“Bộ óc” tạo khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên
(Dân trí) - Giống như cha ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-il, tân lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được phần lớn thế giới bên ngoài nhìn nhận bằng sự dè chừng, là tổng hòa của sự bí ẩn, của tính cách nóng nảy.
Ông Kim Jong-un (áo đen) vẫn là nhân vật bí ẩn với thế giới bên ngoài.
Vào đầu tháng 3, nhiều người đã lắc đầu bối rối khi thấy những bức ảnh về nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un mở tiệc chiêu đãi cựu huyền thoại bóng rổ nhà nghề Mỹ Dennis Rodman ở Bình Nhưỡng sau khi họ cùng nhau xem một trận đấu bóng.
Một tháng sau đó, họ băn khoăn tự hỏi liệu ông có đang đẩy bán đảo Triều Tiên vào một cuộc xung đột thảm khốc.
Khủng hoảng hiện nay, với đe dọa tấn công hạt nhân và những hô hào đại ngôn của ông Kim đối với quân đội nhằm “bẻ gãy xương sườn của những kẻ thù điên loạn và cắt hoàn toàn đường thở của chúng”, đã nhanh chóng đưa nhà lãnh đạo trẻ tuổi trở nên nổi tiếng trên trường quốc tế.
Nhưng ngoài những đại ngôn được tuyên truyền, Kim Jong-un vẫn là một nhân vật bí ẩn, nhất là xét về mặt tính cách cá nhân.
Kim Jong-un trẻ, nhưng không rõ trẻ cỡ nào. Nhiều nguồn tin cho biết ông 28-30 tuổi. Kim Jong-un có người vợ thời trang, quyến rũ nhưng ông có bao nhiêu con, con gái hay con trai vẫn là một bí ẩn lớn. Về sở thích cá nhân, có vẻ như ông thích công viên giải trí và các nhân vật của Disney đã từng được xuất hiện bên tư lệnh tối cao của đội quân lớn thứ 5 thế giới.
Tuy nhiên, người đã đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao những tuần gần đây được xem là “thiếu kinh nghiệm”. Trong khi cha ông, Kim Jong-il, được chuẩn bị khá kỹ càng trước khi kế nhiệm nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, thì ông Kim Jong-un lại hầu như không có thời gian “hâm nóng” chiếc ghế kế nhiệm khi cha ông đột ngột qua đời vào tháng 12/2011.
Và sau chưa đầy 16 tháng tại vị, ông đã đưa Triều Tiên đến bờ vực của xung đột. Và đây cũng là cuộc khủng hoảng đầu tiên Kim Jong-un được “thử lửa”.
Alexandre Mansourov, chuyên gia Triều Tiên, học giả đại học John Hopkins, cho rằng việc thiếu kinh nghiệm về cá nhân của Kim Jong-un đã bị “ghép” nhầm bởi sự thiếu kinh nghiệm đối phó của thế giới với ông. “Thực lòng, tôi cho rằng chúng ta vẫn không biết ông sẽ làm gì”, Mansourov cho biết với hãng thông tấn AFP.
“Mặc dù ông Kim Jong-il lúc nào cũng thực hành chính sách bên miệng hố chiến tranh, nhưng về cơ bản chúng ta vẫn biết giới hạn của ông được đặt ở đâu, phanh của ông ấy được đặt ở đâu và nút nào cần nhấn để làm chủ mình”.
“Nhưng với con trai ông, chúng ta chưa có ghi chép nào. Chúng ta không biết giới hạn của ông ấy, không biết chúng ta có thể đẩy ông ấy ra bao xa hoặc liệu ông ấy có nhấn phanh hay không”, ông nhận xét.
Tại Hàn Quốc, quốc gia có nhiều kinh nghiệm trước thái độ “sớm nắng chiều mưa” của Triều Tiên hơn bất kỳ nước nào, giới phân tích cho rằng những gì người khác xem là “phiêu lưu” liều lĩnh của ông Kim trên thực tế có thể là chủ nghĩa thực dụng được tính toán kỹ lưỡng.
“Ông Kim chỉ có một thời gian ngắn để chuẩn bị lãnh đạo, có nghĩa là ông phải tiến tới tất cả nhanh hơn và quyết liệt hơn, để đảm bảo sự kiểm soát đối với giới chóp bu quyền lực ”, Chang Yong-Seok, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Hòa bình và thống nhất tại Đại học quốc gia Seoul cho hay.
“Không có gì là bất thường ở đây. Ông Kim Jong-il vẫn củng cố vị trí của mình với tư cách là người kế nhiệm, khi ông tuyên bố tình trạng bán chiến tranh trong cuộc khủng hoảng đầu tiên về chương trình hạt nhân Triều Tiên 1993-1994”, Chang cho hay.
Trong một chính quyền mà mọi hoạt động đều bí mật như ở Triều Tiên, nhiều câu hỏi được đặt ra, rằng liệu ông Kim có thực sự nắm quyền hay chỉ là “con rối” trong tay một nhóm tướng lĩnh và quan chức khác.
Yang Moo-Jin, giáo sư Đại học nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, lập tức phủ nhận giả thuyết trên. “Tôi tin rằng ông đã tự thể hiện là người nắm toàn quyền cả trong đảng và quân đội”, ông Yang nhận định. Ông dẫn chứng tới thái độ cương quyết và động thái được cho là “thanh lọc” táo bạo, khi sa thải một loạt các quan chức cấp cao sau khi lên nắm quyền.
Ông Kim đã theo sách hướng dẫn tạo khủng hoảng của cha mình và rồi sau đó đột ngột đẩy căng thẳng lên mức cộng đồng quốc tế buộc phải đưa ra nhượng bộ để hạ nhiệt căng thẳng. Nhưng sách đó đã cũ, và hiện Mỹ và Hàn Quốc, mắt đã ráo hoảnh, đã chọn “trừng mắt” lại với Bình Nhưỡng.
Daniel Pinkston, chuyên gia về Triều Tiên tại International Crisis Group, cho rằng ông Kim đang mong đợi cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn kết thúc vào cuối tháng 4 này.
“Cần phải hiểu rằng rất nhiều những gì chúng ta nhìn, nghe, những bức ảnh ông Kim bàn bạc với các tướng lĩnh trong phòng chiến tranh và cả những đe dọa vô lý, phần lớn là để nhắm vào công chúng trong nước”, Pinkston nhận định.
Theo Pinkston, những “ngoa ngôn” của Bình Nhưỡng phần lớn được diễn đạt bằng ngôn ngữ phản kháng, với ông Kim được phác họa là nhà lãnh đạo đứng giữa người dân Triều Tiên và cuộc xâm lược của Mỹ.
“Khi cuộc tập trận kết thúc, thông điệp sẽ là: Hãy xem, họ đã định xâm lược chúng ta bằng B-52 và máy bay ném bom tàng hình, nhưng họ đã không thực hiện được bởi sự phản kháng bằng hạt nhân của chúng ta và trên tất cả, là nhờ nguyên soái Kim Jong-Un”.
“Đó là những gì sẽ diễn ra”, ông Pinkston kết luận.
Vũ Quý
Theo AFP