1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng tới châu Á -Thái Bình Dương

(Dân trí) - Các nhà khoa học ngày 2/7 cho biết, hiện tượng khí hậu trái đất ấm lên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gây ra "nhiều đột biến" trong mọi lĩnh vực, từ bệnh sốt xuất huyết cho tới nhiễm độc thực phẩm.

Các đại biểu tham dự một hội thảo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bàn về vấn đề Thay đổi khí hậu và sức khỏe, tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) đã vẽ ra "bức tranh tương lai ảm đạm" đối với sức khỏe của những người đang sống tại châu Á-Thái Bình Dương, khu vực đông dân nhất của thế giới, nếu không có những hành động khẩn cấp được đưa ra từ ngay lúc này để xử lý tình trạng biến đổi khí hậu.

 

Giới khoa học cho rằng hạn hán sẽ khiến vụ mùa thất bát và tình trạng thiếu lương thực trở nên trầm trọng hơn ở một số khu vực; các cơn bão đem theo tro bụi sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh về đường hô hấp trong khi lũ lụt kèm các trận bão cực mạnh sẽ làm tăng thiệt hại về người và gây nên nhiều loại dịch bệnh.

 

Ông Shigeru Omi, Giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, nói: "Hiện nay, chúng ta đã tiến tới thời điểm quyết định. Tại thời điểm này, hiện tượng ấm lên của khí hậu trái đất ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự sống và sức khỏe con người... Vấn đề này thậm chí sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều đối với nhân loại trong một vài thập kỷ tới, nếu chúng ta không hành động ngay lập tức".

 

Các đại biểu đến từ 16 quốc gia tham dự cuộc hội thảo nói trên nhấn mạnh rằng điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải hiểu rõ "mối liên hệ" giữa khí thải gây hiệu ứng nhà kính và sức khỏe con người. Họ kêu gọi các quốc gia trên thế giới đóng góp nhiều nguồn lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề về sức khỏe đang "hoành hành" tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, góp phần giảm bớt hậu quả một khi những ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu trở nên thảm khốc hơn. Nhiều người ủng hộ việc áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế và trợ giá cho các công ty thân thiện với môi trường.

 

WHO cho biết khu vực châu Á-Thái Bình Dương rõ ràng đã cảm nhận được những tác động tiêu cực của tình trạng khí hậu trái đất ấm lên, bởi tình trạng này đã trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến nhiều trong số 77.000 ca tử vong mỗi năm tại khu vực này - chiếm khoảng 1/2 tổng số người thiệt mạng trên toàn thế giới được cho là do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. Con số này chưa bao gồm số người tử vong vì ô nhiễm không khí (hơn 400.000 người thiệt mạng mỗi năm ở riêng Trung Quốc, nước bị cho là đang thải ra lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.)

 

Ông Shigeru Omi cho biết Singapore đã nhận thấy mối liên quan giữa tình trạng nhiệt độ trái đất ấm lên với số ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết được thống kê ở nước này, khi nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26,9 độ C vào năm 1978 tăng lên 28,4 độ C năm 1998. Số ca nhiễm sốt xuất huyết đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn này.

 

Cuộc hội thảo nói trên diễn ra hai ngày sau khi phần ba và phần kết luận của báo cáo về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu được Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), bao gồm 2.000 nhà khoa học của Liên Hợp Quốc (LHQ), công bố tại Bangkok. IPCC cũng nhấn mạnh rằng việc nhiệt độ trái đất ấm lên có thể dẫn tới sự tăng trưởng mạnh hơn của các loài tảo gây bệnh cho những người ăn thực phẩm chế biến từ hải sản hay các loài cá sống trên các vỉa san hô. Những người đang sống tại một số vùng duyên hải thấp cũng sẽ phải đối mặt với bão, lụt với tần suất cao hơn và tình trạng nhiễm mặn nguồn nước ngọt vốn vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người.

 

KV

Theo AP