1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bật lửa Zippo và ngọn lửa vĩnh cửu từ cuộc chiến Việt Nam

(Dân trí) - “Thật tệ”, Bradford Edwards nói, mặc dù đây như có vẻ không ăn nhập gì với những gì đã là hiển nhiển, “Thật tệ là tôi lại bị ám ảnh vì những chiếc bật lửa Zippo tại Việt Nam”.

Bradford Edwards năm nay 52 tuổi, họa sĩ người Mỹ. Nhưng phần lớn thời gian ông lại dành cho việc sáng tác tại Hà Nội với những tác phẩm nghệ thuật từ những đồ vật cũ.

 

Thân phụ ông là Roy Jack Edwards, một cựu phi công trong cuộc chiến tại Việt Nam trước đây. Dù ông đã qua đời năm ngoái, nhưng với Bradford Edwards, cha ông vẫn là một hình tượng thật xa xôi và kỳ bí.

 

Bradford Edwards không trải qua cuộc chiến tại Việt Nam nhưng sự ám ảnh của ông với những chiếc bật lửa Zippo không chỉ đơn thuần là với một vật dụng xinh xắn sinh ra để mồi thuốc lá.

 

Ông sưu tầm hàng ngàn chiếc Zippo, ông nghiền ngẫm chúng; ông hoan hỷ đón nhận chúng, những hình tượng nhỏ bé. Ông tìm kiếm ý nghĩa sâu xa hơn của những dòng chữ mộc mạc khắc trên chiếc Zippo sáng bóng do những người lính Mỹ trong chiến tranh bỏ lại.

 

Với khuynh hướng có phần lập dị, ông biến chúng trở thành nghệ thuật.

 

 

Bật lửa Zippo và ngọn lửa vĩnh cửu từ cuộc chiến Việt Nam - 1
 

Bradford Edwards biến những chiếc bất lửa 

thành những tác phẩm nghệ thuật.

 

Bradford Edwards cho biết, ông bắt đầu mua những chiếc bật lửa Zippo từ đầu những năm 90 trên các con phố TP HCM và suốt 10 năm sau đó cho đến khi những chiếc Zippo thời chiến thật biến mất khỏi các cửa hàng lưu niệm.

 

“Đã có hàng ngàn chiếc Zippo qua tay tôi; có lẽ phải đến 10 ngàn chiếc”, ông nói, “Tôt thật sự chìm đắm trong chúng. Tôi hoà mình trong chúng. Nhưng tôi vẫn không mất sự vững tin vào ý nghĩa của những chiếc Zippo”.

 

Ông nói tiếp: “Cha tôi là một người lính. Tôi sinh ra và lớn lên với Việt Nam trong tôi”.

 

Nếu Việt Nam và người cha trận mạc vẫn là điều bí ẩn với ông và câu trả lời không đi theo những người đã khuất, có lẽ câu trả lời có thể thấy hiển hiện trên những chiếc Zippo.

 

“Dù tôi đi giữa thung lũng phủ đầy bóng dáng của chết chóc, tôi không run sợ ác quỷ bởi lẽ tôi là con quỷ ghê tởm nhất của thung lũng này”.

 

“Cái chết là công việc của tôi và công việc đến giờ vẫn ổn”.

 

“Tôi không sợ hãi, chỉ đơn độc”.

 

“Xin đừng nói với tôi về Việt Nam bởi vì tôi đã từng đến đó”.

 

Zippo là một chiếc bật lửa hết sức đơn giản, vuông vức, có vỏ mạ crome sáng bóng, dùng bánh răng, đá lửa và xăng, nhưng nhạy đến mức chỉ một cái búng ngón tay là ngọn lửa bùng lên kèm theo tiếng “keng” trong trẻo khi chiếc nắp bật ra hoặc đóng lại.

 

Nhưng đến Việt Nam, Zippo còn hơn là chiếc bật lửa. Chúng là biểu tượng hàm ẩn về những gì mà nhiều người lính Mỹ đã nhận ra - góc nhìn trần trụi - nhiệm vụ ngớ ngẩn mà họ phải gánh vác trong cuộc chiến tranh đó.

 

Giống như xăm trổ, những họa tiết trên Zippo được khắc một cách vội vã khi nghỉ chân bên các cột mốc chỉ đường. “Sự thuần khiết”, Bradford Edwards nói, “Nghệ thuật thuần khiết, không tham vọng, một cách thể hiện cái chân và trong sáng của xúc cảm"

 

‘Chúng tôi, những tâm hồn không tự hiến nguyện, do những kẻ thiếu học dẫn dắt, đang làm những việc không cần thiết cho những kẻ vô ơn’ .

 

 Trong nghệ thuật của ông, Bradford Edwards đã có hơn 100 cách thể hiện Zippo, dùng sơn mài, vỏ trai, in lụa, khắc kim loại, khắc đá, hình hoạ, bạc lá, ảnh và rất nhiều cách khác. Với sự giúp đỡ của nhiều nghệ nhân Việt Nam trong những lĩnh vực đó, ông sắp xếp những chiếc Zippo theo hình khối, tạo những vần thơ, chụp ảnh chúng với tầng tầng lớp lớp, thậm chí sắp xếp thành một bàn tính có thể sử dụng được.

 

Tất cả đều mang một ý nghĩa nào đó. “Zippo là những vật chứng”, ông giải thích, “Và tôi đơn giản chỉ là người đưa chúng ra ánh sáng”.

 

Bradford Edwards đã trưng bày các tác phẩm của ông ở Oakland, California – nơi ông sinh sống – và tại Việt Nam. Ông cũng sẽ sớm ra mắt cuốn sách có tựa đề “Vietnam Zippo” viết về những tác phẩm này của ông.

 

Tất cả điều này, ông nói, chỉ nhằm mục đích “đi sâu, đi sâu hơn nữa vào cuộc tìm kiếm ý nghĩa của những chiếc Zippo”.

 

Ý niệm này, nghe thật to tát với vẻ thực sự nghiêm túc của ông, nhưng bản thân nó cũng phác hoạ chân dung một con người đã dành tất cả tâm huyết của mình cho những chiếc bật lửa nhỏ bé.

 

“Những dòng viết văn vẻ và dân dã, kiểu cách và châm biếm”, Bradford Edwards nói, “Có rất nhiều cảm xúc chân thật ở đây. Không phải tất cả là bỡn cợt. Cảm động, buồn bã, kích động, những xúc cảm chân thật. Đôi khi còn có cả sức mạnh siêu nhiên mạnh mẽ trong đó. Rất mãnh mẽ”

 

“Tôi biết tôi sẽ được lên thiên đường bởi vì tôi đã dành cả đời ở địa ngục: Việt Nam”.

 

“Chúng tôi không sống hay chết, chúng tôi chỉ thành khói và bay cao”.

 

“Anh sẽ không bao giờ thật sự sống cho đến khi anh gần chết”.

 

“Nếu như mi nhận được nó (chiếc Zippo) từ thây của ta, ta hy vọng nó sẽ mang lại sự may mắn cho mi giống như nó đang mang lại cho ta”.

 

Bradford Edwards cho biết hiện nay gần như không thể tìm được bật lửa Zippo thời chiến tại Việt Nam. Những chiếc Zippo cũ hiện có trên thị trường đều là hàng giả, hàng nhái ở nhiều cấp độ, trong đó có cả xuất xứ từ Trung Quốc. Ông nói: “Đã kết thúc. Không còn chiếc Zippo thật sự nào (đồ trong chiến tranh) ở Việt Nam”.

 

Nhà sản xuất Zippo cho biết, có khoảng 200 ngàn chiếc Zippo đã theo chân lính Mỹ vaò Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bradford Edwards, con số này phải lớn hơn rất nhiều. Ông cho rằng, phần lớn số Zippo còn lại ở Việt Nam chỉ là số bị rơi hoặc cho, tặng; hiếm có chiếc nào tìm được từ những người lính tử trận.

 

 

Bật lửa Zippo và ngọn lửa vĩnh cửu từ cuộc chiến Việt Nam - 2
 

Với Bradford, những chiếc bật lửa là những vật dụng

 thông thường, nhưng chúng cũng mang theo cả sự riêng tư. 

 

“Họ dùng Zippo để lấy lửa sáng, để châm thuốc, để đốt nến, đốt nhà, để mồi súng phun lửa”, Bradford Edwards nói, “Chúng là những vật dụng, nhưng chúng mang theo cả sự riêng tư”.

 

“Chúng là những minh chứng mạnh mẽ”, ông nói thêm, “những tài liệu được khắc trên thép, không tự sinh ra, không có cánh, cũng chẳng là bút hay giấy. Chúng khắc trên thép. Thứ duy nhất gần với sự trường tồn của đá”.

 

Và như vậy, với cả ngàn chiếc Zippo đã qua tay, người nghệ sĩ này có một chiếc Zippo yêu thích không? Đương nhiên là có.

 

“Tôi không phải tuýp người có một bộ phim yêu thích hay một màu yêu thích hay bất cứ điều gì yêu thích”, ông nói, “Tôi không là tuýp người đó. Tuy nhiên, tôi có thể nói với anh về chiếc Zippo yêu thích của tôi - một chiếc Zippo tuyệt nhất, một chiếc tôi sẽ không bao giờ bán.”

 

Chiếc Zippo này trên một mặt có biểu tượng chính thức của quân đội, hình ảnh chiếc thuyền máy tuần tiễu lướt sóng kèm hình đầu lâu, xương chéo. Mặt sau của chiếc bật lửa khắc chìm dòng chữ với thông điệp dường như có thay thế cho tất thảy những chiếc zippo mà ông đã sưu tập: “Bạn chưa cần phải lên thuyền” (You can surf later).

 

Bradford Edwards nói, đi thuyền tuần tra và trực thăng là những nhiệm vụ nguy hiểm nhất cho lính Mỹ. Và bao nhiêu người Mỹ đã bỏ mạng khi lướt thuyền trên sông Việt Nam?

 

“Tôi không biết người đàn ông trên chiếc thuyền, tôi không biết anh ta là ai,” ông nói, “Chúng tôi không biết liệu anh ấy có sống sót. Nhưng tôi có được chiếc Zippo này. Tôi thích nó vì ở nó không có sự kỳ bí nào cả. Nó không trái khoắy chút nào, nó không là thảm kịch hay sự buồn bã. Nó chẳng có ý nghĩa sâu xa gì hơn”.

 

“Cách duy nhất khiến anh ta vượt được qua trận chiến máu lửa hàng ngày. Móc bật lửa và thắp sáng chiếc lều dã chiến, và nhìn vào chiếc bật lửa và thầm nghĩ: “Bạn chưa cần phải lên thuyền. Tôi sẽ qua được địa ngục này”.

 

Nhã Kỳ

Theo New York Times