1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bóc tem!

Hai cuộc họp diễn ra hôm nay có vẻ sẽ quyết định đưa Iran ra Hội đồng bảo an LHQ. Một cuộc tại London, cuộc kia tại New York. Cuộc đầu bàn về an ninh, cuộc sau về kỹ thuật hạt nhân.

Tại London, các nhà ngoại giao thuộc 5 nước thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an LHQ (Nga, Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc) và Đức sẽ bàn chuyện Iran bóc tem niêm phong để nối lại hoạt động làm giàu uranium. Tại New York, ban lãnh đạo IAEA có thể họp khẩn, “tham mưu” về chuyên môn việc đưa vấn đề ra Hội đồng bảo an (HĐBA).

 

Nghe có vẻ căng, nhưng dự báo lại là nếu có đưa ra HĐBA chăng nữa, phán quyết đầu tiên của HĐBA sẽ chỉ là chỉ trích hành động Iran bóc tem của IAEA tại các cơ sở làm giàu uranium, kêu gọi Tehran tiếp tục đàm phán với EU3 (Anh, Pháp, Đức).

 

Giơ cao đánh khẽ? Vấn đề ở chỗ người ta tính tới tương quan lực lượng trước khi quyết định cho khỏi bị “lố”. Có thể không có phiếu ủng hộ của một số nước đang làm ăn với Iran. Đáng chú ý là một thỏa thuận hợp tác hạt nhân Mỹ - Ấn cũng có thể bị ảnh hưởng, nếu New Delhi miễn cưỡng chấp nhận đưa Iran ra HĐBA. Hơn nữa, Ấn cũng sẽ phải chấp thuận để IAEA thanh sát cơ sở hạ tầng hạt nhân của họ cho bình đẳng. Hai vấn đề này sẽ được trợ lý Ngoại trưởng Burns đem ra bàn trong chuyến thăm Ấn ngày 19/1 tới.

 

Ấn ủng hộ Mỹ và châu Âu khi IAEA tuyên bố Iran không tuân thủ NPT và phương Tây nghi Iran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Trước kết luận của IAEA, Quốc hội Mỹ cũng cảnh báo thỏa thuận Mỹ - Ấn sẽ không được thông qua, nếu Ấn không ủng hộ trừng phạt Iran. Sứ quán Ấn tại Mỹ và Bộ ngoại giao Ấn từ chối cho biết New Delhi ủng hộ trừng phạt Iran hay không.

 

Nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Iran cũng chưa ủng hộ trừng phạt, chưa sẵn sàng xét trừng phạt Iran, nơi sở hữu 10% trữ lượng dầu mỏ thế giới và đứng thứ hai về trữ lượng khí.

 

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức, Pháp nói lúc này họ chỉ muốn các đối tác góp ý kiến, vì trừng phạt còn quá sớm. Ngoại trưởng Nhật Taro Aso nói dù Iran có bị đưa ra HĐBA không có nghĩa sẽ có sự cấm vận về kinh tế tức thì.

 

Nga tiếp tục đề nghị Iran làm giàu uranium trên lãnh thổ Nga. Nga cũng nói đang xem xét có nên đưa Iran ra HĐBA hay không. Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: “Iran tháo niêm phong nhà máy làm giàu uranium của họ nên chúng tôi cần tư vấn khẩn cấp. Điều quan trọng nhất với chúng tôi trong tình hình này không phải là mối quan hệ song phương, vì chúng tôi đầu tư vào nền kinh tế Iran, hoặc lợi nhuận kinh tế từ sự hợp tác với Iran. Chúng tôi hiện quan tâm nhất là ngăn chặn sự vi phạm NPT.”

 

Ông Lavrov cũng cho rằng cách hay nhất là để đoàn thanh sát IAEA hoàn tất nhiệm vụ, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Ivanov phát biểu: “Không thể loại trừ kịch bản đưa Iran ra HĐBA.” Nhưng ông nhắc dù sao Nga vẫn sẽ thực hiện một hợp đồng trị giá 1 tỷ USD, bán tên lửa tầm ngắn cho Iran.

 

Trung Quốc phản đối chuyện đưa Iran ra HĐBA, vì “Bắc Kinh ngại bước này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề,” theo đại sứ Trung Quốc Wang Guangya tại LHQ.

 

Tehran dọa sẽ ngưng cấp phép cho IAEA thanh sát các địa điểm hạt nhân của họ, nếu HĐBA quyết phạt Iran về chuyện nối lại hoạt động nghiên cứu hạt nhân. Ngoại trưởng Iran Mottaki nói Tehran sẽ đề nghị quốc hội cho phép kết thúc hợp tác với IAEA.

 

Đáng lưu ý kèm theo lời dọa này là những giải thích, thách thức, thậm chí kêu gọi “thông cảm”, sau khi các lãnh đạo châu Âu tuyên bố rằng nỗ lực đàm phán của họ với Tehran đã chết yểu, và đề xuất đưa chuyện Iran ra HĐBA.

 

Trưởng đoàn đàm phán Iran Larijani nói Iran đề nghị tiếp tục bàn với IAEA, cũng như EU3 trong thời gian nhất định. Nhưng ông nói thật bất công nếu phạt Iran vì NPT không cấm nghiên cứu hạt nhân, trong khi Tehran chỉ muốn nghiên cứu vì mục đích dân sự. Dù vậy, Mỹ và EU vẫn tin Iran đang muốn trở thành một cường quốc hạt nhân.

 

Tuyên bố của EU3 cũng khơi lại thắc mắc liệu có chuyện đánh Iran. Tổng thống Mỹ Bush khẳng định: “Nhiệm vụ của chúng tôi là lập một sự nhất trí chung. Cách này gọi là ngoại giao.” Ông nói thêm Iran có vũ khí hạt nhân nên là một đe dọa nghiêm trọng cho an ninh thế giới. Việc đưa một nước vi phạm các thỏa thuận quốc tế ra HĐBA là hợp logic.

 

Hiện bắt đầu nổi lên tin đồn rằng Iran là “mục tiêu tiếp theo” (ngụ ý bị tấn công quân sự, sau Iraq). Ngoại trưởng Anh Jack Straw khi được hỏi liệu có giải pháp này không, nói: “Không ai đang nói chuyện xâm lược Iran, vì Iran không phải Iraq.” Dù có khả năng sẽ đề xuất cấm vận kinh tế đối với Iran, ông Straw nhận định HĐBA lên án cũng đủ để Iran thay đổi cách ứng xử.

 

LHQ dán tem niêm phong để cấm Iran nghiên cứu hạt nhân, nhưng Tehran vẫn chẳng ngại tự động bóc tem. Có thể người Iran “bắt thóp” được đúng mạch, khiến thiên hạ làm “căng” với Iran cũng dở, mà “mềm” lại mất “thiêng”.

 

Theo Diên Hy

Thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm