1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bốn yếu tố chi phối chiến lược "xoay trục" của Mỹ

Từ năm 2010, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đẩy mạnh tiến độ "trở lại" châu Á của họ.


Cho đến nay, mặc dù đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ đang bế tắc về nhiều vấn đề, song họ dường như vẫn đạt được một sự đồng thuận về chiến lược "trở lại" khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không chỉ củng cố ý chí thực thi chiến lược này của ông Obama, mà còn tạo ra một cơ sở chính trị quan trọng cho những chính sách cụ thể. Tuy nhiên, theo mạng tin "Chinausfocus" những triển vọng của chiến lược này còn phụ thuộc vào bốn yếu tố sau đây:

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: THX/ TTXVN

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: THX/ TTXVN

Thứ nhất là tình hình tài chính không đáng lạc quan của Mỹ, với biểu hiện rõ ràng là việc các cơ quan của Chính phủ Mỹ phải tạm thời đóng cửa gần đây. Để đảo ngược tình hình tài chính khó khăn này, chính quyền Obama đang phải tiến hành một số bước cắt giảm chi tiêu quân sự. Mặc dù điều này có thể tránh cho ngân sách của Chính phủ Mỹ không bị thâm hụt quá cao, nhưng nó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hành động của Mỹ trên thế giới, nhất là trong việc đối phó với những cuộc khủng hoảng quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Bộ này phải cắt giảm chi phí hơn 1.000 tỷ USD trong thập kỷ tới và chỉ trích việc cắt giảm chi tiêu trên là "quá nhanh, quá nhiều, quá đột ngột và quá vô trách nhiệm". Hơn nữa, do tình hình kinh tế khó khăn, tỷ lệ ủng hộ chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ cũng giảm, ảnh hưởng xấu đến sự ủng hộ của xã hội để cho ông Obama tiếp tục thực thi chiến lược "trở lại" châu Á-Thái Bình Dương.

Theo kết quả các cuộc thăm dò mới nhất, có tới 56% số người được hỏi thất vọng với chính sách đối ngoại của chính quyền Obama; 52% cho rằng Mỹ nên tập trung vào các vấn đề trong nước trước; và lần đầu tiên trong gần 40 năm qua, 53% cho rằng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới suy giảm trong thập kỷ qua.

Thứ hai là tình hình an ninh tại các khu vực khác trên thế giới. Về cơ bản, chiến lược này khiến Mỹ phải cơ cấu lại lực lượng. Nếu tình hình an ninh xấu đi tại các khu vực khác, Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác việc phải cắt giảm lực lượng, ban đầu được sử dụng để tăng cường sức mạnh tại châu Á. Từ khía cạnh này, chiến lược này còn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

Thứ ba là thái độ của các nước châu Á đang hạn chế những chính sách của chính quyền Obama vốn đã gây ra những phản ứng tâm lý trái ngược tại các nước châu Á. Một mặt họ hoan nghênh sự can dự của Mỹ trong các vấn đề châu Á và coi Mỹ là đối trọng để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Song mặt khác, các nước châu Á cũng duy trì và phát triển quan hệ tốt với Trung Quốc, không chỉ vì các lý do kinh tế, mà còn cả vì các tính toán địa chiến lược.

Bản thân Trung Quốc là một nước châu Á, vì thế, hầu hết các quốc gia châu Á đều rất miễn cưỡng khi buộc phải chọn đứng về bên nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Hoạt động ngoại giao cân bằng là lựa chọn ưa thích và tối ưu của họ. Kết quả là Mỹ sẽ không dễ dàng đạt được các mục tiêu chiến lược của họ bằng cách tăng cường quan hệ với các nước châu Á.

Thứ tư là tình hình phát triển của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến chiến lược này của Mỹ bởi những mục tiêu rõ ràng của chiến lược này là nhằm chống lại Trung Quốc, cho dù Mỹ có thừa nhận hay không. Tiến trình phát triển của Trung Quốc cũng đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chiến lược "trở lại" châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Về cơ bản, mục tiêu của chiến lược này là đạt được những lợi ích lớn nhất ở châu Á và việc này đang đòi hỏi Mỹ phải xử lý một cách thích hợp quan hệ với Trung Quốc trong khi thực hiện chiến lược này.

Theo Thanh Hoa
Baotintuc.vn