1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bất ổn trên thế giới: Nhất Somali, nhì Sudan

(Dân Trí) - Căn cứ theo các đánh giá về chính trị, quân sự, kinh tế và xã hội, báo Anh và Quỹ vì Hoà bình vừa công bố báo cáo mới nhất khẳng định Somalia đang dẫn đầu danh sách các nước bất ổn nhất trên thế giới trong năm nay.

Trong Top 3 của danh sách này còn có Sudan, tiếp đó là Zimbabue.

  

Chiến trường Somalia

 

Sau hơn 16 năm nội chiến khiến hơn 300.000 người thiệt mạng, một nền hoà bình cho "chiến trường Somalia" dường như là một điều quá xa vời. Theo Cao ủy về người tỵ nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR), từ nay đến cuối năm 2008, số người Somalia phải bỏ nhà cửa sẽ vượt quá 600.000.

 

Thủ đô Mogadishu đang được coi là nơi nguy hiểm nhất thế giới với những vụ bạo lực diễn ra hàng ngày với mục tiêu chủ yếu nhằm vào các lực lượng an ninh hay binh lính Etiopia (được điều động sang trợ giúp Chính phủ liên bang lâm thời Somalia), nhưng nạn nhân đa số lại là dân thường vô tội. Diễn biến mới với những nguy cơ xung đột tiềm ẩn chắc chắn sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu được xét trong bối cảnh chiếm đóng của quân đội Etiopia, các vụ thanh trừng sắc tộc và ám sát có mục tiêu nhằm vào giới truyền thông một cách có hệ thống, tình trạng cướp bóc tràn lan, các cuộc nổi dậy bạo lực tàn nhẫn... Đó là chưa kể đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gây ra nạn đói thường xuyên và sự di cư của hàng trăm nghìn thường dân Somalia.

 

Theo giới phân tích, chắc chắn mâu thuẫn và xung đột phe phái giữa các nhóm vũ trang Somalia, bao gồm cả Hồi giáo và phi Hồi giáo, sẽ xuất hiện trở lại sau khi các lực lượng Etiopia rút lui. Thậm chí ngay từ bây giờ đã có nhiều dấu hiệu về mâu thuẫn khi các nhóm tranh giành nhau vai trò lãnh đạo cũng như địa bàn ảnh hưởng.

 

Somalia được cho là không có dầu mỏ và chỉ có khoảng 60 mét khối khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, dựa vào một báo cáo phân tích về kết quả thăm dò trước đó, Range Resources, một công ty dầu mỏ nhỏ đóng tại Ôxtrâylia có mối quan hệ chặt chẽ với Chính quyền Puntland, ước tính rằng khu vực này có thể chứa 5-10 tỷ thùng dầu.

 

"Địa ngục trần gian" ở Sudan 

 

Gần 4,3 triệu người trong tổng số 6 triệu dân Darfur đã bị ảnh hưởng của cuộc xung đột. Khoảng 200.000 người bị thiệt mạng; gần 2,5 triệu người phải đi sơ tán. Trong những tháng đầu năm nay 2008, thêm 100.000 người nữa đã phải bỏ nhà ra đi. Bầu không khí thù địch bao trùm khắp Darfur, giữa các đảng phái, trong nội bộ các băng nhóm và giữa các nhóm sắc tộc. Tình trạng vi phạm nhân quyền là phổ biến, trong khi các vụ tấn công qua biên giới thường xuyên xảy ra.

 

Đặc trưng của Darfur hiện nay là mất an ninh, không có luật pháp và tội ác không bị trừng phạt. Ảnh hưởng của tình trạng này tới cuộc sống của người dân là không thể tưởng tượng. Theo Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP), hơn 70% dân chúng Darfur không đủ ăn. LHQ cho rằng Darfur đã trở thành “địa ngục trần gian” và là “một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới”.

 

Tính đến nay, cuộc xung đột tại Dafur đã bước sang năm thứ 6 mà cộng đồng quốc tế vẫn chưa tìm được giải pháp bền vững cho cuộc xung đột này.

 

Không những thế, khu vực bất ổn Darfur còn gieo mầm bạo lực cho các quốc gia láng giềng như CH Chad, CH Trung Phi và làm gia tăng căng thẳng ở miền Nam Sudan.

 

Khu vực Darfur Hồi giáo nằm ở miền Tây Sudan, giáp miền Đông CH Chad. Đây không chỉ là vùng đất nông nghiệp trù phú, đất đai màu mỡ  mà còn là nơi tập trung trữ lượng  dầu mỏ lớn nhất của Xuđăng.

 

Ở Darfur tồn tại hai tộc người chính: người Arập và những người không phải Arập. Quá trình sa mạc hóa lan rộng đã khiến cho những người du mục Arập tranh giành với những người nông dân Châu Phi da đen về nguồn cung cấp nước và đồng cỏ vốn rất khan hiếm. Kể từ đó, khu vực này tràn ngập vũ khí và đạn dược được đưa vào từ biên giới thông qua Chad và Lybia.

 

Những tỷ phú cơ cực ở Zimbabue

 

Hơn 60 triệu đôla cho một bữa sáng. Chỉ một con số này cũng đủ chứng minh "tin đồn" rằng kể cả một bác nông dân Zimbabue nghèo nhất cũng là tỷ phú. Cũng có mặt tích cực là dân Zimbabue rất hiếm người bị chứng hạ đường huyết khi đã quá quen "ù tai chóng mặt" với mọi giá trị đều mang tính thời sự ở đất nước này. Về mặt lý thuyết, mỗi USD ăn 42.000 đôla Zimbabue, nhưng giá thực tế ở chợ đen tịnh tiến vù vù, có thể gấp gần 2.000 lần tỷ giá được cho là chính thức.

 

Hai mươi bảy năm về trước, sự ra đời của một nhà nước Zimbabue độc lập do chính những người da đen làm chủ đã đem lại sự vui mừng và hy vọng tràn đầy cho những người dân. Nhưng giờ đây, tâm trạng đó đã hoàn toàn trái ngược khi mà đất nước này đang phải đối mặt với sự sụp đổ về thể chế và khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

 

Đất nước châu Phi này có nền kinh tế bị tham nhũng không thể điều khiển nổi và một tỷ lệ lạm phát tồi tệ nhất thế giới hiện nay. Trong tháng 4/08, tỷ lệ lạm phát của nước này đã vọt lên mức cao chưa từng thấy - hơn 200.000%. Ngân hàng trung ương Zimbabue phải liên tục đưa vào lưu hành các tờ giấy bạc mới với mệnh giá cực lớn - kiểu như 10 triệu đôla Zimbabue. Nhưng giá trị của tờ tiền mới "to đùng" này chỉ tồn tại được vài tuần.

 

Kinh tế Dimbabuê rơi vào suy thoái trong 8 năm trở lại đây, do lạm phát phi mã và thiếu các lương thực cơ bản, như đường và dầu ăn. Hiện Dimbabuê đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng kinh tế, xuất phát từ tình trạng lạm phát phi mã, mức độ nghèo đói gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức khoảng 80% và việc thường xuyên thiếu hụt nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu, như các loại thực phẩm làm từ ngô.                                                              

 

Thu Hằng

Tổng hợp