1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bế tắc chính trị không lối thoát đẩy nước Mỹ tới miệng vực vỡ nợ

(Dân trí) - Hôm qua, nước Mỹ đã trải qua thêm một ngày chờ đợi trong lo âu khi những bất đồng chính trị giữa Quốc hội và Nhà Trắng tiếp tục không có lối thoát. Nước Mỹ chỉ còn cách thời điểm vỡ nợ ít giờ.

Thượng nghị sỹ Harry Reid phát biểu bên ngoài trụ sở quốc hội kêu gọi chấm dứt bế tắc
Thượng nghị sỹ Harry Reid phát biểu bên ngoài trụ sở quốc hội kêu gọi chấm dứt bế tắc

Cho đến thời điểm này, hai đảng trong Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể tìm được sự đồng thuận cho dù thời hạn chót để nâng trần nợ công đã cận kề. Nếu không có biện pháp nào được thông qua trước nửa đêm ngày thứ Tư theo giờ địa phương, tức 4 giờ 00 GMT ngày thứ Năm, Bộ tài chính Mỹ sẽ bắt đầu cạn ngân sách để thực hiện các nghĩa vụ chi trả. Khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ sẽ vỡ nợ.

Trong ngày hôm qua, cả hai viện của Quốc hội Mỹ đã tiến hành thảo luận các đề xuất để thông qua ngân sách mới cho chính phủ và nâng trần nợ công 16.700 tỷ USD. Tuy nhiên, sự chia rẽ giữa các nghị sỹ đảng Dân chủ của Tổng thống Obama và đảng Cộng hòa, những người kiểm soát Hạ viện đã khiến mọi thương thảo đi vào ngõ cụt.

Lãnh đạo phe Cộng hòa đã liên tục tìm cách thuyết phục một nhóm nhỏ các nghị sỹ theo tư tưởng bảo thủ trong đảng mình, thông qua một dự thảo luật cho phép nâng trần nợ và mở cửa lại chính phủ nhưng thất bại.

Trong khi đó, các cường quốc trên thế giới theo dõi tình hình trong e ngại khi chứng kiến những sự đổ lỗi qua lại tại Quốc hội Mỹ, và khả năng những nền kinh tế vốn đã suy yếu của nước mình có thể bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng từ Washington.

“Tại thời điểm này chúng tôi vẫn còn cách một thỏa thuận rất xa”, Jay Carney người phát ngôn Nhà Trắng thừa nhận.

Giữa lúc sự lo lắng trên thị trường ngày một lên cao, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo về khả năng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của Mỹ từ mức cao nhất AAA hiện nay.

Dù tình hình bế tắc ngày càng sâu sắc, Tổng thống Obama tuyên bố ông vẫn kỳ vọng vấn đề cuối cùng sẽ được giải quyết. “Tôi hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết, nhưng chúng ta không còn nhiều thời gian”, ông Obama phát biểu với kênh ABC tại New York.

“Điều tôi muốn đề xuất đó là các cuộc họp kín của quốc hội không nên làm điệu bộ thêm nữa…hay làm những gì đúng đắn, mở cửa lại chính phủ và đảm bảo rằng chúng ta sẽ thanh toán các hóa đơn”.

“Không hành động, không bỏ phiếu”

Những hy vọng trong đêm về một thỏa thuận giữa các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tan biến khi nhóm nghị sỹ bảo thủ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện phản bác các sáng kiến được đưa ra.

Nhóm hạ nghị sỹ này đã nhiều lần tìm cách vô hiệu hóa đạo luật Obamacare, đi ngược lại yêu cầu của Nhà Trắng đó là nâng trần nợ công mà không kèm theo bất kỳ điều kiện gì.

Trước đó các đề xuất mới nhất của đảng Cộng hòa đã chấp thuận gia hạn khả năng đi vay của chính phủ tới 7/2/2014 và tái mở cửa chính phủ đến 15/12.

Đổi lại họ yêu cầu chấm dứt trợ cấp chăm sóc sức khỏe cho các thành viên quốc hội, các phụ tá, Nhà Trắng và quan chức trong nội các, đồng thời tước bỏ khả năng của Bộ tài chính Mỹ trong việc đưa ra các biện pháp đặc biệt để thực hiện nghĩa vụ nợ.

Đến cuối ngày thứ Ba, lãnh đạo của phe Cộng hòa đã rút lại đề xuất này sau khi không nhận được số phiếu cần thiết từ nội bộ đảng mình.

“Sẽ không có hành động nào, không bỏ phiếu và ủy ban pháp luật sẽ không tham gia trong đêm nay”, nghị sỹ đảng Cộng hòa Pete Sessions thông báo với phóng viên.

Các cuộc đàm phán tại Thượng viện, vốn bị trì hoãn suốt ngày hôm qua để chờ diễn biến tại Hạ viện, được nhanh chóng nối lại trong tối thứ Ba theo giờ địa phương. Lãnh đạo cả hai đảng đều cho biết họ “lạc quan” rằng một thỏa thuận đã trong tầm tay.

Trước đó, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid đã giận dữ cáo buộc Chủ tịch Hạ viện, nghị sỹ đảng Cộng hòa John Boehner là đang tìm cách cứu lấy sự nghiệp chính trị của mình bằng cách bỏ mặc nước Mỹ.

“Có một điều rõ ràng đó là: dự thảo luật của Hạ viện sẽ không được thông qua tại Thượng viện”, ông Reid nói. “Tôi rất thất vọng với John Boehner, người sẽ một lần nữa tìm cách bảo toàn vị trí của mình bất chấp thiệt hại cho đất nước”.

Ông Boehner đang đứng giữa những lựa chọn khó khăn, giữa một bên là ngả theo phe bảo thủ trong đảng Cộng hòa để giữ được chiếc ghế của mình, nhưng khiến nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử vỡ nợ. Ngược lại ông có thể “cứu” nước Mỹ bằng cách thông qua một bản kế hoạch mà Thượng viện và Tổng thống Obama chấp nhận được, nhưng cũng đồng nghĩa với sự ủng hộ trong đảng của mình bị lung lay, thậm chí có thể mất chức.

Trung Quốc và Nhật, những nước đang nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất, với tổng cộng khoảng 2400 tỷ USD đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả của khủng hoảng.

Bộ trưởng tài chính Nhật Taro Aso khẳng định nhiều chính trị giá Mỹ “dường như không hiểu rõ mức độ tác động quốc tế mà vấn đề này có thể tạo ra”.

Thứ trưởng tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao tại Bắc Kinh thì tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ, với tư cách nước phát hành đồng tiền dự trữ chính...cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình”.

Thanh Tùng
Theo AFP