Các cuộc bầu cử quan trọng trên thế giới năm 2025
(Dân trí) - Từ châu Âu tới châu Ấ, cử tri tại hàng loạt quốc gia sẽ bỏ phiếu lựa chọn những nhà lãnh đạo mới cho đất nước.
Nếu như năm 2024 được coi là "năm của các cuộc bầu cử" khi người dân tại hàng loạt quốc gia có tầm ảnh hưởng như Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Anh, Pháp, trong năm 2025, số lượng và tầm ảnh hưởng của các cuộc bầu cử dường như ít hơn.
Dù vậy, các cuộc bầu cử trong năm 2025 ở một số nền kinh tế lớn như Đức, Canada, Australia hay Hàn Quốc đáng để theo dõi trước viễn cảnh các chính phủ mới có thể cầm quyền. Tại Đông Nam Á, cuộc tổng tuyển cử tại Singapore và bầu cử giữa kỳ tại Philippines sẽ là chỉ dấu đánh giá sự ủng hộ của người dân với đảng cầm quyền,
Đức
Sau khi chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 27/12 đã tuyên bố giải tán Quốc hội, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 23/2.
Chính phủ Scholz chỉ mới được thành lập cuối năm 2021 sau chiến thắng bất ngờ của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong cuộc tổng tuyển cử cùng năm. Tuy vậy, do không đạt được thế đa số trong Quốc hội, SPD đã phải liên minh với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do.
Dù vậy, ba đảng này thường xuyên rơi vào trạng thái "đồng sàng dị mộng" do khác biệt về tư tưởng cũng như chính sách. Do đó, việc chính phủ sụp đổ trước khi kết thúc nhiệm kỳ dường như là kết quả tất yếu.
Theo các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU)/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ khoảng hơn 30%.
Xếp thứ hai là đảng cực hữu AfD với tỷ lệ ủng hộ khoảng 20%, tăng mạnh so với tỷ lệ 10,4% mà đảng này giành được trong cuộc tổng tuyển cử năm 2021. đảng SPD rơi xuống vị trí thứ ba.
Với kết quả này, ít có khả năng một đảng phái có thể giành đủ số ghế để tự mình thành lập chính phủ. Nước Đức hoàn toàn đứng trước nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị khác.
Canada
Theo quy định của Hiến pháp Canada, nước này sẽ phải tổ chức bầu cử không muộn hơn ngày 20/10.
Đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau đang bị đảng Bảo thủ đối lập bỏ xa trong các cuộc thăm dò dư luận, với cách biệt ngày càng được nới rộng. Những cuộc thăm dò gần đây thậm chí cho thấy tỷ lệ ủng hộ cho phe bảo thủ cao hơn gấp đôi so với phe tự do.
Theo kết quả thăm dò, phe bảo thủ hoàn toàn có khả năng giành quá 50% số ghế trong Quốc hội để tự mình thành lập chính phủ, chấm dứt gần 10 năm cầm quyền của đảng Tự do.
Australia
Thời hạn giữa hai cuộc tổng tuyển cử tại Australia chỉ là ba năm - tương đối ngắn so với đa số quốc gia khác. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy liên đảng Tự do/Quốc gia đang dẫn trước so với đảng Lao động của Thủ tướng Anthony Albanese nhưng với tỷ lệ không đáng kể.
Trong khi chính phủ của Thủ tướng Albanese bị chỉ trích vì các vấn đề kinh tế như lạm phát, lãi suất cao và khủng hoảng nhà ở, phe đối lập đang mất phiếu của các cử tri thành thị do quá nghiêng về cánh hữu trong các vấn đề như biến đổi khí hậu.
Theo Economist, cả hai đảng phái lớn này đều đang giảm sức hút trong mắt các cử tri. Giới chuyên gia đánh giá hoàn toàn có khả năng Australia sẽ có một chính phủ thiểu số sau bầu cử - có thể do đảng Lao động lãnh đạo với sự ủng hộ của đảng Xanh và một số nghị sĩ độc lập.
Hàn Quốc
Theo lịch bầu cử của Hàn Quốc, đáng lẽ ra cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo chỉ được tiến hành năm 2027 - khi Tổng thống Yoon Suk-yeol kết thúc nhiệm kỳ 5 năm. Tuy vậy, trong bối cảnh ông Yoon đang bị luận tội sau cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua, người dân Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ phải đi bầu nhà lãnh đạo mới vào năm sau.
Điều tương tự từng xảy ra năm 2017 sau khi cựu Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội. Khi đó, ứng viên đảng Dân chủ Moon Jae-in - người bị bà Park đánh bại 5 năm trước đó - đã tận dụng cơ hội để giành chiến thắng.
Theo Korea Herald, theo các cuộc thăm dò dư luận, ứng viên hàng đầu cho vị trí chủ Nhà Xanh là Chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-muyng. Ông Lee tạm thời bỏ xa các ứng viên xếp sau là lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền Han Dong-hoon, lãnh đạo đảng Cách tân Tổ quốc Cho-kuk hay Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon.
Singapore
Cuộc tổng tuyển cử năm 2025 sẽ là lần đầu tiên Thủ tướng Lawrence Wong lãnh đạo đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền bước vào một cuộc bầu cử.
"Đừng nghĩ rằng PAP chắc chắn sẽ giành chiến thắng và có thể xây dựng một chính phủ ổn định", Thủ tướng Wong phát biểu tại một hội nghị của PAP hồi tháng 11.
Ông Wong chỉ ra chỉ cần một thay đổi nhỏ trong quan điểm của cử tri cũng đủ khiến đảng PAP mất thêm ghế trong Quốc hội. Thậm chí một số bộ trưởng trong chính phủ hiện nay có thể bị mất ghế.
Thể thức bầu cử tại Singapore tương đối đặc biệt. Ngoài các khu vực bầu cử có một nghị sĩ đại diện, Singapore cũng có một số khu vực bầu cử với nhiều nghị sĩ đại diện. Các nghị sĩ này cần cùng là thành viên một đảng hoặc là nhóm nghị sĩ độc lập.
Kể từ khi Singapore giành độc lập đến nay, đảng PAP chưa bao giờ đánh mất thế đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Tuy vậy, trong cuộc bầu cử năm 2020, tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng đã giảm hơn 8 điểm phần trăm so với cuộc bầu cử trước đó, giúp phe đối lập giành được số ghế kỷ lục trong lịch sử (10 ghế).
Philippines
Trong năm 2025, người dân Philippines sẽ bầu lại toàn bộ 317 ghế tại Hạ viện và 12 trong tổng số 24 ghế tại Thượng viện. Trong đó, yếu tố định hình cuộc bầu cử sẽ là cuộc đấu giữa hai gia tộc Marcos và Duterte.
Trong thời gian qua, mâu thuẫn giữa gia tộc Marcos (mà đại biểu là Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.) và gia tộc Duterte (mà đại biểu là Phó Tổng thống Sara Duterte và cha bà, cựu Tổng thống Rodrigo Duterte) diễn ra gay gắt. Đỉnh điểm là việc Phó Tổng thống Duterte rời khỏi nội các của ông Marcos.
Thông thường, các cuộc bầu cử giữa kỳ được coi là cuộc "trưng cầu dân ý" đối với tổng thống đương nhiệm. Theo giáo sư Jean Encinas-Franco tại Đại học Philippines, thành công trong cuộc bầu cử này sẽ có ý nghĩa then chốt đối với di sản của ông Marcos.
"Nếu đa số những người ông ủng hộ giành chiến thắng tại Thượng viện và Hạ viện, đây là điều bảo đảm các kế hoạch lập pháp của ông sẽ được thực thi", giáo sư Encinas-Franco nói. "Ông ấy cũng sẽ có đủ ảnh hưởng để lựa chọn người mà ông ấy sẽ ủng hộ trong cuộc bầu cử (tổng thống) năm 2028".
Ngoài Quốc hội, một cuộc bầu cử đáng chú ý khác cũng sẽ diễn ra tại Philippines năm 2025: Cuộc đua vào ghế thị trưởng thành phố miền Nam Davao. Hồi tháng 10/2024, cựu Tổng thống Duterte đã hé lộ ý định tham gia cuộc đua. Nếu thành công, ông Duterte sẽ chính thức quay trở lại chính trường Philippines sau 3 năm rời ghế tổng thống.