Bí mật lịch sử về chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới
(Dân trí) - Nhìn những thế hệ tàu ngầm nguyên tử hiện nay, ít người biết được rằng việc chế tạo con tàu ngầm đầu tiên đã gặp phải không ít khó khăn, trở ngại. Cho đến nay, lịch sử ra đời của nó, gắn liền với cuộc vây hãm New York, chỉ vừa mới được được công bố ...
Chiếc tàu ngầm đầu tiên hình...quả trứng và chỉ có một người điều khiển !
Chiếc tàu ngầm chiến đấu đầu tiên trên Thế giới ra đời ở Mỹ vào Thế kỷ XVIII, trong thời gian nước này bị quân Anh chiếm đóng.
Vào mùa Hè năm 1775, Hải quân Anh phong tỏa rất chặt vịnh New York. Mọi hướng ra, vào cảng đều bị các tàu chiến Anh bịt kín.
Đã vài lần, người Mỹ tìm cách phá vòng vây. Vào những đêm khuya, tối trời, quân Mỹ bí mật dùng một số tàu và xuồng máy loại nhỏ vượt biển nhưng không thành công. Những tàu, xuồng này hoặc bị bắn chìm hoặc bị quân Anh bắt sống. Việc tiếp tế, thông thương với bên ngoài của cảng New York lúc ấy đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn gấp bội...
Đúng vào những lúc khó khăn nhất, kỹ sư hàng hải David Busnell - một học viên xuất sắc vừa tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Ielsk đã nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc tàu đặc biệt. Chiếc tàu này có thể đi ngầm dưới mặt nước, bí mật mang mìn tiếp cập và đánh chìm các tàu chiến to lớn của Hải quân Anh, giải phóng thành phố.
Ý tưởng dù sao cũng chỉ là ý tưởng. Thực tế khi bắt tay vào thiết kế và chế tạo mới gặp nhiều vấn đề phức tạp và khó khăn hơn nhiều.
Vào thời gian đó, khi khoa học-kỹ thuật công nghệ chưa phát triển thì việc chế tạo tàu ngầm đã gặp hàng loạt rắc rối lớn. Đầu tiên là phải làm sao chế tạo được các lớp vỏ tàu bằng thép dày, kín, chịu được áp lực cao. Kế đó là con tàu phải lặn xuống, nổi lên và bơi ngầm được dưới mặt nước biển. Rồi phải giải quyết sự cân bằng của con tàu khi vận hành dưới mặt nước, bảo đảm đủ dưỡng khí cho kíp chiến đấu, xác định đúng phương hướng khi di chuyển, phát hiện được mục tiêu, xác định chính xác vị trí và mang mìn gắn vào mục tiêu, hẹn giờ mìn nổ và rút lui bí mật và an toàn trước khi mìn phát nổ...
Công việc chế tạo chiếc tàu ngầm chiến đấu đầu tiên tiến hành rất bí mật và được bảo vệ hết sức nghiêm nghặt tại căn cứ Seibruk, bang Connecticut.
Dù gặp phải nhiều khó khăn chồng chất nhưng trong một thời gian ngắn, Busnell và người em trai của mình cũng là một kỹ sư hàng hải đã xuất sắc giải quyết thành công hàng loạt vấn đề kỹ thuật hóc búa.
Đến mùa Xuân năm 1776, chiếc tàu ngầm chiến đấu đầu tiên trên thế giới ra đời. Nó có hình ...quả trứng. Cao: 2 mét. Đường kính thân rộng: 0,9 mét. Kíp chiến đấu chỉ có đúng ...1 người. Nhân viên duy nhất kiêm nhiệm tất cả các nhiệm vụ, chức năng: Thuyền trưởng, lái tàu, hoa tiêu, thợ máy và thủy thủ chiến đấu.
| ||
Chiếc tàu ngầm đầu tiên có hình quả trứng và chỉ có một người điều khiển. |
Thế nhưng cũng phải mất thêm vài lần thử nghiệm và hoàn thiện nữa, chiếc tàu ngầm này mới được coi là có thể sử dụng và thực thi nhiệm vụ chiến đấu. Chiếc tầu ngầm được bí mật vận chuyển bằng đường bộ từ bang Connecticut đến New York.
Trận đánh đầu tiên trên của tàu ngầm
Vào đêm tối ngày 6 tháng 9 năm 1776, Trung sỹ Hải quân Mỹ Izra Lee- Một lính thủy can đảm và dũng cảm, quê ở bang Connecticut, đã nhận một nhiệm vụ hết sức đặc biệt : Điều khiển con tàu ngầm đầu tiên mang mìn, tiến công các tàu chiến của Hải quân Anh đang neo đậu ngoài khơi vịnh New York.
Lee đã điều khiển con tàu ngầm bí mật tiếp cận được mục tiêu là một chiếc tàu chiến Anh to lớn, kềnh càng. Thế nhưng, anh đã không thành công trong hành động tiếp theo: Lớp vỏ thép đáy tàu quá cứng và dày đã ngăn trở, không cho anh thực hiện việc khoan thủng để gắn mìn.
Mặc dù vậy, Lee không hề bối rối và nản lòng. Sau vài lần nổi lên để lấy thêm dưỡng khí, anh lại cho tàu ngầm lặn xuống để tiếp tục...khoan tàu chiến Anh!.
Sau nhiều lần trồi lên, lặn xuống và hoạt động quá mức, Lee mệt mỏi và kiệt sức đến nỗi không còn chú ý tới việc giữ gìn bí mật nữa. Chiếc tàu ngầm của Lee trồi lên, lộ hẳn 1/3, ngay cạnh tàu chiến Anh.
| |
Trung sĩ Izra Lee đã định gắn quả mìn nặng 113 kg vào đáy tàu chiến Anh. |
Trời sáng dần. Lính gác trên tàu phát hiện thấy. Mặc dù chưa hiểu là vật gì nhưng tàu chiến Anh vẫn bắn súng và báo động ầm ĩ. Để tránh nguy hiểm, Lee buộc phải bấm mìn hẹn giờ và đẩy khối thuốc nổ nặng 113 Kg về phía tàu chiến Anh rồi nhằm phía bờ, phóng hết tốc lực.
Khi Lee đã rời tàu Anh một đoạn khá xa và an toàn thì khối mìn mới phát nổ. Sau ánh chớp chói lòa là một tiếng nổ đinh tai, nhức óc rền vang mặt biển. Sóng lớn cuồn cuộn bốc lên ngay cạnh chiếc tàu chiến. Lính thủy Anh gặp phải một phen kinh hoàng.
Tuy chưa bị đánh chìm nhưng các tàu chiến Anh cũng vội cấp tốc rời xa khu vực nguy hiểm. Vòng vây trên vịnh New York lập tức bị phá vỡ...
Thành Nam