Bí ẩn vùng trời khiến hàng ngàn phi cơ biến mất
Theo số liệu thống kê, trong khoảng 60 năm qua có chừng hơn 2.000 máy bay các loại, kể cả máy bay quân sự của Không quân Mỹ như B-24, B-17, T-33, bị rơi và mất tích một cách ly kỳ khi đi qua khu vực “Tam giác Nevada”. Dù cách khu vực dân cư tới hơn 25.000 dặm nhưng nhiều vụ tai nạn vẫn diễn ra, thậm chí biến mất không một dấu vết.
Tam giác Nevada là khu vực sa mạc hoang vu rộng khoảng 64.750km2 từ bang Nevada đến một phần bang Arizona và một phần bang California. Nơi đây hầu như không có cư dân mà chỉ có ngút ngàn sa mạc cát và núi đá cao trùng điệp...
Vùng đất bí mật
Tam giác Nevada được xác định bằng 3 góc: đỉnh tam giác là Reno, cạnh đáy kéo dài từ hồ China gần phía tây Fresno đến Tây Nam Las Vegas. Khu vực này được người Mỹ biết đến bởi có “Vùng 51”, nơi từng xuất hiện người ngoài hành tinh (UFO), đồng thời cũng là một trong những khu vực quân sự bí ẩn và được canh gác tuyệt mật nhất trên thế giới.
Ít nhất thì trong năm 1989, Bob Lazar (nhà vật lý đã từng làm việc ở “Vùng 51”) đã từng kể về điều này. Ông này cam đoan rằng, đích thân mình đã nhìn thấy kỹ thuật của người ngoài hành tinh và chính bản thân họ. Đó là những người đến từ chòm sao Setka - cách trái đất 30 năm ánh sáng.
Theo miêu tả của nhà vật lý, bộ mặt của những sinh vật này rất đơn giản. Họ chỉ cao tầm hơn một mét tý chút, màu da tái xám, đầu to với hai con mắt hình hạnh nhân to, mũi nhỏ, mồm và tai cũng vậy. Còn “đĩa bay” của họ mà người Mỹ thu được gồm 9 chiếc, chúng có những tính năng bay đáng kinh ngạc.
“Vùng 51” còn là nơi một phi thuyền của người ngoài hành tinh gặp nạn tại Roswellvào năm 1947. Cả nước Mỹ xôn xao khi một chủ trang trại chăn nuôi gia súc tên là Mac Brazel phát hiện những mảnh vỡ kim loại khác thường thon dài tới 100m.
Sau đó, vụ việc bị ém nhẹm đi trong suốt 3 thập kỷ, cho đến ngày tài liệu của một mật vụ tình báo Mỹ bị rò rỉ thông tin với nội dung, “UFO gặp nạn vào mùa hè năm 1947 chính là phi thuyền của người ngoài hành tinh”.
Tài liệu còn cho biết, những mảnh kim loại vỡ của phi thuyền này không thuộc bất cứ loại kim loại nào tìm thấy trên Trái Đất. Thậm chí, người ta còn đang giữ xác “người ngoài hành tinh” - những người điều khiển UFO và gặp nạn tại Roswell năm đó.
Tuy nhiên, sau đó người ta lại cho rằng “Vùng 51” chính là nơi sản xuất ra những chiếc UFO kỳ lạ đó. Được biết, “Vùng 51” là một căn cứ không quân tuyệt mật, được thành lập theo lệnh của Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight Eisenhower, hoạt động lần đầu tiên vào năm 1955 như một cơ sở thử nghiệm cho các máy bay do thám U-2 đang được phát triển bởi Tập đoàn Lockheed.
Phải chăng, trong một cuộc bay thử nghiệm năm 1947, một “UFO made in Trái Đất” đã gặp nạn. Để bưng bít sự việc và che mắt dư luận, quân đội Mỹ phải bí mật thu dọn đống đổ nát, tiếp tục nhiệm vụ phát triển những dự án vũ khí không tưởng của mình.
“Khắc tinh” máy bay
Có tới hàng ngàn chiếc máy bay đi qua khu vực này và mất tích một cách thần bí, thậm chí người ta còn không tìm thấy bất cứ tung tích nào của người gặp nạn.
Nổi tiếng nhất là vụ mất tích của “ông vua kỷ lục” James Stephen Fossett năm 2007. Ông Fossett được biết đến là một doanh nhân kiêm thủy thủ, phi công và nhà thám hiểm từng lập kỷ lục thế giới, là người đầu tiên một mình bay khinh khí cầu không ngừng nghỉ vòng quanh thế giới.
Ông còn lập hơn 100 kỷ lục khác về lái tàu thủy và máy bay vòng quanh thế giới không ngừng nghỉ. Ông là phi công dày dạn kinh nghiệm, lái được mấy loại máy bay và đã thực hiện nhiều giờ bay an toàn, được thế giới thán phục.
Ngày 3/9/2007, ông Fossett cùng chiếc máy bay loại nhẹ Super Decathlon một động cơ mang tên Bellanca cất cánh từ đường băng riêng tại một nông trang Flying-M, gần thung lũng Smith, Nevada với ý định tìm kiếm địa điểm lập một kỷ lục mới. Ông dự định sẽ bay trở lại địa điểm xuất phát ngay sau đó. Chuyến bay cất cánh trong điều kiện thời tiết tốt, không có sự cố gì.
Tuy nhiên, sau khi cất cánh, Stephen Fossett không còn bất kỳ liên hệ qua vô tuyến nào với mặt đất. Cũng kể từ đó chiếc máy bay và Steve đã biến mất không hề để lại dấu tích. Sau một tháng, Cục Hàng không liên bang Mỹ đã tổ chức một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn nhất và tốn kém bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Khu vực tìm kiếm cũng trải rộng trên diện tích 52.000km2 địa hình hiểm trở nhưng không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào về ông và chiếc máy bay.
Phi công James Stephen Fossett mất tích bí ẩn ở Nevada năm 2007.
Mãi cho đến ngày 29/9/2008, một người đi bộ đường dài mới tình cờ tìm thấy thẻ nhận dạng của ông ở dãy núi Sierra. Ngày 1/10/2008 cuộc tìm kiếm trên không đã xác định được xác máy bay của Fossett nằm cách nơi tìm thấy đồ vật 690m. Các cuộc tìm kiếm tiếp theo chỉ phát hiện ra 2 mảnh xương, qua giám định ADN cho thấy là của Fossett mà không tìm thấy toàn bộ thi thể.
Và rất nhiều trường hợp máy bay mất tích bí ẩn khác. Một trong những chiếc máy bay đầu tiên biến mất trong “Tam giác Nevada” là máy bay ném bom B-24 rơi xuống dãy núi Sierra Nevada vào năm 1943. Ngày 5/12, tổ bay 6 người cất cánh từ sân bay Fresno đến Tucson rồi quay trở về, nhưng rồi họ cũng một đi không trở lại.
Ngày hôm sau, 9 chiếc B-24 đã được gửi đi để tìm chiếc máy bay bị mất tích. Tuy nhiên, thay vì tìm thấy, 1 trong 9 chiếc B-24 lại tiếp tục bị mất tích và mãi cho đến năm 1955 mới được tìm thấy ở Hồ chứa nước Huntington, khi nơi này được tháo cạn để sửa chữa đập.
Còn chiếc máy bay B-24 rơi xuống dãy núi Sierra vẫn là một ẩn số. Thậm chí cha của phi công đã tự đi tìm con trai trong suốt 14 năm, nhưng cho tới tận khi qua đời ông vẫn không tìm thấy bất kỳ tung tích nào của con trai xấu số cũng như chiếc máy bay. Mãi cho đến tháng 7/1960, người ta tìm thấy mảnh vỡ của nó ở một hồ thuộc Vườn quốc gia Kings Canyon và hiện hồ này được lấy tên là Hồ Hester.
Tiếp theo là vụ mất tích máy bay T-33 vào tháng 5/1957. Dưới sự chỉ huy của Trung úy Không quân David Steeves, chiếc máy bay huấn luyện cất cánh từ Căn cứ Không quân Hamilton đến Arizona nhưng đột nhiên biến mất khỏi bầu trời. Sau hàng loạt nỗ lực tìm kiếm, quân đội tuyên bố trung úy 23 tuổi chính thức thiệt mạng. Nhưng bất ngờ 54 ngày sau, David xuất hiện trong hình dạng tiều tụy, quần áo rách nát.
David kể lại rằng có một thứ gì đó khiến máy bay bất ngờ nổ tung, nhưng anh đã kịp nhảy ra khỏi máy bay với chiếc dù của mình. Anh bò hơn 20 dặm trong nhiệt độ lạnh cóng suốt 15 ngày mà không có thức ăn hay nơi tạm trú. Sau đó, bằng cách câu cá và giết một con nai với khẩu súng lục anh mới có thể sống sót tìm đường trở về. Mặc dù may mắn còn sống nhưng chiếc máy bay T-33 cho tới giờ vẫn bặt vô âm tín và nguyên nhân gây nên vụ nổ vẫn chưa rõ.
Một trường hợp nổi tiếng khác là phi công Charles Ogle, đồng thời là một nhà bất động sản giàu có, đã rời khỏi Oakland, California vào tháng 8/1964 nhưng biến mất trên đường đến Las Vegas, Nevada. Thi thể của Charles Ogle và chiếc máy bay của anh ta đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Không ai biết vì sao có nhiều máy bay bị nạn trong Tam giác Nevada không để lại dấu vết, máy bay lớn bị rơi thậm chí nhiều hơn máy bay nhỏ dù do phi công dày dạn kinh nghiệm điều khiển.
Nhiều người phán đoán do nhiều yếu tố kết hợp lại, như: thời tiết khắc nghiệt, địa hình hoang vu và hiểm trở. Bởi, có 2 yếu tố thời tiết quan trọng là sự di chuyển với tốc độ cao của luồng không khí từ Thái Bình Dương thổi vào cộng với địa hình núi cao dốc đứng của Tam giác Nevada, đã tạo ra một loại tiểu khí hậu đặc biệt gọi là “sóng núi”, có thể là nguyên nhân làm máy bay rơi. Sóng núi xoáy như cơn lốc có sức giật rất mạnh, có thể đẩy máy bay lên rất cao rồi đột ngột giật máy bay rơi thẳng xuống mặt đất.
Theo Bùi Mến
Pháp luật Việt Nam