Bóng đen lạm phát lương thực bao phủ G20
(Dân trí) - Các giới chức tài chính của 20 nền kinh tế hàng đầu và mới nổi đang nhóm họp ở Paris để thảo luận cuộc khủng hoảng lương thực trong bối cảnh nạn đói và bất ổn chính trị đang nổ ra ở các nước thiếu hụt lương thực tại châu Phi, Trung Đông.
Thực phẩm tăng giá kỷ lục đe dọa dân nghèo
Lo ngại kịch bản cũ
Thực ra, trong hai ngày họp 18 và 19/2, G20 sẽ tranh cãi về vấn đề tiền tệ, nông sản và các vấn đề khác. Nhưng thực trạng giá lương thực trên thế giới - đã lên tới đỉnh điểm lịch sử trong tháng 1/2011, vượt kỷ lục năm 2008 - dường như đã phủ bóng lên hội nghị lần này. Theo FAO, giá cả thực phẩm trong tháng 1/2011 đã tăng 3,4% so với tháng 12 năm trước, lên đến 231 điểm theo chỉ số của tổ chức này. Đây là kỷ lục cao nhất từ khi FAO thiết lập biện pháp đo lường này vào năm 1990.
Do thời tiết xấu, tình trạng giá cả tăng nhiều nhất xảy ra tại châu Á, ở Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc cũng như ở nước Nga. Trên thế giới các quốc gia xuất khẩu lúa mì như Mỹ , Pháp và Nga đang theo dõi diễn biến thời tiết hại hai khổng lồ châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu cả hai nước cùng mất mùa thì tác động sẽ rất khủng khiếp cho giá cả.
Nguồn cung lương thực toàn cầu đang chịu sức ép lớn từ tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng gần 20 lần kể từ khi nước này bắt đầu cải cách năm 1978; kinh tế Ấn Độ tăng gần 4 lần kể từ khi mở cửa năm 1991. Kể từ đó, sản lượng nông nghiệp thường giảm bớt vì nhiều đất đai đã được sử dụng để xây cất nhà cửa và nhà máy để phục vụ cho dân số gia tăng và công nghiệp hóa.
Tại châu Phi , Uganda và nhất là Somalia, chiếc nôi của hải tặc, bị mất mùa trầm trọng. Theo chuyên gia của FAO thì mọi chỉ số đều xấu và dự báo lương thực tiếp tục theo chiều hướng lên giá từ 7 tháng nay.
Tuần này, Ngân hàng Thế giới (WB) cản báo giá lương thực đã tăng tới mức nguy hiểm và đẩy 44 triệu người vào cảnh nghèo khó. Chủ tịch WB Robert Zoellick thúc giục các chính phủ tránh việc ngăn cấm xuất khẩu để kiểm soát giá cả mà theo ông có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Giá thức phẩm đắt đỏ là một trong những nguyên nhân gây ra phong trào phản đối tại Bắc Phi mà điển hình là biến cố tại Tunisia và Ai Cập. Cơ quan Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) lo ngại nguy cơ bạo loạn tái diễn tại các nước nghèo mặc dù đã trải qua bài học 2008. Vào năm 2007 và 2008, các cuộc “bạo loạn vì đói” đã xảy ra tại nhiều nước Châu Phi cũng như tại Haiti và Philippines. Suốt năm 2008, chỉ số giá cả của FAO lên đến 200 điểm.
Giá cả thực phẩm trở thành chủ đề nóng từ khi Tổng thống Tunisia Ben Ali bị lật đổ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm dân chúng xuống đường tại Algérie, Jordan và nhiều nước khác trong vùng Trung Đông.
Cần hành động sau những lời hứa
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đưa vấn đề an ninh lương thực là một trong những mục tiêu hàng đầu trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 của nước này, nhưng đến nay G20 vẫn chưa đưa ra một giải pháp thuyết phục nào, trong khi lạm phát giá lương thực và nhiên liệu đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và xã hội ở các nước đang phát triển.
Theo giới phân tích, bước quan trọng nhất là các nước G20 phải khuyến khích gia tăng sản lượng lương thực, nhất là ở các nước nghèo và thiếu hụt lương thực. Châu Phi cần được ưu tiên. Phần lớn lục địa này đang có nguy cơ bị nạn đói hoành hành, nhưng chính họ cũng phải có trách nhiệm tăng sản lượng canh tác. Với 1,1 tấn/ha, sản lượng lương thực ở châu Phi chưa bằng 1/3 ở châu Á hay Mỹ Latinh, khiến mỗi năm khu vực này phải nhập khẩu khoảng 25 triệu tấn lương thực.
Tại hội nghị G20, các bộ trưởng tài chính có thể làm một việc đáng kể chống lại tình trạng nghèo đói nếu họ thực hiện các cam kết mà G8 đưa ra với châu Phi tại hội nghị L’Aquila năm 2009, trong đó các nước giàu hứa sẽ tài trợ 22 tỷ USD trong 3 năm.
Các nước Trung Đông cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp châu Phi tự đáp ứng đủ nhu cầu lương thực. Vì vậy, khi hội nghị bộ trưởng tài chính G20 diễn ra tại Pari, mọi cặp mắt sẽ đổ dồn về phía Đông với hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ có một hành động quả quyết.
Trong khi đó, mặc dù khu vực châu Á là nơi có số dân trồng lúa lớn nhất trên thế giới, trên 64% số người thiếu dinh dưỡng cũng sống trong khu vực này. Nếu không đưa ra được những công nghệ bền vững và hành động quyết liệt để ổn định dân số, nhu cầu về lương thực sẽ tăng mạnh và vượt quá khả năng cung ứng.
Nguyễn Viết
Tổng hợp