Các nhà lãnh đạo ôm hôn - bao nhiêu là đủ?
Tại hội nghị G8 ở Nga, Tổng thống Mỹ George W. Bush bất ngờ <a href="http://dantri.com.vn/Thegioi/2006/7/131114.vip">mát xa</a> cho Thủ tướng Đức Angela Merkel bằng cách đặt hai tay lên vai bà, dường như bóp chặt. Merkel giơ hai tay lên trời và hơi nhăn mặt. Báo chí toàn cầu tha hồ đồn đoán.
Các hãng truyền thông Đức chỉ trích hành động mà tờ Bild gọi là "tống tình" này, trong khi báo chí Mỹ - cả phe bảo thủ và tự do - miệt mài tranh cãi xem đó là cử chỉ thể hiện sự nồng nhiệt hay cái gì đó thâm sâu hơn - một hành vi thăm dò kiểu cổ chẳng hạn.
Xét một cách riêng lẻ, vụ mát xa này ít ra là hành động kỳ lạ về mặt ngoại giao. Dù chủ ý của ông Bush là gì đi nữa, cuộc mát xa không được bà Merkel đón nhận. Nhưng trong bối cảnh các chính trị gia đang ngày càng có xu hướng dùng chân tay để biểu hiện, 5 giây đó có thể coi như một khoảnh khắc bốc đồng vô hại.
Tại Moscow hồi đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dừng chân chào hỏi một chú bé con 5 tuổi, kéo áo bé lên và hôn vào bụng nó. Sau đó ông giải thích rằng hành động đó xuất phát từ cảm xúc yêu mến.
"Thằng bé có vẻ rất độc lập và nghiêm trang", Putin kể lại trong một cuộc họp báo. "Tôi chỉ muốn âu yếm nó như một con mèo con vậy".
Hồi tháng 4 vừa rồi ở Seatle (Mỹ), khi một quản đốc của Boeing tặng chiếc mũ lưỡi trai cho Chủ tịch Trung Quốc (ông Hồ Cẩm Đào vốn nổi tiếng là cực kỳ ngại động chạm), Hồ đáp lễ bằng cách vòng cả hai tay quanh người quản đốc, dùng cả người ôm lấy ông ta. "Lần đầu tiên được ôm một tổng thống trong đời tôi", vị quản đốc sửng sốt.
Tại bang New Mexico của Mỹ, thống đốc Bill Richardson - một người có tham vọng làm tổng thống - đã gặp khó trên con đường tiến thân, sau khi trợ lý Diane Denish nói với một tờ báo địa phương rằng bà thường phải tránh ông trong các dịp lễ lạt, bởi: "Ông ta thúc vào tôi. Ông ta cấu véo cổ tôi. Ông ta chạm vào hông tôi, đùi tôi, chân tôi".
Liệu có phải các nhà lãnh đạo kia đi quá đà?
Không lâu trước đây, các chính trị gia Mỹ vẫn giới hạn các hành vi của mình với công chúng và với đối tác: chỉ bắt tay. Hai người giơ tay phải, tóm bàn tay nhau, bóp nhẹ và nhanh chóng thả ra. Không vuốt, không âu yếm, không nắm lâu.
Họ đã đi từ cái bắt tay như thế đến việc hôn bụng, mát xa lưng và "chạm vào chân tôi" như thế nào?
Các nhà quan sát cho rằng không có hành động nào là vô tình cả. Các chuyên gia tư vấn chính trị đang ngày ngày khuyến khích giới chính trị gia ôm lấy người đối diện, nếu cảm thấy cần phải thế. Thậm chí ông Frank Luntz, một nhà tư vấn của đảng Cộng hòa Mỹ, còn tuyên bố ông đã khuyên khách hàng từng chi tiết nhỏ nhất về cách thức ôm hôn.
"Tôi nói với các chính trị gia Mỹ rằng cần phải hoạt động cơ thể đi. Đấy là cách thể hiện tình cảm, sự nồng nhiệt và tinh thần đồng đội. Tôi tin rằng các phương thức tiếp cận một cách vật lý là điều tốt trong chính trị".
Luntz còn cho biết ông mang cả chiêu này ra áp dụng ở Italy, nơi Luntz vừa tư vấn cho thủ tướng mới đắc cử Romano Prodi.
Việc một nhà tư vấn Mỹ thuyết phục được một lãnh đạo Italy dùng phương pháp động chạm cơ thể là rất đáng chú ý, Allan Pease, một chuyên gia về truyền thông và là tác giả cuốn "Cẩm nang ngôn ngữ hình thể", bình luận.
Pease nhận xét rằng văn hóa giao tiếp Mỹ, các nước Bắc Âu và Astralia, New Zealand không khuyến khích việc động chạm cơ thể. Còn các nền văn hóa Địa Trung hải thì có truyền thống nồng nhiệt hơn trong vấn đề này.
"Đức là ví dụ tiêu biểu về văn hóa không động chạm", ông nói. "Họ không ôm ấp nhau. Nhưng nếu bạn đến Italy, bạn ôm hôn người đối diện, họ sẽ nghĩ: Chà, gã này tốt".
Tuy nhiên bởi Mỹ du nhập rất nhiều sắc thái văn hóa từ khắp thế giới, người ta cũng dễ dàng hơn với chuyện ôm hôn.
Thời gian gần đây ông Bush dường như có khuynh hướng hôn hoặc ôm người đối diện hơn là bắt tay. Ông hôn Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice khi bổ nhiệm bà làm bộ trưởng, và ôm một học viên thủy quân lục chiến ngay trên sân khấu của lễ tốt nghiệp khi anh này nói với ông một câu đầy ngưỡng mộ.
Rắc rối chỉ xảy ra khi người ta lấy phong cách thân mật kiểu Mỹ ra áp dụng ở những nơi nó không được chào đón. "Khi mà cả thế giới cùng nhìn vào, một số người nghĩ rằng làm thế cũng chẳng sao, nhưng những người khác cho là thật kỳ quái", Pease nói.
Ông Bush từng bị nhiều blogger về chính trị chỉ trích hành động xoa hoặc vỗ lên đầu những người hói. "Điều đó khó mà được hoan nghênh", ông Luntz bình luận. "Việc động chạm bằng cơ thể là nhằm bảy tỏ rằng bạn yêu mến người ta, chứ không phải để lấy người ta làm trò đùa".
Và việc ông Bush bất thần mát xa gáy bà Thủ tướng Đức, theo đánh giá của Pease, là tình huống hoàn toàn không dễ chịu cho cả hai.
Theo T. Huyền
Vnexpress/IHT