1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bước đi kế tiếp của Nga ở chiến trường Syria

Nga quyết tâm xóa sổ nhóm vũ trang cực đoan Jabhat al-Nusra chống chính phủ Syria và các nỗ lực chấm dứt nội chiến.

Tổng thống Putin lệnh rút quân đội Nga khỏi Syria

Trong cuộc phỏng vấn của báo Komsomolskaya Pravda đăng tải ngày 27-12, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga - Thượng tướng Valery Gerasimov đã thông báo về các bước đi kế tiếp của nước này trên chiến trường Syria.

Xóa sổ al-Nusra trong năm 2018

Trao đổi với tờ Komsomolskaya Pravda, tướng Gerasimov đã phác thảo mục tiêu hành động của Nga tại Syria trong năm 2018.

Theo đó, Nga quyết tâm xóa sổ nhóm vũ trang Jabhat al-Nusra. Nhóm này ban đầu là một nhóm khủng bố nhưng sau đó trở thành nhóm vũ trang chính trong lực lượng Quân đội Tự do Syria (FSA) chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Tướng Gerasimov cho biết nhóm Jabhat al-Nusra là một lực cản chính cho các nỗ lực chấm dứt nội chiến tại Syria. Ông cáo buộc nhóm này phá hoại các thỏa thuận ngừng bắn cục bộ mà Nga cùng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian thúc đẩy thời gian qua, hãng thông tấn Itar Tass dẫn lại thông tin.

Một hoạt động quan trọng khác của Nga trong năm 2018 là dàn xếp tiến trình chính trị cho Syria. Đại hội Đối thoại quốc gia Syria sẽ diễn ra trong hai ngày 22 và 23-1 năm tới. Chưa rõ liệu Nga có đạt được mục tiêu hay không khi gần 40 nhóm vũ trang thuộc phe nổi dậy ngày 25-12 đã tuyên bố tẩy chay sự kiện, lo ngại Nga thiên vị chính phủ Tổng thống Assad. Trong khi đó, giao tranh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy vẫn rất căng thẳng.

Một số nhóm quân thuộc FSA, cố thủ ở triền núi Hermon giáp biên giới Israel và Lebanon, ngày 26-12 cho biết đang bị quân chính phủ Syria và các lực lượng Iran bao vây. Các nhóm của FSA đã nhận được tối hậu thư phải đầu hàng hoặc bị tiêu diệt bằng vũ lực, theo hãng tin Reuters. Nhờ sự hỗ trợ của Nga và Iran, quân đội Syria nhiều tuần nay đã đẩy mạnh giao tranh nhằm đánh bật phe nổi dậy khỏi tỉnh Hama. Cũng trong ngày 26-12, phe nổi dậy đã bắn rơi một máy bay chiến đấu của quân chính phủ ở tỉnh này làm một phi công thiệt mạng.


Kế hoạch nâng cấp căn cứ hải quân Tartus sẽ cho phép Nga duy trì sức mạnh hải quân đáng gờm phía Nam vùng Địa Trung Hải. Ảnh: RT

Kế hoạch nâng cấp căn cứ hải quân Tartus sẽ cho phép Nga duy trì sức mạnh hải quân đáng gờm phía Nam vùng Địa Trung Hải. Ảnh: RT


Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov cáo buộc Mỹ đào tạo khủng bố ngay tại căn cứ al-Tanf ở Syria. Ảnh: AP

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov cáo buộc Mỹ đào tạo khủng bố ngay tại căn cứ al-Tanf ở Syria. Ảnh: AP

Duy trì hiện diện nửa thế kỷ tới

Trong một diễn biến khác, kênh truyền hình RT dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 26-12 cho biết: Nga sẽ bắt đầu nâng cấp căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Khmeimim thành các trung tâm quân sự thường trực, lâu dài của nước này ở Syria. Hồi đầu năm nay, hai nước đã nhất trí về thỏa thuận cho phép quân đội Nga duy trì hiện diện ở Syria. Chính quyền Tổng thống Assad đã đồng ý cho quân đội Nga kiểm soát hai căn cứ Tartus và Khmeimim ít nhất 49 năm. Thỏa thuận sẽ tự động gia hạn trừ trường hợp có bên đơn phương chấm dứt cam kết. Kế hoạch chuyển giao và nâng cấp hai căn cứ đã được Quốc hội Nga thông qua.

Xác nhận thông tin trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 26-12 cho biết chi tiết kế hoạch này được đích thân Tổng thống Vladimir Putin chỉ đạo tuần trước. Trong khi theo tướng Gerasimov, việc duy trì hiện diện quân sự tại hai căn cứ trên là điều kiện cần thiết để hỗ trợ quân đội Syria cũng như bảo vệ quyền lợi Nga ở Trung Đông. Đầu tháng này, Tổng thống Putin đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga rút quân khỏi Syria sau khi tuyên bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đánh bại hoàn toàn. Ngày 22-12, Nga thông báo đã hoàn tất rút quân, ngoài hiện diện ở hai căn cứ Tartus và Khmeimim thì chỉ để lại ba tiểu đoàn.

Căn cứ Khmeimim được Nga sử dụng vào hoạt động không kích từ năm 2015, khi bắt đầu chiến dịch chống khủng bố ở Syria. Trong khi đó, căn cứ Tartus hơn hai năm qua chính là điểm huyết mạch hậu cần cho các hoạt động không kích của Nga. Theo thỏa thuận giữa Nga với Syria, căn cứ Tartus trong tương lai sẽ được nâng cấp đủ khả năng tiếp nhận cùng lúc 11 chiến hạm, trong đó có cả một nhà máy hạt nhân di động, kênh truyền hình RT cho biết. Dự kiến Nga cũng sẽ sớm triển khai một tàu phá băng hạt nhân đến căn cứ này để hoạt động ở Địa Trung Hải.

Tướng Nga cáo buộc Mỹ huấn luyện khủng bố

Dẫn dữ liệu từ các hình ảnh vệ tinh và thông tin trinh sát mà Nga thu thập được, tướng Gerasimov cáo buộc Mỹ đang huấn luyện khủng bố tại căn cứ gần thị trấn al-Tanf (phía Nam Syria). Ông cho biết Mỹ cũng đang sử dụng một trại tị nạn ở gần thị trấn al-Shaddadah (phía Đông Bắc Syria) để huấn luyện các nhóm phiến quân, trong đó có tàn dư IS tháo chạy khỏi Raqqa. Kênh RT dẫn lại thông tin của ông Gerasimov cho biết hiện có khoảng 350 phần tử IS ở al-Tanf và 750 phần tử IS ở al-Shaddadah. Căn cứ Mỹ tại Al-Tanf đã bị quân đội Syria phong tỏa hoàn toàn.

Theo Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga - Thượng tướng Valery Gerasimov, căn cứ quân sự của Mỹ tại thị trấn al-Tanf đã bị quân chính phủ Syria phong tỏa hoàn toàn vì nghi có hoạt động huấn luyện khủng bố.

Theo Đăng Khoa

Pháp Luật TPHCM