Các nước và chiến lược lấy lòng ông Trump
Lãnh đạo các nước nỗ lực lấy lòng ông Trump để nhận lại các thuận lợi trong quan hệ với Mỹ.
Chắc chắn hầu hết các nước trên thế giới đều xác định tiếp đón trọng thị tổng thống Mỹ đến thăm mình trên chiếc Không lực Một, bất kể vị tổng thống đó là nhân vật nào. Tuy nhiên, theo ghi nhận của CNN, những gì mà nhiều nguyên thủ các nước đã làm trong các chuyến công du nước ngoài vừa qua của ông Trump vượt xa mức tiếp đón trọng thị thông thường.
Lấy lòng ông Trump...
Gần nhất, tại Pháp, ông Trump được chào đón rất nhiệt tình. Ông được mời thăm lăng tẩm Hoàng đế Napoleon Ponaparte, ăn tối ở nhà hàng “trong mơ” tại tháp Eiffel, là khách mời danh dự tại lễ diễu binh mừng Quốc khánh Pháp.
Thăm Saudi Arabia hồi tháng 5, ông Trump được đích thân Quốc vương Salman ra tận sân bay chào đón, vinh dự mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama không có khi ông thăm nước này. Sự trọng thị còn thể hiện với thảm đỏ, trình diễn máy bay quân sự, bắn đại bác, hình ảnh ông được chiếu trên bức tường khách sạn ông ở.
Tại Ba Lan tháng trước, ông Trump cũng được chào mừng rất nồng nhiệt. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda như cố gắng để ông Trump quên đi ý nghĩ châu Âu không ưa gì mình.
Theo CNN, vị lãnh đạo đầu tiên nhận ra ông Trump rất hài lòng và đánh giá cao nếu được đối đãi bài bản, trọng thị, thậm chí phô trương là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Trước khi ông Trump nhậm chức, ông Abe đã sang Mỹ gặp ông Trump với quà tặng là một bộ gậy đánh golf màu vàng sang trọng trị giá gần 4.000 USD, chính thức thiết lập quan hệ tốt.
... để làm gì?
Không khó để tìm ra lý do tại sao. Có thể nói các lãnh đạo này quyết định nỗ lực lấy lòng ông Trump để nhận lại các thuận lợi trong quan hệ với Mỹ.
Trước khi ông Trump làm tổng thống Mỹ, Saudi Arabia đã hàng năm dài mệt mỏi trong quan hệ với chính phủ Obama khi chính phủ Obama theo đuổi thỏa thuận hạt nhân với Iran - nước thù địch của Saudi Arabia. Chính phủ Trump là một hy vọng mới mẻ của Saudi Arabia.
Chính phủ cánh hữu của Tổng thống Ba Lan Duda có nhiều mục tiêu dân túy tương tự chính phủ Trump và hoài nghi vào Liên minh châu Âu. Ba Lan cố làm ông Trump chú ý đến các hoạt động quân sự của Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngôi sao đang lên trong bầu trời chính trị châu Âu, đang chủ trương chú trọng ngoại giao để khẳng định vị thế của mình. Ông Trump tháng trước làm cả châu Âu bất mãn với quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris. Dù bản thân từng chỉ trích nặng ông Trump nhưng ông Macron vẫn muốn làm cầu nối giữa ông Trump với châu Âu.
Hai ông Macron và Trump (trái) cùng xem diễu binh mừng Quốc khánh Pháp 14-7. Ảnh: REUTERS
Các lãnh đạo này dường như hiểu được tính cách của ông Trump, quan hệ cá nhân giữa ông với lãnh đạo các nước ảnh hưởng lớn đến các quyết định, chính sách của Mỹ với các nước này. Một số lãnh đạo nhận ra nếu càng đối đãi trọng thị với ông Trump thì sẽ càng được nhận lại nhiều hơn.
Trong khi đó, không ít chuyên gia Mỹ lo ngại ông Trump quá dễ bị lấy lòng và hành động theo cảm tính.
“Saudi che mắt các nhà thương lượng thiếu kinh nghiệm của ông Trump bằng sự chăm sóc ân cần, bằng các thỏa thuận mua vũ khí, quyên góp cho quỹ của Ngân hàng Thế giới để trợ giúp phụ nữ mà cô Ivanka là người ủng hộ. Có thể nói Saudi đã điều khiển được ông Trump. Mỹ giờ đã cam kết tôn trọng chính sách Trung Đông của Saudi Arabia” - nhà báo Fareed Zakaria của CNN nhận định.
Thủ tướng Abe dường như cũng nhận được trái ngọt nỗ lực thiết lập quan hệ tốt với ông Trump. Mỹ từ sau chuyến thăm của ông Abe tới giờ không còn đòi Nhật chia sẻ thêm với Mỹ chi phí triển khai quân Mỹ tại Nhật.
Với Trung Quốc, nỗ lực thiết lập quan hệ cá nhân thân thiện của Chủ tịch Tập Cận Bình khi thăm ông Trump đầu tháng 4 đã đem về một số lợi ích. Ông Trump tạm không nhắc đến vấn đề thương mại giữa hai nước, dù Trung Quốc không kiềm chế hiệu quả Triều Tiên.
Cũng có lãnh đạo “lực bất tòng tâm”
Không phải lãnh đạo nào cũng thành công trong lấy lòng ông Trump. Điển hình là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Merkel cũng cố tìm sự gắn kết với ông Trump nhưng kết quả không được như ý.
Còn nhớ lại lần gặp nhau đầu tiên của hai người tại Mỹ. Có thể nói ngôn ngữ cơ thể của bà Merkel với ông Trump không những không đồng điệu mà còn quá ngượng ngập. Việc ông Trump từ chối bắt tay bà Merkel trước ống kính truyền thông dù được bà Merkel ngỏ lời đề nghị trước đã gây xôn xao một thời gian.
Ông Trump làm lơ không bắt tay dù bà Merkel chủ động đề nghị. Ảnh: DAILY EXPRESS
Bà Merkel sau đó còn mời con gái ông Trump, cô Ivanka Trump, sang Đức như để tìm thêm kênh quan hệ với ông Trump.
Tuy nhiên, mọi chuyện đổ vỡ sau chuyến công du châu Âu hồi tháng 5 của ông Trump. Sau khi ông Trump cứng rắn yêu cầu NATO tăng chi tiêu quốc phòng, chia sẻ ngân sách với Mỹ, bà Merkel đã lên tiếng cảnh báo châu Âu giờ phải tự lo cho mình, không thể trông cậy vào Mỹ nữa.
Mới đây, tại hội nghị G20 cuối tuần rồi ở Đức, phu quân bà Merkel tổ chức cho vợ chồng các lãnh đạo G20 đi thăm một phòng thí nghiệm nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Động thái này đặc biệt nhạy cảm khi trước đó không lâu ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris. Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump không tham gia chuyến đi này do biểu tình phản đối ông Trump tại Hamburg quá dữ dội.
Con dao hai lưỡi
Việc đón tiếp một vị tổng thống Mỹ ít được ưa thích, có nhiều tranh cãi cũng là một mối băn khoăn của các lãnh đạo rằng có thể gặp phản ứng mạnh từ trong nước.
Hoàng gia Saudi Arabia với quyền lực của mình không sợ điều này. Ông Macron, đang là tổng thống Pháp quyền lực nhất trong nhiều năm gần đây với thế đa số ở Quốc hội,cũng yên tâm về điều này.
Tuy nhiên, với các lãnh đạo khác thì chưa hẳn. Thủ tướng Merkel đang chạy đua vào nhiệm kỳ thứ 4, phải dè chừng phản ứng của các đối thủ khi làn sóng bất mãn ông Trump ở các chính trị gia Đức rất lớn.
Một lãnh đạo khác, Thủ tướng Anh Theresa May, cũng phải thận trọng trong quan hệ với ông Trump. Những bức ảnh bà và ông Trump nắm tay nhau đi dạo tại Nhà Trắng khi bà đến thăm Mỹ đầu năm nay gặp phản ứng dữ dội từ các chính trị gia Anh.
Theo Đăng Khoa
Pháp luật TP. Hồ Chí Minh