Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc-ASEAN nhóm họp giữa lúc Biển Đông căng thẳng
(Dân trí) - Cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã bắt đầu tại Bắc Kinh vào sáng ngày 16/10, trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông tăng cao do các hoạt động bành trướng của Bắc Kinh ở vùng biển này.
Cuộc gặp không chính thức này sẽ diễn ra tại Diễn đàn Hương Sơn, vốn bao gồm cả các nhà phân tích, giới chức quân sự và chuyên gia tới từ nhiều nơi trên thế giới để thảo luận về an ninh, các vấn đề hàng hải và chính sách chống khủng bố ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chuyên gia về an ninh khu vực thuộc Đại học Nanyang của Singaopore, ông Nanyang cho biết: "Trung Quốc muốn sử dụng cơ hội tại diễn đàn Hương Sơn để trình bày về quan điểm của nước này, cũng như giải thích các chính sách của Bắc Kinh và cải thiện hình ảnh về an ninh của họ".
Thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tại Bắc Kinh sẽ giúp "thúc đẩy hợp tác xây dựng và tăng cường lòng tin chiến lược".
Theo thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN.
Chuyên gia Li cho rằng Trung Quốc dường như đã nhận thấy quan hệ quốc phòng giữa nước này và các nước láng giềng trong khu vực đã bị giảm sút thời gian qua và muốn cải thiện hình ảnh.
Theo chuyên gia Li, các cuộc thảo luận có thể sẽ tập trung vào những vấn đề gây tranh cãi cũng như quá trình hợp tác về các vấn đề như thách thức an ninh phi truyền thống, trao đổi quân sự và tình hình an ninh chung trong khu vực.
"Vì cuộc gặp diễn ra ở Bắc Kinh nên sẽ rất khó cho bất cứ bên nào muốn đưa vấn đề Biển Đông ra. Tôi cho rằng ASEAN đang không có được sự đồng nhất giữa các quốc gia thành viên về vấn đề này", chuyên gia Li nhận định.
Cuộc gặp không chính thức lần đầu tiên do Trung Quốc tổ chức diễn ra trong bối cảnh căng thẳng có dấu hiệu gia tăng ở khu vực Biển Đông.
Mới đây, Hải quân Mỹ thông báo kế hoạch tuần tra ở gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. Tuyên bố này cũng đánh dấu lần đầu tiên Mỹ can dự trực tiếp vào những đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc từ năm 2012 và tái khẳng định quan điểm của Washington rằng cải tạo đất không đồng nghĩa chủ quyền lãnh thổ.
Thời gian qua, Mỹ và các đồng minh, trong đó có Philippines, cho rằng những hòn đảo nhân tạo mới được xây dựng đe dọa tới tình hình ổn định trong khu vực khi Trung Quốc có dấu hiệu quân sự hóa những hòn đảo này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh hôm 14/10 cho rằng các hòn đảo nhân tạo được xây dựng với mục đích dân sự và không có bất cứ hoạt động quân sự hóa nào tại đây.
Với ngân sách quân sự lớn thứ hai thế giới, quân đội Trung Quốc, đặc biệt là hải quân nước này, đang tăng cường tiềm lực. Theo một số nguồn tin, Trung Quốc sẽ sớm triển khai tàu sân bay do nước này tự sản xuất, cũng như đẩy mạnh quá trình đóng các tàu khu trục, tuần dương hạm và tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân trong thời gian tới.
Trong buổi duyệt binh hồi tháng trước ở Bắc Kinh, Trung Quốc cũng đã giới thiệu các mẫu tên lửa mới, vốn cho phép quân đội nước này bắn tới các mục tiêu, gồm cả căn cứ và tàu chiến của Hải quân Mỹ, ở các khu vực trên thế giới.
Ngọc Anh
Theo AP