1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Bóng ma Katrina" trong hình hài Harvey

Khoảng 34 tỉ mét khối nước mưa đã trút xuống Houston và miền Đông Nam bang Texas sau khi siêu bão Harvey đổ bộ.

Chiều tối 27-8 (giờ địa phương), một trực thăng của Cơ quan An toàn công cộng bang Texas - Mỹ bay phía trên xa lộ Interstate 610 tại TP Houston trong lúc trời mưa trở lại.

"Thật điên rồ"

Nhờ sự hỗ trợ của nhân viên cứu hộ, ông Robert Durbin được thả xuống một làn xe trống của xa lộ. Không lâu sau, chiếc trực thăng rời đi và người đàn ông 33 tuổi này đi bộ tìm kiếm người vợ được sơ tán không lâu trước đó. Không lâu sau, ông thấy vợ bên trong một chiếc xe của đài truyền hình địa phương tại khu đỗ xe gần đó.

Đây được xem là kết cục không đến nỗi nào của cặp vợ chồng đã ở trên mái nhà từ 8 giờ sáng cùng ngày dù rằng họ có thể mất nhiều tài sản trong nước lũ sau khi cơn bão mạnh nhất trong hơn 50 năm qua đổ bộ vào bang này cuối ngày 25-8. "Thật điên rồ" - ông Durbin nói với báo The New York Times về những gì gia đình ông vừa trải qua.

Tại thành phố lớn thứ 4 nước Mỹ với 2,3 triệu dân này, cả chính quyền và người dân đang phải vật lộn chống chọi với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có. Theo báo The Washington Post, tính đến cuối ngày 27-8 (giờ địa phương), khoảng 34 tỉ mét khối nước mưa đã trút xuống Houston và miền Đông Nam bang Texas.


TP Pearland, bang Texas chìm trong nước lũ Ảnh: Reuters

TP Pearland, bang Texas chìm trong nước lũ Ảnh: Reuters


Vệ binh Quốc gia Texas giải cứu người dân ở Texas. Ảnh: Reuters

Vệ binh Quốc gia Texas giải cứu người dân ở Texas. Ảnh: Reuters

Bão nhiệt đới Harvey nhiều khả năng hoành hành khu vực bờ biển Vịnh Mexico thuộc bang Texas trong vài ngày nữa. Theo tính toán của các nhà khí tượng học, sẽ có thêm từ 19-38 tỉ mét khối nước mưa đổ xuống bang này từ giờ đến ngày 30-8.

Riêng Houston được dự báo tiếp tục chứng kiến nhiều mưa hơn nữa trong ngày 28-8, làm trầm trọng cảnh lũ lụt đang khiến thành phố tê liệt, mực nước sông dâng cao chưa từng thấy trong nhiều thế kỷ và buộc hàng ngàn người rời bỏ nhà cửa.

Theo Reuters, hơn 50.000 người sống tại hạt Fort Bend, cách Houston 55 km về phía Tây Nam, đã được lệnh sơ tán khi mực nước sông Brazos dự kiến dâng cao kỷ lục.

Tại TP Houston, các lực lượng cứu hộ đang tỏa đi khắp nơi để tìm kiếm người gặp nguy hoặc cầu cứu nhà chức trách. Hình ảnh binh sĩ cõng cư dân trên lưng và lội trong dòng nước lũ để đưa họ đến nơi an toàn không còn là cảnh tượng hiếm.

Theo thống kê, khoảng 2.000 người dân được cứu tại Houston và các khu vực xung quanh nhưng vẫn có 5 người không may thiệt mạng. Thiên tai cũng khiến hàng ngàn ngôi nhà mất điện, nhiều trường học, tòa nhà văn phòng và 2 sân bay chính đóng cửa.

Lọc dầu gián đoạn

Chứng kiến nguy cơ tái hiện những ký ức đau thương khi bão Katrina tàn phá TP New Orleans, bang Louisiana và khiến 1.500 người thiệt mạng năm 2005, không ít người thắc mắc tại sao nhà chức trách không ra lệnh sơ tán bắt buộc đối với cư dân TP Houston trước khi bão ập vào.


Cô Catherine Pham và con trai 13 tháng được đưa đến nơi an toàn tại TP Houston Ảnh: AP

Cô Catherine Pham và con trai 13 tháng được đưa đến nơi an toàn tại TP Houston Ảnh: AP


Gia đình họ Dương đi bộ dọc đường liên bang 45 khi trên đường sơ tán. Ảnh: Reuters

Gia đình họ Dương đi bộ dọc đường liên bang 45 khi trên đường sơ tán. Ảnh: Reuters

Theo tờ The Wall Street Journal, sự chia rẽ giữa Thống đốc bang Texas, ông Greg Abbott và Thị trưởng Houston, ông Sylvester Turner, về vấn đề nên sơ tán hay không càng khiến cuộc tranh cãi thêm nóng.

Ông Turner, một người đảng Dân chủ và các quan chức địa phương khác thúc giục người dân ở lại nhà khi bão đến. Trong khi đó, Thống đốc Abbott, một người đảng Cộng hòa, lại khuyên người dân nên cân nhắc sơ tán nếu ở trong khu vực giữa 2 thành phố Corpus Christi và Houston.

Người ta cũng đang chờ xem Tổng thống Donald Trump ứng phó ra sao với thảm họa thiên tai lớn đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm. Nhà Trắng cho biết nhà lãnh đạo này có kế hoạch đến Texas ngày 29-8 (giờ địa phương).

Trước đó 4 ngày, tổng thống Mỹ bật đèn xanh cho chính phủ liên bang hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng. Thống đốc Abbott hôm 27-8 cho biết thêm có 54 hạt ở bang Texas được tuyên bố là khu vực thảm họa cũng như có kế hoạch triển khai thêm 1.000 vệ binh quốc gia để giúp khắc phục hậu quả bão lũ.


Người dân được chở tới nơi sơ tán. Ảnh: Reuters

Người dân được chở tới nơi sơ tán. Ảnh: Reuters

Vẫn còn quá sớm để đánh giá thiệt hại do bão Harvey gây ra nhưng nhà chức trách liên bang ước tính sẽ mất nhiều năm mới khắc phục được hậu quả thiên tai. Trước mắt, Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho rằng Harvey có thể tàn phá nặng nề không kém Katrina - được xem là thiên tai gây nhiều tổn thất nhất lịch sử Mỹ với thiệt hại lên đến 15 tỉ USD cho 2 bang Louisiana và Mississippi.

Đáng nói hơn, khu vực bị bão hoành hành là một trung tâm chủ chốt của ngành công nghiệp dầu khí Mỹ và một số nhà máy lọc dầu lớn nhất nước đã phải ngưng hoạt động, làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu cho người tiêu dùng trong và ngoài nước, từ đó khiến giá cả gia tăng.

Theo Hoàng Phương

Người lao động