1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biển Đông dậy sóng cuối năm

Trải qua một năm đầy sóng gió với việc Trung Quốc ráo riết tôn tạo, bồi đắp phi pháp các bãi đá ngầm thành các đảo nổi nhân tạo, Biển Đông lại tiếp tục dậy sóng cuối năm khi Trung Quốc tăng cường thêm tàu chiến mới và tổ chức tập trận tại vùng biển chiến lược này.

Biển Đông dậy sóng cuối năm - 1

 Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên Biển Đông

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Hạm đội Nam Hải của nước này ngày 27-12 đã tiếp nhận thêm 3 tàu chiến mới nhằm tăng cường hoạt động tại Biển Đông. Những tàu này gồm: tàu tiếp tế vận chuyển “Lô Cô Hồ 962”, tàu trinh sát điện tử “Hải Vương Tinh 852”, tàu đo đạc xa bờ “Tiền Học Sâm 873”và tất cả đều do Trung Quốc chế tạo.

Trung Quốc không tiết lộ nhiệm vụ cụ thể các tàu chiến mới nhất đưa ra Biển Đông, song giới chuyên gia cho rằng tàu “Lô Cô Hồ 962” có thể thực hiện nhiệm vụ tiếp tế và vận chuyển binh lính ra các đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp trái phép trong năm 2015 ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khi tàu trinh sát điện tử “Hải Vương Tinh 852” được sử dụng để trinh sát các mục tiêu khác nhau, còn tàu đo đạc “Tiền Học Sâm 873” chủ yếu thực hiện nhiệm vụ khảo sát, quan trắc khí tượng biển trên vùng biển quanh các đảo ở Biển Đông.

Việc tăng cường thêm 3 tàu chiến tới hoạt động ở Biển Đông được Trung Quốc đưa ra ngay sau khi tuyên bố tiến hành một đợt diễn tập hải quân quy mô lớn trên Biển Đông với sự tham gia của ít nhất 3 tàu chiến hiện đại (trong đó có soái hạm là tàu khu trục tên lửa lớp Type 052C Lan Châu), cùng với các tàu ngầm, máy bay cảnh báo sớm, máy bay chiến đấu và nhiều lực lượng liên quan khác. Cuộc tập trận này diễn ra trên một khu vực “rộng hàng nghìn km2” song không được tiết lộ vị trí cụ thể ở Biển Đông.

Đáng chú ý là cuộc tập trận hải quân trên được tổ chức chưa đầy 30 ngày sau khi hải quân Trung Quốc vừa thực hiện một cuộc tập trận chống ngầm quy mô lớn trên Biển Đông. Những động thái khiến vùng biển chiến lược trọng yếu này phải dậy sóng, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc ráo riết bồi đắp các bãi đá ngầm thành đảo nổi nhân tạo hòng thay đổi hiện trạng trong khi Mỹ và đồng minh có các biện pháp mạnh nhằm bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đòi độc chiếm Biển Đông.

Sau khi đưa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 10-2015, 2 chiếc chiếc máy bay ném bom chiến lược   B-52 của Mỹ lại mới “vô tình” bay vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Trường Sa. Cùng lúc đó, đồng minh của Mỹ là Australia cũng điều máy bay do thám P-3 Orion bay gần “khu vực nhạy cảm”, nơi đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa. Những động thái của Mỹ và đồng minh được xem là sự đáp trả cứng rắn với toan tính nguy hiểm nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông mà Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh thời gian qua.

Cùng ngày 27-12 khi Trung Quốc thông báo tăng cường thêm 3 tàu chiến tới hoạt động ở Biển Đông, gần 50 thanh niên Philippines cũng đã tổ chức cắm trại trên một hòn đảo tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa, một động thái mang ý nghĩa tượng trưng nhằm phản đối tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Biển Đông dậy sóng cuối năm báo hiệu vùng biển chiến lược này khó có thể “sóng yên biển lặng” trong năm 2016 sắp tới.

Theo Hoàng Hà

An ninh thủ đô