1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bush “ghì chặt Ấn Độ, vỗ nhẹ Pakistan”

“Tổng thống Bush ghì chặt Ấn Độ, vỗ nhẹ vai Pakistan” là tựa bài bình luận của nhật báo The New York Times về sự khác biệt mới trong cách đối xử của Mỹ với Ấn Độ và Pakistan.

Trong khi Ấn  Độ có được vị thế khác trong mắt của thế giới bằng hiệp ước hạt nhân có tính bước ngoặt với Mỹ, thì Pakistan chỉ nhận được thông điệp: hãy nỗ lực chống khủng bố hơn nữa! 

 

Việc Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân dân sự với Ấn Độ được xem là phần thưởng hào phóng của Tổng thống Bush trong cuộc “tân hôn” với New Delhi. Để thuyết phục quốc hội thông qua hiệp ước hạt nhân này (giúp Ấn Độ tiếp tục phát triển năng lượng hạt nhân mà vẫn không tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) - rào cản pháp lý lớn nhất của thế giới nhằm ngăn chặn tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân) hẳn ông Bush sẽ phải vận dụng nhiều lập luận nặng ký.

 

Trên phương diện kinh tế, Ấn Độ đang dần trở thành một cường quốc với dân số khổng lồ (số người theo Hồi giáo đông thứ hai thế giới). Các kỹ sư và trung tâm liên lạc (call center) của Ấn Độ trở nên gắn kết với những tập đoàn lớn nhất của Mỹ.

 

Cùng lúc, những người nhập cư gốc Ấn tại Mỹ ngày càng đông hơn, giàu có và nhiều ảnh hưởng hơn. Và có lẽ quan trọng nhất là nền kinh tế Ấn Độ có những bước nhảy vọt về phía trước trong những năm qua, với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay hơn 8% và dự trù sẽ vượt qua hai con số những năm sắp tới. Thị trường tiêu thụ gần như vô tận của Ấn Độ đang và sẽ mang đến cho các doanh nghiệp Mỹ vô vàn cơ hội.

 

Ở khía cạnh chính trị, Mỹ cần có một đối trọng trong khu vực với Trung Quốc, đang bị coi như một đối thủ ngày càng lớn mạnh. Với hiệp ước hạt nhân, Mỹ đã gửi một thông điệp khá mạnh mẽ đến với Bắc Kinh. Giới phân tích cho rằng một lý do nữa của hiệp ước hạt nhân giữa Mỹ và Ấn Độ là nhằm giúp nền kinh tế đang bùng nổ Ấn Độ giảm sự phụ thuộc vào dầu lửa, đồng thời trực tiếp (hay gián tiếp) bớt cạnh tranh năng lượng với Mỹ.

 

Thậm chí theo tờ Guardian (Anh), chuyện chấp nhận “sự đã rồi” trong lĩnh vực hạt nhân của Ấn Độ còn có thể mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ đang cần bán nhiên liệu và các thiết bị lò phản ứng hạt nhân. Theo hiệp ước, 14 trong số 22 lò phản ứng hạt nhân dân sự của Ấn Độ sẽ phải được thay thế. Trong 10 năm tới, ước tính số lò phản ứng tái sinh nhanh của Ấn Độ sẽ tăng từ 50 lò hiện nay lên khoảng 300-400 lò. Đó là cơ hội làm ăn lớn cho bất kỳ cường quốc hạt nhân nào.

 

Pakistan bị xem nhẹ vì tuy là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, lại không mang tới  cho Washington những lợi ích như Ấn Độ. Đã thế, Islamabad còn làm khó dễ Tổng thống Bush  khi đề nghị ông cứng rắn hơn với Ấn Độ về vùng Kashmir tranh chấp.

 

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng thống Bush cho biết khi ông thảo luận với Tổng thống Pervez Musharraf, ông đã giải thích rằng Pakistan và Ấn Độ có những nhu cầu khác nhau và lịch sử khác nhau nên chưa thể có thỏa thuận hạt nhân với Pakistan.

 

Theo Sơn Nguyễn

Tuổi trẻ