1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ: Lịch sử về phe Cộng hòa?

(Dân trí) - Trước ngày Mỹ bầu cử giữa nhiệm kỳ, hơn nửa số cử tri được hỏi nói “sẽ gửi một thông điệp” tới Tổng thống Obama. Liệu đây có báo hiệu một tương lai không mấy tốt đẹp cho đảng Dân chủ cầm quyền hiện đang nắm giữ Hạ viện, Thượng viện và Nhà Trắng?

 
Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ: Lịch sử về phe Cộng hòa? - 1
Tổng thống Mỹ kêu gọi Quốc hội cùng nhau hợp tác để giải quyết vấn đề thất nghiệp, cho dù kết quả bầu cử vào ngày 2/11 có thế nào

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày mai, 2/11, cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế của Hạ viện, 37 trong 100 ghế tại Thượng viện và 37 trong 50 ghế thống đốc bang. Hiện nay, đảng Dân chủ của ông Obama đang nắm quyền ở cả hai cơ quan lập pháp, nhưng họ chỉ có một đa số mỏng manh. Trong khi đó, đảng Cộng hòa hy vọng sẽ giành được đa số trong Quốc hội hoặc ít nhất là tiếp tục làm suy yếu thêm đa số của Đảng Dân chủ. Hy vọng của phe này là có cơ sở.

Nhiệm kỳ tổng thống ở Mỹ kéo dài 4 năm. Theo truyền thống, đảng nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng thường bị mất ghế trong cuộc bầu cử vào năm thứ hai của nhiệm kỳ tổng thống, bất luận tỷ lệ ủng hộ tổng thống đương nhiệm cao hay thấp. Trong khi đó, thực tế là những người Dân chủ đã bị đẩy vào thế phòng ngự trong suốt một năm qua ở hầu hết các bang do tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama giảm mạnh, thâm hụt ngân sách liên bang tăng cao và do chính phủ ủng hộ chương trình kích thích kinh tế cả gói, đổ tiền ra mua lại các tập đoàn công ty và cải tổ sâu rộng chương trình bảo hiểm y tế. Người ta cho rằng lịch sử đang đứng về phía đảng Cộng hòa.

Kinh tế - với tỷ lệ thất nghiệp cao, làn sóng tịch biên nhà, hàng loạt ngân hàng phải đóng cửa và doanh nghiệp phá sản - đang là chủ đề trọng tâm trong chiến dịch vận động của đảng Dân chủ và của Tổng thống Barack Obama. Điều này lại bổ sung thêm một thế bất lợi nữa cho đảng của ông Obama. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 ở mức 9,6% và có thể lên tới 12% nếu tình hình tồi tệ hơn. Chính phủ đã cố gắng khắc phục bằng việc đưa ra các khoản kích thích và các gói cứu trợ lớn. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn không giúp tạo được việc làm. Hầu hết người dân Mỹ muốn khiển trách chính quyền. Phần đông cử tri Mỹ tin rằng đất nước đang đi sai hướng và tâm lý chống những người đương nhiệm đang rất mạnh, dù những người Dân chủ nói rằng họ phải kế thừa nền kinh tế tồi tệ hơn nhiều so với dự tính và nếu không có các chính sách của họ, tỷ lệ thất nghiệp còn cao hơn nữa.

Những người Cộng hòa còn có một lợi thế nữa để hy vọng, đó là tác động của phong trào Tea Party, đại diện cho phong trào phản kháng từ quần chúng mà hiện không còn nhẹ nhàng nữa, với chiến dịch đòi giảm thuế và cắt giảm chi tiêu. Những người Cộng hòa, cùng với liên minh của họ là Tea Party và nhiều tổ chức độc lập đã đổ lỗi cho chính quyền Obama đẩy kinh tế vào suy thoái kéo dài. Tea Party không chính thức thuộc Đảng cộng hoà, nhưng những người ủng hộ phong trào này lại chính là những đảng viên bảo thủ của đảng Cộng hoà.

Hàng chục cuộc đua vào Thượng và Hạ viện rất sít sao, tới mức khó có thể dự báo kết quả. Các ủy ban bầu cử của hai đảng và các nhóm vận động đang đổ hàng triệu USD vào chiến dịch tranh cử vào phút chót để lôi kéo cử tri, vốn đã mất cảm tình với Washington trong suốt một năm qua. Các cuộc thăm dò công luận hồi đầu tháng 10 cho thấy đảng Cộng hòa sẽ thắng ghế tại cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện và chắc sẽ trở thành khối đa số tại Hạ Viện. Còn các cuộc thăm dò độc lập của The New York TimesThe Cook Political Report lại cho thấy hai đảng vẫn đang ganh đua quyết liệt 40 ghế, nên đảng Dân chủ vẫn còn khả năng duy trì đa số ghế của họ tại Hạ viện.

Điều rõ ràng là ít có khả năng tâm lý của cử tri sẽ thay đổi trong ngày bầu cử. Người ta tin rằng xu hướng cảm tình đã hình thành từ nhiều tháng trước và nếu như vậy, trong cuộc bầu cử ngày 2/11 này, đảng Cộng hòa gần như chắc chắn giành lại quyền kiểm soát Hạ viện và loại bà Nancy Pelosi khỏi ghế Chủ tịch. Đảng Cộng hòa cũng nhiều khả năng giành thắng lợi quan trọng tại Thượng viện, nhưng ít có khả năng giành được 10 ghế mà đảng Dân chủ đang kiểm soát để chiếm đa số. Triển vọng “trên cơ” của đảng Cộng hòa trong các cuộc đua vào ghế thống đốc bang cũng rất sáng sủa.

Trường hợp phe Cộng hòa giành lại các cơ quan lập pháp sẽ là một đòn mạnh giáng vào Tổng thống Barack Obama hai năm sau khi ông bước chân vào Nhà Trắng. Thất bại này của Dân chủ sẽ cản trở chương trình nghị sự của Tổng thống Obama và mở ra giai đoạn giằng co trong tiến trình lập pháp. Không thể trông đợi vào sự hợp tác vì sự chia rẽ đảng phái trong chính trường Mỹ hiện rất nghiêm trọng. Các nghị sỹ Cộng hòa phản đối nhiều việc làm mà Chính quyền Obama đã thực hiện, cam kết sẽ tìm cách vô hiệu hóa luật cải cách y tế, giữ nguyên việc cắt giảm thuế dưới thời Tổng thống Bush... Đảng Dân chủ thực sự đang phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu chống lại Obama.

Nguyễn Viết
Tổng hợp