1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bị Mỹ cấm đầu tư, giới khoa học Trung Quốc nói không sợ hãi

Quốc Đạt

(Dân trí) - Việc Mỹ cấm đầu tư vào các công nghệ nhạy cảm tại Trung Quốc sẽ có không nhiều tác động vì những khu vực này đã ít phụ thuộc vào dòng vốn Mỹ trong thời gian qua, theo các nhà khoa học Trung Quốc.

Bị Mỹ cấm đầu tư, giới khoa học Trung Quốc nói không sợ hãi - 1

Mỹ vừa công bố lệnh cấm đầu tư mới nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ nhạy cảm như chip bán dẫn (Ảnh: VCG).

Hôm 9/8, Tổng thống Biden ký lệnh cấm dòng tiền từ Mỹ chảy vào ngành bán dẫn, vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc.

Theo sắc lệnh, sự tiến bộ nhanh chóng trong những lĩnh vực trên của các nước và vùng lãnh thổ "đáng lo ngại" làm gia tăng đáng kể khả năng tiến hành hoạt động đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Trung Quốc, cùng các đặc khu hành chính Hong Kong và Macao, là những cái tên duy nhất trong danh sách "đáng lo ngại" trong sắc lệnh.

Dù vậy, Li Zhimin, Phó chủ tịch Trung tâm Đánh giá Khoa học và Công nghệ Quốc gia trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho rằng các hạn chế trên phần nhiều mang "tính chính trị" và Mỹ từ lâu đã lo ngại những tiến bộ của Trung Quốc trong các lĩnh vực này.

Diễn biến đã lường trước

Ngành công nghệ Trung Quốc trước đó vẫn là điểm đến của dòng tiền trong tay các nhà đầu tư mạo hiểm Mỹ. Nhưng dòng chảy này đã chậm lại đáng kể từ khi gia tăng căng thẳng địa chính trị.

"Trước đây, Mỹ đã có một số khoản đầu tư vào công nghiệp bán dẫn nhưng việc này đã dừng lại", ông Li nói. "Việc đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ lượng tử hoặc trí tuệ nhân tạo đã ngừng từ 4-5 năm trước".

Bị Mỹ cấm đầu tư, giới khoa học Trung Quốc nói không sợ hãi - 2

Tổng thống Biden ký sắc lệnh hạn chế đầu tư Mỹ vào các công nghệ nhạy cảm Trung Quốc hôm 9/8 (Ảnh: AFP).

Một số nhà khoa học Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực công nghệ lượng tử cũng đồng ý với ông Li.

"Các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực này không phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài nên những hạn chế mới từ Mỹ sẽ ít ảnh hưởng đến chúng tôi", Wang Chao - Tổng giám đốc XT Quantech, công ty ứng dụng công nghệ lượng tự vào bảo mật thông tin, có trụ sở Thượng Hải - cho biết.

Ông Wang còn nói chất bán dẫn và AI ở Trung Quốc đã ít phụ thuộc hơn vào đầu tư Mỹ trong những năm gần đây.

Trả lời SCMP, một nhà vật lý lượng tử giấu tên của Trung Quốc không ngạc nhiên trước lệnh cấm mới nhất. Ông nói đã từ chối ký kết thỏa thuận một số nhà đầu tư mạo hiểm Mỹ cách đây 4 năm vì lo ngại có thể gặp rắc rối khi quan hệ giữa Mỹ - Trung biến động. Thỏa thuận này liên quan đến việc tiết lộ và trao đổi công nghệ nhạy cảm.

Biến nguy thành cơ

Đặt trong bối cảnh Bắc Kinh rót thêm nhiều ngân sách vào khoa học công nghệ để hướng tới mục tiêu tự lực, một số người coi những hạn chế mới nhất là cơ hội.

"Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển công nghệ của mình và kiên quyết hỗ trợ các giải pháp thay thế trong nước, vì vậy việc rút vốn Mỹ là cơ hội để chúng tôi tham gia", một nhà đầu tư trong mảng công ty công nghệ cao của Trung Quốc cho biết.

Bị Mỹ cấm đầu tư, giới khoa học Trung Quốc nói không sợ hãi - 3

Giới khoa học Trung Quốc hy vọng "biến nguy thành cơ" sau sắc lệnh hạn chế đầu tư của Mỹ (Ảnh: Shutterstock).

Ông Li - Phó chủ tịch Trung tâm Đánh giá Khoa học và Công nghệ Quốc gia - cho rằng lệnh cấm có thể thúc đẩy giới khoa học Trung Quốc, từ đó "tạo động lực cho các ngành này". Dù vậy, các nhà khoa học làm việc ở nước ngoài có ý định trở về Trung Quốc có thể sẽ phải cân nhắc lại lựa chọn.

Còn theo ông Zeng Liaoyuan, công tác tại Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc ở Thành Đô, các trường đại học và viện nghiên cứu ở nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho những hạn chế.

"Chúng tôi không cảm thấy bị đe dọa hay choáng váng", ông Zeng, Phó giáo sư kỹ thuật thông tin và truyền thông, nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách tăng cường sức mạnh công nghệ của Trung Quốc trong các lĩnh vực này".

Ở một mức độ nào đó, sự cạnh tranh công nghệ giữa 2 cường quốc vẫn có tác động tới Trung Quốc. Nhà vật lý lượng tử ẩn danh nói với SCMP rằng một công ty khởi nghiệp của ông đã không thể tìm nguồn cung cấp các linh kiện thiết yếu từ Mỹ trong những năm gần đây.

Các công ty khác cũng gặp vấn đề tương tự, như Origin Quantum, một công ty lớn của Trung Quốc về công nghệ lượng tử.

"Origin Quantum từng nói họ có thể xây dựng máy tính lượng tử với hàng trăm qubit", một nhà nghiên cứu nói với SCMP, đề cập tới qubit - đơn vị cơ bản trong khoa học lượng tử. "Cho đến nay, họ mới chỉ chế tạo được máy tính có hơn 70 qubit".

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm