1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bầu cử không phải là "thần dược" cho khủng hoảng ở xứ Chùa Vàng

(Dân trí) - Cuộc phô diễn sức mạnh to lớn trên các đường phố Bangkok hôm nay của những người biểu tình chống chính phủ, vốn muốn nhổ tận rễ "chính quyền Thaksin", là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy bầu cử không thể chấm dứt xung đột chính trị dai dẳng tại Thái Lan.

Thủ tướng Yingluck ngày 9/12 đã giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.

Thủ tướng Yingluck ngày 9/12 đã giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.

Sau nhiều tuần diễn ra các cuộc biểu tình trên đường phố, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 9/12 đã thông báo quyết định giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm vào ngày 2/2/2014.

Nhưng với nhiều trong số 140.000 người biểu tình xuống đường ở thủ đô Bangkok, đưa Thái Lan thoát khỏi sự ảnh hưởng của bà Yingluck và người anh trai Thaksin Shinawatra - vị thủ tướng bị lật đổ trong cuộc đảo chính 7 năm trước - là mục tiêu lớn hơn chuyện giữ vững nền dân chủ.

"Chúng tôi không muốn bầu cử", Kamlai Supradith, 70 tuổi, người đã tham gia biểu tình chống chính phủ hơn 1 tháng qua, cho biết.

"Chúng tôi muốn tống cổ cả gia đình họ. Họ thật tồi tệ. Họ làm tổn thương đất nước này và thậm chí không kính trọng Quốc Vương... Chúng tôi phải nhổ tận rẽ", ông Kamlai nói.

Trong những năm gần đây, những chia rẽ về địa lý và giai cấp sâu sắc trong xã hội Thái Lan đã gây ra sự căm ghét giữa những người sống ở vùng nông thôn, tầng lớp lao động ủng hộ ông Thaksin và tầng lớp trung lưu sống, thượng lưu sống ở đô thị và trung thành với hoàng gia.

Các đảng ủng hộ ông Thaksin đã giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ năm 2001, mà gần đây nhất là chiến thắng áp đảo của Thủ tướng Yingluck hồi năm 2011 mặc dù người anh trai đang sống lưu vong ở nước ngoài.

Vấp phải các thất bại liên tiếp trong các phòng phiếu, dường như những người biểu tình chống chính phủ muốn bầu cử, David Streckfuss, một giảng viên đại học tại Thái Lan, nhận định.

Một chính phủ đoàn kết dân tộc sau cuộc bầu cử có thể là một khả năng, nhưng cũng có thể là một cuộc đảo chính quân sự, mặc dù khả năng thứ 2 ít xảy ra, ông David nói thêm.

"Quân đội vẫn nhớ rằng cuộc đảo chính năm 2006 không đạt được mục tiêu là loại bỏ ông Thaksin. Thực tế, cuộc đảo chính có vai trò trong việc làm suy yếu những người ủng hộ Thaksin về mặt chính trị. Một cuộc đảo chính mới có thể bị phản đối và dẫn tới sự chia rẽ sâu sắc hơn", ông David nhận định.

"Nền dân chủ không có tác dụng"

Nhiều người biểu tình đã kêu gọi một "chính phủ của nhân dân" mà không cần bầu cử, với các thành viên có thể được các công tố viên chọn lựa và sau đó do Quốc Vương phê chuẩn - một yêu cầu bị Thủ tướng Yingluck bác bỏ là trái với hiến pháp.

"Nền dân chủ không có ý nghĩa gì tại Thái Lan lúc này. Thaksin đã phá hoại nền dân chủ của chúng tôi", Eddy, một người biểu tình, cho biết.

Ông Eddy đã nhắc lại cáo buộc lâu nay của phe đối lập - vốn bị nhiều chuyên gia độc lập bác bỏ - rằng chiến thắng của ông Thaksin trong các cuộc bỏ phiếu chỉ nhờ vào việc mua phiếu tràn lan.

"Chỉ có tầng lớp trung lưu mới biết chính trị là gì. Họ phải quyết định. Chúng tôi là một lực lượng có thể hàn gắn lại Thái Lan", Eddy nói.

Lòng căm ghét sâu sắc đối với gia đình Thaksin là một tín hiệu rõ ràng trong các cuộc biểu tình. Một số người biểu tình đã kêu gọi lưu đày hoặc thậm chí xử tử cả gia đình ông này, trong khi những người khác so sánh họ với trùm phát xít Đức Adolf Hitler.

Ôn Thaksin được nhiều người ở ngoại ô Bangkok ủng hộ, đặc biệt là người dân ở phía bắc và đông bắc Thái Lan, bởi các chính sách ủng hộ người nghèo.

Nhưng cựu chính trị gia tỷ phú cũng bị tầng lớp thượng lưu, trung lưu ở Bangkok và người dân miền nam Thái Lan chỉ trích. Ông Thaksin còn bị coi là tham nhũng và là mối đe dọa đối với chế độ quân chủ.
 
Đòi hỏi của lãnh đạo biểu tình là vô lý
 
Sự căm ghét này sẽ đi đến đâu là một câu hỏi chưa có lời giải, trong khi lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ tiếp tục điều mà ông này miêu tả là "cuộc cách mạng của nhân dân" nhằm chống lại chính phủ dân cử.

"Điều mà ông Suthep muốn là nhằm loại bỏ gia đình Shinawatra khỏi Thái Lan và sau đó nhổ tận rễ chính quyền Thaksin. Điều này tất nhiên là vô lý", nhà cựu ngoại giao Thái Pavin Chachavalpongpun và hiện là giảng viên tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Kyoto, Nhật Bản, nói.

"Kể từ bây giờ mọi chuyện sẽ trở nên không dễ dàng", ông Chachavalpongpun cho biết, nói thêm rằng đảng Dân chủ đối lập "thậm chí không có kế hoạch gì thêm ngoài việc biến tình hình trở nên khó kiểm soát".

Khó khăn cho bà Yingluck lúc này là đảng Dân chủ có thể tẩy chay bầu cử, kéo dài cuộc khủng hoảng, chuyên gia Chris Baker, đồng tác giả một cuộc hồi ký của ông Thaksin, nói.

Đối với nhiều người biểu tình, trong đó có Eddy, bầu cử giờ đây là không thích hợp.

"Đây không phải là nền dân chủ. Đây là vì cái tốt và cái xấu", Eddy nói.

An Bình
Theo AFP