1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bảy nước châu Á ưu tiên sắm tàu ngầm

Nhà phân tích Bob Nugent thuộc Công ty AMI International của Mỹ (chuyên tư vấn và phân tích thị trường hải quân) ghi nhận bảy nước gồm Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore và Việt Nam đã chi khoảng 40 tỉ USD để đóng mới hay mua sắm tàu ngầm.

Ấn Độ chi đóng tàu hải quân còn nhiều hơn cả Trung Quốc. Úc, Thái Lan, Pakistan và lãnh thổ Đài Loan đều xây dựng chương trình đóng hay mua tàu ngầm trong 20 năm tới. Malaysia vừa hoàn tất hợp đồng mua tàu ngầm. Hàn Quốc chỉ chi ít hơn Trung Quốc 2 tỉ USD đóng tàu mới trong 10 năm tới.

Ấn Độ
Trang web Defense News của Mỹ ngày 26-10 (giờ địa phương) ghi nhận các chương trình đóng tàu hải quân ở châu Á-Thái Bình Dương đã tăng 15% so với chi phí dự kiến trong 10 năm qua.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước chi tiêu cho hải quân nhiều nhất thế giới. Trong đó Ấn Độ đã chi cho đóng tàu hải quân còn nhiều hơn cả Trung Quốc. Hai nước này đã đóng tàu hải quân có độ phức tạp cao như tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân và tàu sân bay.

Ông Guy Stitt - Chủ tịch Công ty AMI International nhận định báo chí nói nhiều về tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và sự kiện Trung Quốc đóng tàu khu trục mới nhưng thực ra Ấn Độ mở rộng hải quân còn nhanh hơn Trung Quốc. Ấn Độ có hai tàu sân bay và chuẩn bị đưa vào vận hành tàu sân bay thứ ba.

 

Bảy nước châu Á ưu tiên sắm tàu ngầm

Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston (trái) và người đồng cấp Nhật Akinori Eto tại Tokyo ngày 16-10 (ảnh: JIJI)

Nhật

Nhật đang có năm tàu ngầm tấn công và 11 tàu lớp Oyashio cũ. Nhật dự định nâng tổng số tàu ngầm lên 22 chiếc. Nhật còn có kế hoạch điều động 20 máy bay tuần tra hàng hải Kawasaki P-1 thay máy bay P-3C và trực thăng săn ngầm SH-60K.

Công ty AMI International nhận định ba chương trình ưu tiên hàng đầu của Nhật gồm tàu khu trục trực thăng lớp Izumo (22DDH), tàu ngầm lớp Soryu thế hệ mới và tàu khu trục Aegis. Các chương trình được xây dựng nhằm đối phó với nguy cơ chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc.

+ Tàu khu trục lớp Izumo: Tháng 8-2013, Nhật đã công bố một trong hai tàu Izumo 20.000 tấn, tàu chiến lớn nhất của Nhật từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tàu có khả năng chở 15 trực thăng. Năm 2009 và năm 2011, Nhật cũng đã đưa vào hoạt động hai tàu khu trục trực thăng thế hệ thứ ba lớp Hyuga 13.950 tấn có khả năng chở 11 trực thăng.

+ Tàu khu trục lớp Izumo không hoàn toàn là tàu sân bay nhưng có khả năng hỗ trợ tác chiến viễn dương trên không, chống tàu ngầm và bom mìn. 

+ Tàu ngầm lớp Soryu: Hồi tháng 9 mới đây, lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật thông báo sẽ nâng cao khả năng của tàu này bằng công nghệ pin lithium ion mới. Đây là một trong số tàu ngầm mạnh nhất, lớn nhất và thành công nhất trên thế giới hiện nay. Theo báo cáo mới nhất, Nhật đang nâng cấp tàu ngầm lớp Soryu và chuyển sang sử dụng hệ thống tuần hoàn khí độc lập.

+ Tàu khu trục Aegis: Đây là chương trình trọng tâm trong quan hệ hợp tác mua sắm quốc phòng Mỹ-Nhật. Nhật đã cam kết mua hai tàu Aegis lớp Atago mới nhằm mở rộng hạm đội tàu Aegis lên tám chiếc vào cuối năm 2020.

Hàn Quốc

Trước mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên cùng vấn đề tranh chấp lãnh thổ tiềm tàng với Trung Quốc và Nhật, Hàn Quốc đã chuẩn bị nhiều tàu khu trục Aegis và tàu ngầm tấn công hạng nặng.

Hồi tháng 9, Hàn Quốc đã thông qua kế hoạch mua thêm ba tàu Aegis lớp Sejong Đại đế hơn 7.600 tấn trong giai đoạn 2023-2027. Hàn Quốc sẽ chi 4,2 tỉ USD đóng ba tàu trang bị tên lửa phóng thẳng và hệ thống radar Spy-1D có thể theo dõi hàng trăm máy bay trong bán kính 500 km.

Hiện hải quân Hàn Quốc đang khai thác ba tàu khu trục lớp Sejong Đại đế mang tên KDX-III, ba tàu khu trục Gwanggaeto KDX-I 3.000 tấn và sáu tàu khu trục Chungmugong KDX-II lớp Yi-Sun-shin 4.300 tấn.

Đại tá Eom Hyo-shik, người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu Hàn Quốc, giải thích sở hữu thêm ba tàu Aegis sẽ gia tăng khả năng chống lại mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên trên quy mô lớn hơn, đồng thời gia tăng khả năng đối phó các mối đe dọa khác từ các nước láng giềng.

Về khả năng dưới biển, Hàn Quốc đang vận hành chín tàu ngầm tấn công hạng nặng KSS-III 3.000 tấn. Hàn Quốc đã thông qua kế hoạch đợt 2 đóng ba tàu ngầm KSS-III vào đầu năm 2015 do Công ty Hyundai phụ trách với kinh phí 285 triệu USD. Đợt 1 năm 2012.

Tàu ngầm KSS-III có khả năng hoạt động dưới biển tốt hơn, có trang bị tên lửa hành trình đạt tầm bắn 1.000 km và đây là một trong những vũ khí chiến lược của Hàn Quốc.

Úc

Trang web Defense News nhận định Úc đã xây dựng kế hoạch tham vọng kéo dài 20 năm nhằm cải tiến toàn bộ lực lượng trên biển. Úc đang đóng ba tàu khu trục tác chiến trên không dựa trên tàu F105 của Tây Ban Nha và đã đưa vào hoạt động một trong hai tàu đổ bộ trực thăng 27.000 tấn đầu tiên. Ngoài ra, tám tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường lớp Anzac đang được nâng cấp khả năng phòng thủ tên lửa.

Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston đã thông qua hai chương trình tàu hải quân gồm:

- Mua hai tàu bổ sung cỡ lớn (đang trong giai đoạn đấu thầu giữa Công ty Daewoo và Công ty Navantia của Tây Ban Nha).

- Dự án tàu khu trục tương lai nhằm thay thế tàu lớp Anzac đã nâng cấp.

Úc đang xem xét khả năng mua công nghệ từ các công ty đóng tàu ngầm nước ngoài. Ngày 16-10, Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Akinori Eto tại Tokyo (Nhật) nhằm tìm kiếm khả năng hợp tác với Nhật.

Theo Duy Khang/ Pháp luật TPHCM