1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Các nước xử lý mạnh tay quan chức trục lợi từ dịch Covid-19

Thành Đạt Minh Phương

(Dân trí) - Nhiều chính phủ trên thế giới đã đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm ngặt đối với các quan chức và tổ chức lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để trục lợi.

Bộ trưởng Indonesia ngồi tù 12 năm vì "ăn" tiền cứu trợ Covid-19

Các nước xử lý mạnh tay quan chức trục lợi từ dịch Covid-19 - 1

Cựu Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Indonesia Juliari Batubara (Ảnh: Jakarta Globe).

Tháng 8/2021, Tòa án xét xử tham nhũng Jakarta đã tuyên phạt cựu Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Indonesia Juliari Batubara 12 năm tù giam vì bê bối tham nhũng.

Một thẩm phán cho biết ông Batubara bị kết tội "tham nhũng một cách thuyết phục" sau khi nhận 32,4 tỷ Rupiah (2,25 triệu USD) tiền "lại quả" liên quan đến việc mua sắm hàng hóa cứu trợ Covid-19. Ông Batubara bị cáo buộc can thiệp vào quá trình đấu thầu

Cựu chính trị gia cũng bị phạt 500 triệu rupiah và bị yêu cầu trả lại 14,5 tỷ Rupiah trong số tiền biển thủ được sử dụng cho các chi tiêu cá nhân. Các thẩm phán cho biết ông Juliari cũng sẽ bị cấm làm việc tại các cơ quan công quyền trong 4 năm sau khi mãn hạn tù.

Ông Juliari Batubara bị coi là nghi phạm sau khi Ủy ban chống tham nhũng Indonesia (KPK) thu giữ 7 va li, ba lô và các phong bì chứa đầy tiền mặt với tổng trị giá lên đến 17 tỷ Rupiah (khoảng 1,2 triệu USD) vào tháng 12/2020. Sau đó, ông Batubara mới ra đầu thú.

Thông cáo của KPK cho biết, ông Batubara bị cáo buộc nhận hối lộ từ hai nhà thầu được chỉ định cung cấp các gói cứu trợ lương thực cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chương trình của chính phủ Indonesia. Với mỗi gói cứu trợ, ông Batubara nhận được 10.000 Rupiah.

Kinh tế Indonesia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Chính phủ nước này đã đưa ra hàng loạt chương trình cứu trợ dành cho những người bị ảnh hưởng.

Bình luận về vụ việc của ông Batubara, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói: "Đó là tiền của dân. Đó là khoản hỗ trợ cần thiết trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế". Ông Widodo tuyên bố ông sẽ không bảo vệ bất cứ quan chức tham nhũng nào.

Bộ trưởng Y tế Bolivia bị bắt vì "thổi giá" máy thở

Các nước xử lý mạnh tay quan chức trục lợi từ dịch Covid-19 - 2

Bộ trưởng Y tế Bolivia Marcelo Navajas (Ảnh: EPA).

Tháng 5/2020, Bộ trưởng Y tế Marcelo Navajas đã bị cảnh sát bắt giữ, ngay sau khi Tổng thống Bolivia ra lệnh mở cuộc điều tra về vụ mua lô máy thở từ Tây Ban Nha. Ngoài ông Navajas, 2 quan chức khác của Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng bị bắt giữ. Ông Navajas đã bị cách chức Bộ trưởng Y tế sau khi bị bắt.

Trước đó, Bolivia đã mua máy thở từ công ty GPA Innova tại Tây Ban Nha với giá 27.683 USD mỗi chiếc. Tổng giá trị 179 máy thở do Bolivia đặt mua lên tới gần 5 triệu USD. Tuy nhiên, mức giá thực tế do nhà sản xuất tại Tây Ban Nha đưa ra với mỗi máy thở chỉ từ 9.500-11.000 Euro (khoảng 10.312-11.941 USD). Truyền thông Bolivia thậm chí đưa tin mỗi máy thở của GPA Innova chỉ có giá khoảng 7.184 USD.

Số tiền mua máy thở từ Tây Ban Nha do Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) chi trả. 2 nhân viên của ngân hàng này cũng bị triệu tập để lấy lời khai nhân chứng.

Vụ bê bối nâng giá máy thở bị phanh phui sau khi các bác sĩ phàn nàn rằng các máy thở mua từ Tây Ban Nha không đáp ứng tiêu chuẩn để sử dụng tại các phòng điều trị tích cực của Bolivia.

"Tôi cam kết sẽ theo đuổi cuộc điều tra nhằm vào những đối tượng tham nhũng trong việc mua máy thở, và từng xu sẽ được trả lại cho người dân Bolivia. Tôi sẽ tiếp tục làm việc để cung cấp trang thiết bị cho các bệnh viện của chúng ta với sự minh bạch", Tổng thống Bolivia tuyên bố.

Zimbabwe bắt Bộ trưởng Y tế 

Tháng 6/2020, Bộ trưởng Y tế Zimbabwe Obadiah Moyo bị bắt do trục lợi từ hợp đồng mua thiết bị chống dịch Covid-19 trị giá 60 triệu USD.

Ông Moyo bị cáo buộc trao hợp đồng trị giá 60 triệu USD cho tập đoàn quốc tế có tên Drax International dù ông biết rõ đây chỉ là đơn vị tư vấn, không phải là hãng dược và cũng chỉ mới được thành lập 2 tháng.

Trước đó, hồi cuối tháng 5/2020, tổ chức Minh bạch quốc tế Zimbabwe, tổ chức chống tham nhũng hoạt động tại quốc gia châu Phi này, công bố một bức thư bày tỏ quan ngại trước "tình trạng thiếu minh bạch" về chủ sở hữu thực sự đứng sau công ty cung cấp thiết bị y tế cho chính phủ, cũng như mức giá thiết bị công ty này bán ra.

"Giá của những thiết bị này đã tăng rất cao, cho thấy nguy cơ tham nhũng xuất hiện trong dịch Covid-19", bức thư viết. Chính phủ Zimbabwe sau đó đã phải hủy hợp đồng mua thiết bị với Drax International.

Uganda bắt 4 quan chức cao cấp

Năm 2020, 4 quan chức cao cấp trong chính phủ Uganda đã bị bắt giữ sau khi bị tố cáo "nâng khống" giá thực phẩm cứu trợ Covid-19, gây thất thoát trên 528.000 USD. Những người này công tác tại Văn phòng Thủ tướng Uganda Ruhakana Rugunda và điều hành chương trình hỗ trợ lương thực cho những người dễ tổn thương, người thất nghiệp hoặc người thu nhập thấp do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa trong đại dịch Covid-19.

Giới chức trách điều tra và phát hiện, các quan chức này đã "thổi giá" thực phẩm thu mua cứu trợ, từ chối chọn nhà thầu là các doanh nghiệp có năng lực và chào thầu giá thấp, trong khi bắt tay với nhà thầu chào giá cao để trục lợi.

Theo www.reuters.com