1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bầu Giáo hoàng - Kỳ 2: Gian nan chức chủ chăn

Thời điểm năm 1978 ấy, con số các Hồng Y trong Giáo hội là 129 vị. Có 3 vị ốm nặng không thể tới Roma. Còn 15 vị quá tuổi 80 nên không được quyền tham gia bầu Giáo Hoàng. Còn lại 111 vị được tham gia bầu.

Giám mục Nguyễn Văn Đệ chúc tết giám mục Nguyễn Văn Sang xuân Quý Tỵ.

Giám mục Nguyễn Văn Đệ chúc tết giám mục Nguyễn Văn Sang xuân Quý Tỵ.

Cụ thể, 56 vị ở châu Âu, trong đó Italia có 27 vị; 30 vị thuộc Bắc và Nam Mỹ; 12 vị châu Phi; 9 vị châu Á, trong đó có đức Hồng Y Trịnh Như Khuê của Việt Nam; 4 vị châu Úc.

Như thế tạm đủ mặt các Hồng Y của 5 châu lục. Hồng Y cao tuổi nhất là của Tiệp Khắc, ngài Tomasek 79 tuổi, hơn đức Hồng Y của Việt Nam mấy tháng. Hồng Y trẻ nhất là Hồng Y Sin của Philippines 50 tuổi.

Đức cha Sang kể thêm chi tiết, thời điểm đó cha vẫn tháp tùng Đức Hồng Y Việt Nam Trịnh Như Khuê đi họp các phiên chuẩn bị cho cuộc bầu Giáo Hoàng.

Sau mỗi lần họp, Ngài Trịnh Như Khuê mang về một tập tài liệu. Đức cha Sang có nhiệm vụ dịch các thư và tài liệu ấy ra tiếng Việt, nếu là những ngoại ngữ ngài chưa thạo lắm như tiếng Anh, Italia, Đức. Điều lạ lùng là phần lớn tài liệu ấy rất lố lăng! Trình bày những ý tưởng yêu cầu kỳ cục về cuộc bầu Giáo Hoàng.

Về việc nên bầu Hồng Y này không bầu Hồng Y nọ. Có những thư rất bậy nêu cả Đức Giáo hoàng Phaolo VI và các Hồng Y danh tiếng ra nhạo báng, xúc xiểm. Thật là thứ tự do quá trớn Âu - Mỹ! Điều lạ là tài liệu ấy vẫn được chuyển tới tay các Hồng Y mặc dầu chúng để ngỏ?

Nhà thờ chính tòa Thái Bình.

Nhà thờ chính tòa Thái Bình.

Cận giờ chung kết của cuộc bầu Giáo Hoàng qua màn hình tivi, toàn bộ cuộc mật hội của các đấng Hồng Y cũng được truyền trực tiếp. Các Hồng Y mặc phục phẩm đỏ, tay cầm mũ múi và bài hát Đức Chúa Thánh Thần xướng lên.

Đức Hồng Y tiên khởi VN dáng thấp bé giữa mấy vị Hồng Y châu Âu cao lớn. Nét mặt ngài đăm chiêu chìm trong không khí trang nghiêm kinh nguyện. Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội VN có vị Hồng Y được dự bầu Giáo Hoàng.

Một điều mà không một giáo dân VN nào dám nghĩ tới! Và ngay cả với Ngài nữa? Từ khi còn là cậu bé ở chủng viện Hoàng Nguyên tới khi làm linh mục chánh xứ Hàm Long, cả khi làm Giám mục Hà Nội và ngay cả khi ở cương vị Hồng Y?

...Ống khói trên quảng trường Thánh Phero đã có khói trắng! Mấy hôm trước toàn tuôn lên khói đen. Đó là tín hiệu đã bầu được Giáo Hoàng mới. Trong thời buổi hiện đại, Giáo hội Công giáo vẫn dùng những tín hiệu cổ lỗ hàng ngàn năm trước! Những đợt khói trắng thi nhau phụt vào khoảng không. Mọi người vỗ tay vang dậy...

Thủ tục có vẻ nhiêu khê, lỉnh kỉnh thế, nhưng từ thời điểm lễ an táng Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đến thời điểm chọn được vị Giáo Hoàng mới là ngày 27 -8-1978 mất 16 ngày cả thẩy, kể ra cũng chóng! Vị Giáo Hoàng mới được bầu là người Italia quê ở Venise, nguyên là Tổng Giám mục Venice - Đức Hồng Y Albino Luciani, năm ấy là 66 tuổi. Ngài lấy tên Thánh là Phaolo I.

Đức tính giản dị của ngài được thể hiện qua câu nói rất mộc mạc, chân chất với đồng sự hôm nhậm chức Giáo Hoàng "Tôi phải học cách làm Giáo Hoàng vì chưa quen".

Trong khi chờ đợi lễ đăng quang của Đức Giáo Hoàng mới, Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê phải làm thủ tục vào điện Vatican một lần nữa để tỏ lòng tôn phục Đấng đại diện cho chúa Kito dưới trần gian. Cha thư ký Nguyễn Văn Sang cũng được tháp tùng.

Nhưng ai học được chữ ngờ! Thương ôi, Giáo Hoàng Phaolo I mới nhậm chức hơn một tháng thì đùng cái, ngày 28-9-1978, Ngài đột ngột qua đời sau một cơn nhồi máu cơ tim. Tiền nhiệm của Ngài, Đức Thánh Cha Phaolo VI, qua đời vì cao huyết áp.

Một mùa thu thành Roma u ám. Trước sự thể bất ngờ ấy, các đấng Hồng Y trên thế giới, người đã về nước hoặc đang còn nán lại đã phải lục tục kéo về Roma để chuẩn bị cho lễ tang Đức Giáo hoàng Phaolo I đoản mệnh và thực thi việc bầu Giáo Hoàng mới.

Cũng may, đại diện Giáo hội Công giáo Việt Nam không về Hà Nội ngay mà còn tranh thủ để làm nhiều việc mục vụ ở xứ người. Do vậy, đỡ mất công vừa về đã phải vội lộn sang nửa vòng Trái đất.

Sau bao công phu và qua lắm thủ tục, ngày 17 -10 - 1978, các Hồng Y trên thế giới bầu được vị chăn chiên thay mặt cho chúa Kito nơi trần thế.

Giáo Hoàng mới thứ 52 của Giáo hội Công giáo không phải là người Italia mà là người ngoại quốc: Wojtyla - Tổng giám mục địa phận Caracov của Ba Lan lấy tên là Gioan Phaolo II. (Trong lịch sử Giáo hội có Giáo Hoàng người nước ngoài là Đức thánh cha Adriano VI người Hà Lan). Và thời điểm đó cũng chấm dứt luôn thời gian đằng đẵng 455 năm người Italia làm Giáo Hoàng.

Cũng cần nói thêm, thời điểm bầu Giáo Hoàng mới này, đức cha Sang được phép đức Hồng Y Trịnh Như Khuê không phải tháp tùng Ngài nữa mà có người cháu cũng là linh mục sẽ thay cha Sang làm nhiệm vụ.

Cha Sang lần đầu trong đời có thời gian làm một cuộc hành hương về đất Thánh Jerusalem. Tính lại, cuộc công du tháp tùng bầu Giáo Hoàng cả 2 đợt tiêu đứt hơn 6 tháng trời.

Wojtyla là số Một! Quả nhiệm kỳ của Giáo Hoàng Gioan Phaolo II được người đời tốn nhiều giấy mực cũng như được nắc nỏm nhiều nhất. Một nhiệm kỳ bấn bíu liên miên các mục vụ.

Mỗi khi người bảo vệ thân cận ái ngại chia sẻ với Đức Giáo Hoàng về sức khoẻ của ngài kém sút, Ngài chỉ cười mà rằng "Còn ta, ta lo cho giáo hội của ta"...

Thị lực Giáo Hoàng Benedict XVI giảm mạnh

Thị lực mắt trái của Giáo Hoàng Benedict XVI (85 tuổi) giảm mạnh và huyết áp không ổn định, nên theo lời khuyên của bác sĩ, ông sẽ không bay sang Brazil để dự sự kiện Ngày Thanh niên Thế giới của Thiên Chúa giáo vào cuối tháng 7.

Tòa thánh sẽ công bố tình trạng sức khỏe của Giáo Hoàng Benedict XVI sau khi cuộc bỏ phiếu chọn người kế nhiệm ông kết thúc ngày 28-2.

Theo chuyên gia về các vấn đề của Vatican, ông Marco Tosatti, hiện nay, Giáo Hoàng Benedict XVI gần như không thể nhìn bằng mắt trái. Thái An (theo Vatican Insider)

Người viết bài này từng theo chân và chồn chân trên quảng trường Thánh Phero để đợi đến 12 giờ trưa một ngày chủ nhật để được diện kiến Đức Giáo Hoàng trên ban công nhà thờ thánh Phero.

Cứ mỗi trưa chủ nhật như thế, biết bao người trên thế giới đã tìm đến sân toà thánh Phero này? Mà có phải trưa nào Đức thánh cha cũng xuất hiện trên bao lơn kia đâu? Trong một bài giảng được truyền tụng vào tháng 7 - 1997 của Đức Giáo Hoàng Jean Paul II có đoạn: "Thiên đường không phải là một nơi trừu tượng hay hữu hình chiếm một khoảng không gian trên chín tầng mây mà Thiên đường chỉ là mối liên hệ riêng tư và sống động giữa cá nhân của chính con người với Chúa Ba ngôi"… Và cũng trong bài giảng ấy, ngài định nghĩa về địa ngục theo cách riêng khá hiện đại và không mấy lạ xa với thế tục: "Địa ngục không phải là một nơi có những hình phạt do Thượng đế đặt ra, mà chỉ là kết quả của những thái độ và hành động con người tạo ra trong đời sống của họ".

Một Giáo Hoàng đầy ấn tượng! Ngày 13-5-1981, tại quảng trường Thánh Phero, Ali Agca nổ liên tiếp nhiều phát súng vào Đức Giáo Hoàng.

Y đứng cách Giáo Hoàng 20 m và hai viên đạn 9mm gây thương tích ở bụng, cùi tay bên phải và ngón tay trỏ ở bàn tay trái.

Rất may, viên đạn đã đi theo một quỹ đạo mà dư luận nói là rất khác thường! Chính Ngài đã nói "một người nổ súng một người khác lại hướng dẫn quỹ đạo viên đạn".

Ngài không cho phép mở phiên tòa để kết tội kẻ mưu sát. Ngài đã đến thăm kẻ giết mình và chuyện trò với Ali Agca trong 20 phút bằng tiếng Italia. Kết thúc cuộc trò chuyện, kẻ sát nhân đã quỳ xuống hôn tay Ngài! Cái lần gặp nạn ấy đã làm sức khoẻ ngài xấu đi nhiều.

Ngày 4 -5 -1998, một vụ mưu sát nữa lại nhằm vào Ngài. Hình như chủ mưu lại là những kẻ thân cận? Người thứ nhất chẳng phải ai xa lạ chính là Alois Estermant, chỉ huy đội vệ binh của Toà thánh.

Người thứ hai là Galadis - vợ viên chỉ huy này. Người thứ ba là hạ sĩ Cedric Tornay - thành viên của đội vệ binh Toà thánh. Kẻ nào đã dám táo gan động thủ ở nơi tôn nghiêm nhường này? Cuộc điều tra cho đến thời điểm này vẫn tắc tị?! Báo chí Toà thánh lẫn Italia đã tốn chẳng ít giấy mực về vụ này. Viên chỉ huy đội vệ binh cũng chính lại là người đã lăn xả vào cứu Ngài trong vụ mưu sát tháng 5-1981?!

(Còn nữa)

Theo Xuân Ba
Tiền phong