1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Các cường quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân

Minh Phương

(Dân trí) - Số vũ khí hạt nhân hoạt động tăng nhẹ trong năm 2022, trong bối cảnh các nước tìm cách hiện đại hóa và mở rộng lực lượng dài hạn.

Các cường quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân - 1

Kho vũ khí hạt nhân toàn cầu mở rộng trong năm 2022 (Ảnh minh họa: Getty).

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri), số lượng vũ khí hạt nhân có thể triển khai trong kho vũ khí của các cường quốc quân sự đang tăng trở lại.

Ước tính, thế giới hiện có khoảng 12.512 đầu đạn hạt nhận, trong đó có 9.576 đầu đạn nằm trong kho dự trữ quân sự sẵn sàng để sử dụng, tăng 86 đầu đạn so với một năm trước.

Sipri cho rằng, 60 đầu đạn hạt nhân mới do Trung Quốc nắm giữ. Số khác được cho là của Nga (12), Pakistan (5), Triều Tiên (5) và Ấn Độ (4).

Vào thời điểm các mối quan hệ quốc tế đang xấu đi, giới phân tích cảnh báo rằng, thế giới đang ở một trong những thời kỳ nguy hiểm nhất lịch sử nhân loại.

Số lượng đầu đạn hạt nhân gia tăng bất chấp việc 5 thành viên hội đồng an ninh thường trực của Liên hợp quốc, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, tuyên bố vào năm 2021 rằng: "Chiến tranh hạt nhân không được phép xảy ra".

Tính chung, Nga và Mỹ sở hữu gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Ngoài vũ khí hạt nhân có thể triển khai được, hai cường quốc này mỗi bên còn nắm giữ hơn 1.000 đầu đạn đã ngừng phục vụ trong quân đội và đang được họ tháo dỡ dần.

Trong tổng số 12.512 đầu đạn trên thế giới, bao gồm cả những đầu đạn đã ngừng hoạt động và đang chờ tháo dỡ, Sipri ước tính có 3.844 đầu đạn được triển khai cùng với tên lửa và máy bay.

Khoảng 2.000 đầu đạn trong số đó, gần như tất cả đều thuộc về Nga hoặc Mỹ, được đặt trong tình trạng báo động cao, nghĩa là chúng được trang bị cho tên lửa hoặc được giữ tại các căn cứ không quân có máy bay ném bom hạt nhân.

Tuy nhiên, Sipri lưu ý rằng, tình hình hiện nay rất khó đánh giá vì một số quốc gia, bao gồm Nga, Mỹ và Anh, đã giảm tính minh bạch về số lượng vũ khí hạt nhân của họ kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Các cường quốc mở rộng kho hạt nhân

Trung Quốc, cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới, được cho là đã tăng số lượng đầu đạn hạt nhân từ 350 vào tháng 1/2022 lên 410 vào tháng 1 năm nay. Kho vũ khí đó dự kiến tiếp tục tăng lên nhưng Sipri dự đoán rằng, chúng sẽ không vượt qua kho vũ khí của Mỹ và Nga.

Báo cáo cho biết thêm rằng, Trung Quốc chưa bao giờ công bố quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình và nhiều đánh giá của Sipri dựa trên dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD).

Vào năm 2021, hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng hàng trăm hầm chứa tên lửa mới trên khắp lãnh thổ phía bắc của họ.

Hans Kristensen, một thành viên cao cấp làm việc cho chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Sipri, cho biết: "Trung Quốc đã bắt đầu mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân. Trung Quốc từng tuyên bố, họ chỉ sản xuất lượng vũ khí hạt nhân tối thiểu cần thiết để duy trì an ninh quốc gia".

Pháp và Anh là những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới tiếp theo, với số lượng đầu đạn lần lượt là 290 và 225. Kho vũ khí hạt nhân của Anh dự kiến tăng hơn nữa sau khi thông báo tăng giới hạn trên đối với vũ khí hạt nhân từ 225 lên 260 đầu đạn vào hai năm trước.

Trong số 225 đầu đạn của Anh, 120 đầu đạn được cho là sẵn sàng triển khai bằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Trident II D5, với khoảng 40 đầu đạn được mang trên tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN).

Tuy nhiên, chính phủ Anh cho biết, họ sẽ không tiết lộ công khai số lượng vũ khí hạt nhân, đầu đạn đã triển khai hoặc tên lửa đã triển khai trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng. Chính sách mới của Anh là một dấu hiệu cho thấy sự đổ vỡ trong mối quan hệ hợp tác liên quan tới tương lai của vũ khí hạt nhân.

Mỹ đã tạm dừng các cuộc đối thoại với Nga nhằm ổn định chiến lược song phương từ sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ và Điện Kremlin tuyên bố dừng tham gia vào hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, chính phủ Nga ngày càng nói nhiều về nguy cơ chiến tranh hạt nhân kể từ khi thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Dan Smith, giám đốc của Sipri, cho biết: "Chúng ta đang rơi vào một trong những thời kỳ nguy hiểm nhất lịch sử nhân loại. Điều cấp thiết là các chính phủ trên thế giới phải tìm cách hợp tác để xoa dịu căng thẳng địa chính trị, làm chậm lại các cuộc chạy đua vũ trang và đối phó với những hậu quả ngày càng tồi tệ của sự cố môi trường và nạn đói đang gia tăng trên thế giới".

Theo Guardian