1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bush - Abe: quá khứ bắc cầu cho tình bạn

(Dân trí) - "Trong thời gian ở Hà Nội, tổng thống Bush và phu nhân đã phát hiện ra rằng họ rất hợp với vợ chồng thủ tướng Nhật Bản.", ông Dennis Wilder, giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia của Nhà Trắng tiết lộ.

Ngày 26/4, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nhận lời mời của tổng thống Mỹ Bush, tới Washington cùng phu nhân Akie trong chuyến thăm Mỹ kéo dài 2 ngày. Chuyến đi này được xem là vừa thúc đẩy mối quan hệ cá nhân, vừa tăng cường quan hệ ngoại giao.

 

Đây là chuyến thăm hai ngày tới Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Nhật Abe kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 9 năm ngoái. Tại Trại David họ sẽ cùng nhau thảo luận để tìm cách thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, bàn luận về tình hình an ninh, và cuộc chiến ở Iraq.

 

Sau khi ăn tối tại Nhà Trắng cùng với các phu nhân vào tối qua, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại khu nghỉ của tổng thống ở Trại David. Tại đây họ sẽ cùng nhau hội đàm về các vấn đề an ninh, cũng như thương mại. Sau đó họ sẽ có một cuộc họp báo chung và một bữa trưa thân mật.

Khi họ gặp nhau tại Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã tặng người đồng nhiệm Mỹ món quà nhỏ: Bức ảnh chụp 2 người ông của cả 2 nhà lãnh đạo, đang chơi golf ở ngoại ô Washington với cựu tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower. Sau đó ông Bush đã mời thủ tướng Nhật nhanh chóng thăm Mỹ.

Hai nhà lãnh đạo Bush và Abe có ít nhất một điểm chung: Họ đều tới từ những gia đình có truyền thống làm chính trị. Thủ tướng Abe có ông nội là cựu thủ tướng Nobusuke Kishi và cha là cựu bộ trưởng ngoại giao Shintaro Abe. Tổng thống Bush có ông nội là cựu thượng nghị sĩ Prescott Bush và cha là tổng thống thứ 41 của nước Mỹ George H. W. Bush.

 

Bush - Abe: quá khứ bắc cầu cho tình bạn - 1

 

Bức ảnh thủ tướng Nhật Abe tặng tổng thống Mỹ Bush kèm theo những lời đề tặng. Trong ảnh, ông nội của thủ tướng Abe - Nobusuke Kishi (trái), ông nội của tổng thống Bush - Prescott Bush (người mặc quần short, cầm gậy golf) và tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower (phải).

 

Tuy nhiên, 2 nhà lãnh đạo Shinzo Abe và George Bush không thân thiết như mối quan hệ giữa tổng thống Bush và người tiền nhiệm của ông Abe - cựu thủ tướng Junichiro Koizumi. Ông Koizumi - người có cá tính loè loẹt và yêu thích các bài hát của vua nhạc rock Elvis Presley, đã từng “quyến rũ” ông Bush.

 

Với hi vọng rằng nước Nhật sẽ có một thủ tướng mới duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ như ông Koizumi, Nhà Trắng đang nỗ lực biến liên minh Bush-Abe thành tình bạn. Nhà Trắng cho phép 2 nhà lãnh đạo có nhiều thời gian để thảo luận một loạt các vấn đề như thương mại, sự nóng dần lên của trái đất, giải trừ vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên…

 

Mặc dầu vậy, không một bữa tiệc chiêu đãi trang trọng theo nghĩ lễ quốc gia nào được tổ chức để đón tiếp vợ chồng thủ tướng Nhật. Tối 26/4, chỉ có một bữa tối thân mật được diễn ra tại khuôn viên Nhà Trắng với sự tham gia của vợ chồng ông Abe, vợ chồng tổng thống Bush, các đại sứ Mỹ, Nhật và các phu nhân của họ.

 

Tuy nhiên, theo Dennis Wilder, giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia của Nhà Trắng, thì các cuộc gặp gỡ trên cũng là một cơ hội để phát triển mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo.

 

Giải thích về việc không tổ chức tiệc chiêu đãi, ông Dennis Wilder cho biết: “Họ thực sự không muốn bị căng thẳng để có cơ hội hiểu nhau hơn”. Ông Wilder tiết lộ: “Trong thời gian ở Hà Nội, tổng thống Bush và phu nhân đã phát hiện ra rằng họ rất hợp với vợ chồng thủ tướng Nhật Bản”.

 

Các chuyên gia châu Á cho rằng, mối quan hệ tốt đẹp Bush-Koizumi là xác thực. Michael J. Green, cựu giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia cho biết: “Bush và Koizumi là những người bạn thực sự. Các hội nghị thượng đỉnh của họ rất quan trọng, họ thẳng thắn và nói chuyện với nhau như những người bạn”.

 

Câu hỏi đặt ra là, liệu ông Abe có trở thành bản sao của Koizumi? Thủ tướng Abe có hợp với tổng thống Bush và họ có thực sự trở thành bạn như mối quan hệ Bush-Koizumi hay không?

 

Mặc dù theo nhiều người nhận xét, ông Abe có tính cách trầm hơn, nhưng cũng giống như cựu thủ tướng Koizumi, ông muốn thấy một nước Nhật có vai trò lớn hơn, chủ động hơn trong vấn đề an ninh toàn cầu. Mong muốn này cũng được Washington ủng hộ. Khi lên nắm quyền, ông Abe đã đặt việc chỉnh sửa lại hiến pháp theo chủ nghĩa hoà bình của Nhật lên hàng đầu.

 

Kurt Campbell, một chuyên gia châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cho rằng: “Abe vừa có áp lực, vừa có lợi ích to lớn”.

 

Campbell nói: “Lợi ích là mối quan hệ Mỹ-Nhật đã chuyển sang một giai đoạn mới, được tăng cường bởi mối quan hệ thân thiết giữa Koizumi và tổng thống Bush. Nhưng gánh nặng là ông Abe đang phải theo bước chân của một mối quan hệ rất khó có thể trở thành bản sao”.

 

Nhà Trắng không thích nêu bật sự khác biệt giữa Bush và Abe. Nhật là một quốc gia có đóng góp quan trọng cho công cuộc tái thiết Iraq. Hơn nữa, ông Abe, cũng giống như Koizumi, vẽ ra viễn cảnh về một nước Nhật dân chủ - ăn khớp với chương trình nghị sự tự do của ông Bush.

 

Truyền thống gia đình của thủ tướng Abe cũng có thể hấp dẫn tổng thống Mỹ. Nobusuke Kishi - ông nội của thủ tướng Abe, chủ trương tái thiết lập Nhật Bản như một đối tác an toàn tuyệt đối với Mỹ. Vào thời điểm ý tưởng đó không được ưa chuộng. Cuối cùng Nobusuke Kishi đã bị buộc từ chức vì điều này.

 

Michael J. Green, cựu giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia, nói: “Tôi nghĩ ông Abe có sứ mệnh để thi hành viễn cảnh nước Nhật mà ông nội của thủ tướng đã đề ra”.

 

Còn nhà lãnh đạo Shinzo Abe đã bộc lộ rất rõ thành ý của ông trong câu đề tặng trên bức hình tặng tổng thống Bush: “Gửi tổng thống Bush. Tình thân của chúng ta, bắt nguồn từ quá khứ để tới tương lai. Shinzo Abe”.

  

PV-VTH

Theo AP, Washington Post