1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bush và suy tư tuổi 60

Thứ 5 tuần này, Tổng thống Mỹ Bush sẽ bước sang tuổi 60. Dường như ông không bỏ lỡ dịp nào để nói về sự kiện này.

Hiếm có một tuần lễ nào của năm 2006 trôi qua mà ông Bush không đề cập tới "tuổi già" sắp tới của mình ít nhất một lần.

"Ngài cảm thấy sao, thưa Tổng thống?", một phóng viên hỏi ông Bush tại buổi họp báo, vài giờ sau chuyến bay tốc hành từ Baghdad về Washington. "Tôi ổn, cảm ơn", Tổng thống đáp. "Giống một chiếc máy bay già bị tụt lại phía sau mà tôi chắc các anh có thể tưởng tượng. Gần 60 tuổi rồi". Còn trong bức Thông điệp liên bang hồi tháng 1, Tổng thống coi ngày sinh nhật sắp tới của mình là "cuộc khủng hoảng cá nhân".

Trên thực tế, ông Bush gần như luôn tỏ ra rất khôn khéo mỗi khi đụng tới vấn đề tuổi tác của mình. Song sự dí dỏm, hài hước của ông chứa đựng những suy tư sâu sắc về tuổi già và cả về di sản sau khi ông rời Nhà Trắng vào năm 2009. Câu nói cửa miệng của Bush: "Tôi đang ngày càng già" đã tạo cho ông một bầu không khí thân thiện ở mỗi nơi ông đến.

Cũng trong năm 2006 này, ngoài ông Bush, còn khá nhiều nhân vật có tiếng tăm khác kỷ niệm lần sinh nhật thứ 60. Đo là Cher, Bill Clinton, Dolly Parton, Donald Trump, Sylvester Stallone, Diane Keaton, Suzanne Somers, Reggie Jackson và Jimmy Buffet. Họ thuộc lớp người đầu tiên trong số 78 triệu dân Mỹ từng góp sức trong chiến dịch "tăng gia dân số" bước sang tuổi già.

"Năm nay, những người đầu tiên trong 78 triệu dân góp phần tăng gia dân số, bao gồm hai người mà cha tôi yêu quý là tôi và Tổng thống Clinton, sẽ bước sang tuổi 60. Bước ngoặt này không chỉ là một cuộc khủng hoảng cá nhân, mà là một thách thức mang tính quốc gia", trích nội dung bức Thông điệp liên bang của ông Bush hôm 31/1.

Theo Karl Pillemer, giáo sư Phát triển con người tại ĐH Cornell, những đăm chiêu của ông Bush phản ánh suy nghĩ chung của cả nhóm người này. Những người ấy đã đem lại nhiều tiến bộ về dân quyền và về các phong trào bảo vệ quyền phụ nữ. Song họ cũng tạo ra một thứ chủ nghĩa mới ở Mỹ, mà GS Pillemer tạm gọi là "chủ nghĩa tự yêu quý bản thân".

Giờ đây, thành viên của nhóm này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, chứng kiến con cái mình trưởng thành, định liệu trước giai đoạn mình trở thành ông, bà; chứng kiến bố mẹ họ già yếu và qua đời, về hưu, đối phó với tình trạng suy yếu về thể lực và trí tuệ.

"Đối với nhiều người trong số này, bước sang tuổi 60 là một cú sốc tương đối lớn", ông Pillemer nhận xét. "Thế hệ đó tin rằng họ sẽ trẻ mãi...và rõ ràng không thể như vậy. Họ đang trải qua một giai đoạn khó khăn ...".

Còn GS bác sĩ J. Edward Hill, Cựu Chủ tịch Hiệp hội Y tế Mỹ thì cho biết ông đã chứng kiến nhiều bệnh nhân biểu lộ cảm giác lo lắng tương tự như ông Bush. Song theo GS Hill, cách Tổng thống bông đùa về tuổi tác của mình dường như là kiểu bày tỏ tích cực, lành mạnh nhất. "Khi bạn lo lắng về vấn đề gì đó, bạn nói về nó. Cố gắng tỏ ra vui vẻ là điều vô cùng quan trọng", ông Hill nói.

Trong nhiều bài phát biểu, ông Bush tự gọi mình là "vị Tổng thống già - già đi từng phút", hay là một trong những "công dân tóc muối tiêu" hoặc đơn giản chỉ là "già". Ông thường xuyên nói về cách ông từng coi tuổi 60 là rất già khi ông còn trẻ. Song theo thời gian, hoàn cảnh đã khiến ông thay đổi quan niệm này. "Tất cả đều do cách suy nghĩ của mình", ông nói trong một bài phát biểu gần đây. "Tuổi 60 không phải như vậy, thực sự không phải".

Một lần ông hỏi đố Pete Navarro, người Florida cùng tham gia uỷ ban xem xét lợi ích của việc bán thuốc theo đơn, rằng: "Khi nào ông bước sang tuổi 60?". Rồi Tổng thống tỏ ra thất vọng một chút khi Navarro đáp rằng ngày sinh nhật 60 của ông đến tận tháng 1 năm sau. "Ồ, tháng 1 ư. Ông trẻ hơn tôi rất nhiều", ông Bush nói.

Gần đây, Tổng thống Mỹ thường xuyên tỏ ra hài hước về thể trạng của mình khi ông sắp bước vào tuổi lục tuần. Ông bông đùa về việc giảm thính giác, về việc đau khớp gối khiến ông phải chuyển sang đạp xe thay vì chạy bộ hoặc về việc ông quá già để ra sân chơi bóng rổ.

Ông thậm chí còn nói lớn suy nghĩ của mình về tuổi thọ, ước chừng một người đàn ông Mỹ trung bình ở tuổi ông chỉ còn khoảng 19 năm cuộc đời.

Giống như nhiều vị Tổng thống khác, ông Bush đã có nhiều tóc bạc, thêm nhiều nếp nhăn và sẽ tăng thêm vài kg so với khi mới nhậm chức. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn có các chỉ số sức khoẻ và sức lực của một người trẻ hơn tuổi ông.

Một số người gần gũi với Bush cho biết ông rất thoải mái với thành tích này. Ông rất thích nói về việc giữ được hình thể, tăng cường sức lực nhờ vào tác phong làm việc chăm chỉ, tích cực 6 ngày/tuần.

Lần kiểm tra sức khoẻ gần đây nhất của ông Bush diễn ra vào cuối tháng 7 năm ngoái. Kết quả là ông có nhịp tim của một vận động viên điền kinh được huấn luyện tốt và không có vấn đề gì nghiêm trọng ngoài tình trạng giảm khả năng nghe, một vài tổn thương da do ánh nắng mặt trời, hoặc đôi khi cứng cột sống.

Bác sĩ đã xếp ông vào hàng ngũ những người "siêu khoẻ" trong độ tuổi của ông.

Sinh nhật lần thứ 60 này của Tổng thống Mỹ sẽ không khác mấy so với những sinh nhật trước, chỉ lớn hơn một chút. Sẽ có khoảng 150 bạn thân và thành viên gia đình cùng ăn tối với Bush và Đệ nhất phu nhân tại Nhà Trắng vào ngày 4/7, ngày Độc lập của nước Mỹ. Sau đó, họ sẽ cùng tụ tập tại ban công Truman để xem màn diễn pháo bông hoành tráng. Tiếp đến, như thường lệ, không gì có thể cản trở ông Bush lên giường ngủ vào lúc 9h tối.

Theo HT

Vietnamnet