1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bùng nổ nạn thuốc giả tại châu Á

(Dân trí) - Châu Á đang được xem là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nạn thuốc giả, đặc biệt vùng Đông Nam Á. Không chỉ các loại thuốc đắt tiền như kháng sinh, thuốc chữa AIDS… mới bị làm giả mà còn có cả các loại vắc xin phòng bệnh.

Các loại thuốc chữa bệnh sốt rét bị làm giả nhiều nhất với tỉ lệ thuốc giả lên tới 51%. Nhiều dược phẩm giả chữa bệnh lao, AIDS, vắc xin viêm màng não cũng được tìm thấy trên thị trường.

Ước tính trên thế giới có khoảng từ 10.000 tới 200.000 người, hoặc có thể hơn, đã chết do sử dụng thuốc giả. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), 1/5 trong số 1 triệu người chết vì bệnh sốt rét hàng năm có thể được cứu sống nếu điều trị bằng thuốc thật.

 

Tiến sĩ Howard Zucker, trợ lý tổng giám đốc WHO về công nghệ y học và dược phẩm nói: “Thuốc giả tàn phá cơ thể con người, bất kể là dùng trong thời gian ngắn hay dài”.

 

Bác sĩ Paul Newton thuộc trung tâm dược phẩm Đại học Oxford có văn phòng tại thủ đô Viêng chăn, Lào cho biết, sản phẩm chính của những kẻ làm thuốc giả hiện nay là Artemisinin - loại thuốc hiệu quả chữa bệnh sốt rét. Nhóm nghiên cứu của Newton cũng đã phát hiện ra rằng hơn một nửa loại thuốc chữa sốt rét tại Đông Nam Á hiện nay là thuốc giả, trong đó có 12 loại là hàng nhái của Artesunate. Đây là loại thuốc có tác dụng diệt ký sinh trùng sốt rét đạt hiệu quả nhanh và mạnh do hãng dược phẩm Guilin của Trung Quốc sản xuất.

 

Một tổ chức từ thiện tại Myanmar đã mua tất cả 100.000 viên Artesunate và sau đó phát hiện ra rằng toàn bộ số thuốc này là hàng “dởm”. Tiến sĩ Newton nói: “Nghiêm trọng hơn là toàn bộ số thuốc giả đó không phải chỉ sản xuất trong bếp của nhà ai đó. Chúng được làm giả trên qui mô lớn”.

 

Theo các chuyên gia y tế, Trung Quốc hiện là nguồn sản xuất thuốc giả lớn nhất thế giới.

 

Cũng trong tháng 2 này, chính phủ Trung Quốc đã tiết lộ quá trình điều tra nguyên Cục trưởng Cục Dược phẩm và Thực phẩm Trung Quốc (SFDA) Zheng Xiaoyu về những cáo buộc nhận hối lộ để cho phép lưu hành nhiều loại thuốc. Trong khoảng thời gian từ khi nhậm chức - năm 1998, cho tới lúc bị sa thải năm 2005, ông Zheng đã quản lý lỏng lẻo dẫn tới việc nhiều loại thuốc giả thâm nhập thị trường, gây nguy hại cho sức khoẻ nhân dân. Hàng chục người Trung Quốc bao gồm cả trẻ em đã tử vong do dùng thuốc giả.

 

David Fernyhough, chuyên gia chống việc làm nhái thuốc tại văn phòng của Hill & Associates (Hong Kong) cho biết: “Vấn đề trầm trọng tới nỗi giờ đây không một biện pháp nào có thể chấm dứt được tình trạng lưu hành thuốc giả”.

 

Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không bình luận gì về nhận xét Trung Quốc là quốc gia sản xuất thuốc giả nhiều nhất thế giới nhưng cho biết việc ông Zheng bị bắt giữ là bằng chứng xác thực nhất cho thấy Bắc Kinh đang trừng trị thẳng tay những kẻ sản xuất thuốc ngoài luồng.

 

Sốt rét hiện là một trong những bệnh thường gặp ở châu Á và đang phát triển rất mạnh tại châu Phi. Tháng 9 năm ngoái, các nhà chức trách Nigeria đã bắt giữ một số lượng lớn thuốc sốt rét giả, tương đương 25.000 USD và thuốc điều trị huyết áp cao có nguồn gốc từ Trung Quốc.

 

Những kẻ sản xuất thuốc giả đang ngày càng thích chế tạo ra các loại dược phẩm chống sốt rét vì số tiền được đầu tư để chống lại bệnh này ngày càng nhiều. Tổng thống Mỹ George Bush đã tài trợ 1,2 tỉ USD cho “Sáng kiến sốt rét” để ngăn ngừa việc mua phải thuốc giả từ Trung Quốc và thay vào đó là mua trực tiếp từ các hãng dược phẩm châu Âu như Novatis.

 

Rất nhiều loại thuốc giả được tìm thấy có bề ngoài giống hệt thuốc thật. Chúng được sản xuất một cách tinh vi, xảo quyệt hơn nhiều so với trí tưởng tượng của các nhân viên điều tra. Hầu hết các hiệu thuốc tại 80% quốc gia trên thế giới thiếu khả năng nhận biết các loại thuốc giả tinh vi.

 

VTH

Theo IHT