Khí cầu siêu mạnh

Hãng TASS dẫn lời giám đốc điều hành Augur-RosAeroSystems, Gennady Verba cho biết, Nga đã sẵn sàng cho cuộc thử nghiệm với khinh khí cầu quân sự Atlant - loại khí cầu đủ mạnh để phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Chương trình vũ khí tương lai trị giá nhiều tỷ rúp mới sẽ có hai phiên bản chính là: Atlant 100 có thể chở theo 60 tấn hàng hóa, trang bị hoạt động ở cự ly 2.000km và phiên bản Atlant 30 chở theo được 16 tấn. Khí cầu Atlant hoạt động ở độ cao lớn được thiết kế để tích hợp hệ thống cảnh báo sớm giúp tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa của Nga.

Việc đưa được hệ thống radar phòng thủ tên lửa lên độ cao lớn có ý nghĩa quan trọng do mở rộng được tầm quan sát và không bị giới hạn bởi đường chân trời với lực lượng phòng thủ vũ trụ hiện nay của Nga.

Khí cầu quân sự Nga.
Khí cầu quân sự Nga.

Trong khi đó, Vladimir Mikheev - cố vấn của Phó chủ tịch đầu tiên của công ty KRET cho biết, các khí cầu hiện đang được phát triển ở Nga có thể được trang bị với các radar phòng thủ tên lửa đạn đạo.

"Ưu điểm chính của một khí cầu là thiết diện thân lớn nơi các hệ thống radar có thể được triển khai. Các anten của các radar phòng thủ sẽ được triển khai trên lớp vỏ của phi thuyền. Nga có lẽ sẽ là một trong các quốc gia hàng đầu phát triển và sản xuất các loại khí cầu phòng thủ kiểu này," Mikheev cho biết.

"Những khí cầu với radar này có khả năng phát hiện các vụ phóng của các tên lửa đạn đạo liên lục địa và quỹ đạo bay của các phương tiện bay hướng vào chúng. Và như vậy, không một phương tiện bay nào nhằm vào Nga có thể lọt qua được hệ thống phòng thủ dày đặc của Moscow", ông này cho biết thêm.

Âm thầm thử nghiệm

Không chỉ có radar phòng thủ tầm cao, Nga cũng vừa âm thầm thử nghiệm loại tên lửa đánh chặn bí ẩn Nudol từ bãi phóng Plesetsk, cách Moscow 800km về phía Bắc. Vụ phóng thử được quan sát bởi vệ tinh của Mỹ và đã thành công. Được biết, đây là lần thứ 2 Nga phóng thành công tên lửa Nudol, lần đầu tiên vào ngày 18/11/2015.

Hiện thông tin về vụ thử đạn tên lửa thuộc tổ hợp Nudol vẫn được giữ bí mật, nhưng đây là dòng vũ khí được thiết kế để bắn hạ mọi mục tiêu trong các tầng quỹ đạo Trái Đất của Nga, trong đó có vệ tinh và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của đối phương.

Nudol là sản phẩm của Tổ hợp thiết kế Almaz-Antey. Theo thông tin ban đầu được tiết lộ, Nudol là tên mật danh của tổ hợp A-235. Được biết, ngay từ năm 2009, Nga tiết lộ thông tin đã hoàn thành việc phát triển và nâng cấp hệ thống radar cảnh giới và dẫn bắn Don-2NP – trái tim của tổ hợp Nudol.

Thông tin về trạm radar này không được tiết lộ, nhưng chắc chắn nó sẽ mạnh mẽ hơn Don-2NP phiên bản tiêu chuẩn với khả năng bao quát tới 2.000km (nhiều nguồn tin là 3.700km). Tầm bao quát của A-235 còn được mở rộng thêm nhờ các trạm radar cảnh báo sớm đặt khắp nước Nga.

Các nguồn tin công khai cũng hé lộ thêm thông tin về tổ hợp A-235 Nudol với việc được trang bị hệ thống siêu máy tính Elbrus-3M mạnh mẽ để xử lý thông tin. Khả năng đánh chặn của A-235 sẽ được chia làm 3 cấp độ:

Đạn tên lửa 51T6 sẽ đảm nhiệm việc đánh chặn ở khoảng cách 1.500km và tầm cao 800 km; tên lửa 58R6 – 1.000km và 120km; đạn tên lửa 53T6M hoặc 45T6 đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 350km và độ cao 40-50km. Tất cả chúng đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để nâng cao khả năng tiêu diệt ICBM của đối phương.

Với vụ phóng thử thành công vừa qua, nhiều khả năng tổ hợp A-235 đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ sớm được triển khai để củng cố năng lực phòng thủ tên lửa của lực lượng Phòng không-vũ trụ Nga.

Theo Đan Nguyên

Đất Việt