1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Các ngân hàng Iran bị cô lập khỏi hệ thống ngân hàng thế giới

(Dân trí)- Từ 17/3, hàng chục ngân hàng của Iran đã bị cấm giao dịch với hầu hết các nước trên thế giới. Động thái này chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn không chỉ cho ngành ngân hàng mà còn cả ngành công nghiệp dầu mỏ xương sống của Tehran.

Các ngân hàng Iran bị cô lập khỏi hệ thống ngân hàng thế giới

Từ nay, đồng nội tệ của Iran sẽ bị cấm giao dịch tại rất nhiều ngân hàng trên thế giới.

 

Quyết định chưa có tiền lệ

Ngày 15/3, Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng thế giới (SWIFT) đã đưa ra một quyết định chưa từng có là cấm 30 ngân hàng của Iran sử dụng dịch vụ của SWIFT. Đây là hệ thống thanh toán điện tử lớn nhất thế giới,  có trụ sở tại Brussels (Bỉ) và hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực chuyển tiền.

SWIFT đưa ra quyết định trên trong bối cảnh phương Tây đang siết chặt gọng kìm tài chính đối với Nhà nước Hồi giáo nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

"Đây là quyết định chưa từng có tiền lệ của SWIFT. Nó là hệ quả trực tiếp từ các hành động đa phương và mang tính quốc tế nhằm siết chặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Iran", Giám đốc điều hành của SWIFT Lazaro Campos cho biết sau khi đưa ra quyết định trên.

Thông thường, một chiếc tàu chở dầu có thể chuyên chở lượng dầu có tổng trị giá lên tới 100 triệu USD. Chính vì vậy, việc thanh toán qua ngân hàng điện tử là điều rất quan trọng.

Sợi dây lòng thọng

Theo nhận định của giới chuyên gia tài chính, lệnh cấm của SWIFT không chỉ gây thiệt hại lớn cho các ngân hàng của Iran mà còn làm tổn hại nghiêm trọng ngành công nghiệp dầu mỏ xương sống của nước này. Ngoài ra, người dân Iran cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận tiền từ người thân ở nước ngoài gửi về.

"Việc cấm các ngân hàng Iran tiếp cận với hệ thống dịch vụ của SWIFT không khác gì hành động thắt thòng lòng vào cổ Tehran", ông Ali Ansari đánh giá.

Ông Ali Ansari là chuyên gia về Trung Đông của Viện Nghiên cứu chính sách Chatham House có trụ sở ở thủ đô London của Anh. Theo ông, bằng cách làm này, các nước phương Tây sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho Iran trong việc bán dầu, ngay cả cho những đối tác thiện chí nhất. Đây cũng là quan điểm của nhà kinh tế kỳ cựu Judith Dwarkin thuộc cơ quan nghiên cứu đầu tư ITG.

"Tây Ban Nha và Nhật Bản đã giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Các công ty dầu mỏ lớn tại châu Âu cũng đã cắt giảm sản lượng trước khi lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Iran chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7 tới".

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các giao dịch dầu mỏ của Iran liên tục sụt giảm trong nhiều tháng qua và đến tháng Hai đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Iran "né" bằng cách nào?

Hiện cả chính phủ Iran lẫn các ngân hàng liên quan chưa có bất kỳ phản ứng nào trước quyết định của SWIFT.

Tuy nhiên, các chuyên gia về dầu mỏ cho rằng Tehran vẫn có thể bán dầu theo nhiều cách mà không cần phải sử dụng dịch vụ của SWIFT như trực tiếp đổi dầu lấy tiền mặt, vàng, tài sản hoặc các mặt hàng tiêu dùng khác.

Thậm chí, Iran  có thể sẽ "trộn dầu của họ vào dầu của các nước khác tại các ga cuối hoặc vào đường ống dẫn dầu của các nước khác để ngụy trang". Đó là chưa kể nước này có thể cũng sẽ nhận được "sự giúp đỡ bí mật" từ ngân hàng trung ương của những nước có mối quan hệ mật thiết với Tehran,  hoặc đẩy mạnh thực hiện các giao dịch thông qua những ngân hàng không nằm trong "sách đen" của SWIFT hoặc Liên minh châu Âu (EU).

"Lịch sử kinh doanh dầu mỏ cho thấy người ta luôn tìm cách này hay cách khác để né tránh các lệnh cấm vận thương mại", chuyên gia kinh doanh dầu mỏ kỳ cựu Jim Ritterbusch cho biết.

Và dự báo diễn biến giá dầu

Thông thường, khi số khách hàng mua dầu của Iran sụt giảm, cộng thêm việc nước này gặp nhiều khó khăn trong hoạt động thanh toán, tất yếu Tehran sẽ buộc phải hạ giá dầu. Tuy nhiên, quyết định này vẫn không thể giúp được Nhà nước Hồi giáo bán hết số lượng dầu mà nước này mong muốn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nguồn cung dầu trên thế giới sẽ bị thiếu hụt trầm trọng.

Để bù đắp sự thiếu hụt này do hậu quả của các lệnh trừng phạt gây ra, Ảrập Xêút đã tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất dầu mỏ. Tuy nhiên, lượng dầu tăng thêm của Ảrập Xêút cũng không thể lấp đầy được 100% con số thiếu hụt. Do vậy, giá dầu chắc chắn sẽ bị đẩy lên cao do tác động kép của việc sụt giảm mạnh lượng dự trữ dầu mỏ và sự gia tăng cạnh tranh của các nhà nhập khẩu trong cuộc đua tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Giới phân tích dự đoán giá mỗi thùng dầu sẽ tăng thêm ít nhất 20 USD, sau khi đã tăng từ 10-20 USD trong những tuần qua.            

Vũ Anh
Theo Reuters, AFP