Biết không ăn thua, vì sao Trung Quốc vẫn kiện Mỹ ra WTO?
Trung Quốc gửi khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Mỹ tăng thuế lên hàng Trung Quốc chủ yếu là nỗ lực mang tính chất biểu tượng để cố khẳng định mình có lẽ phải khi ủng hộ hệ thống thương mại quốc tế, các nhà phân tích đánh giá.
Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo vừa khiếu nại Mỹ lên cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, một ngày sau khi Washington áp vòng tăng thuế mới lên lượng hàng hoá trị giá 300 triệu USD từ Trung Quốc.
Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng tổ chức thương mại đa phương có trụ sở tại Geneva này để phản đối chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trung Quốc bắt đầu sử dụng kênh này sau khi Mỹ tăng thuế 25% lên lượng hàng trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc từ tháng 7 và tháng 8 năm ngoái, và khiếu nại một lần nữa vào tháng 9/2018 sau khi Washington tăng 10% thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, WTO, tổ chức đóng vai trò thẩm phán để giải quyết các tranh chấp thương mại giữa các quốc gia thành viên, chưa đưa ra kết luận nào về 2 khiếu nại trước của Trung Quốc và khó có khả năng đưa ra ý kiến về khiếu nại lần ba của Trung Quốc do những cản trở về cấu trúc do Mỹ tạo ra.
Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đang đứng trước nguy cơ không thể hoạt động tiếp vì Mỹ từ chối chấp thuận bất kỳ thẩm phán mới nào cho toà phúc thẩm của tổ chức này. Nếu không có thẩm phán nào được bổ nhiệm trước khi năm 2019 kết thúc, cơ quan phúc thẩm sẽ không có đủ số thẩm phán tối thiểu cần thiết để tiếp nhận các khiếu nại.
Vấn đề của WTO sẽ kéo dài qua năm nay, nên khiếu nại của Trung Quốc về việc Mỹ tăng thuế mang tính chất biểu tượng nhiều hơn tác động thực chất, Shen Jiangguang, nhà kinh tế trưởng tại hãng JD Digit và là một nhà quan sát kỳ cựu về kinh tế Trung Quốc, đánh giá.
“Trước hết, sẽ mất một khoảng thời gian khá dài để WTO xử lý đơn khiếu nại, nghĩa là nước xa không cứu được lửa gần”, Shen giải thích.
Theo quy định của WTO, Mỹ có 60 ngày để hoà giải cho lần khiếu nại mới nhất này. Nếu không thành công, Trung Quốc có thể đề nghị WTO ra phán quyết rằng Mỹ phải thay đổi, và quy trình này có thể mất tới vài năm.
“Ông Trump còn doạ sẽ đưa Mỹ ra khỏi WTO, nên không có cách nào buộc Mỹ phải làm bất cứ điều gì ngay cả khi Trung Quốc thắng kiện”, Shen nói.
Theo học giả này, Trung Quốc vẫn quyết định kiện Mỹ nhằm gửi đi một thông điệp rằng “Trung Quốc coi trọng chủ nghĩa đa phương ngay cả khi Trump theo đuổi chủ nghĩa đơn phương”, một bước đi có thể giúp Bắc Kinh thuyết phục phần còn lại của thế giới rằng họ đang có lẽ phải trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra ngày 2/9 nói rằng Trung Quốc gửi đơn khiếu nại để “kiên quyết bảo vệ các lợi ích chính đáng và bảo vệ vững chắc hệ thống thương mại đa phương và trật tự thương mại quốc tế”.
Nhưng phía Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc đã có những cách làm không công bằng, nên sử dụng luật trong nước để khẳng định họ có quyền đơn phương trừng phạt Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh sửa chữa cách làm của mình.
Trước việc bị Trung Quốc đưa ra WTO, Mỹ đáp lại rằng Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý sẽ không đưa tranh chấp ra tổ chức này.
Trung Quốc quyết định kiện Mỹ ra WTO trong bối cảnh hai bên vẫn đang bàn xem có cử các nhà đàm phán hàng đầu đến gặp nhau tại Washington trong tháng này hay không. Ông Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bày tỏ tự tin cuộc gặp sẽ diễn ra, nhưng Trung Quốc vẫn chưa xác nhận chính thức.
Bài xã luận đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo ngày 3/9 nói rằng Trung Quốc luôn cố gắng giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ bằng “sự chân thành tối đa”, và thúc giục Mỹ rút lại biện pháp tăng thuế để dọn đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Theo Bình Giang
Tiền phong