1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bất an nội sinh

Những vụ đánh bom mới rồi ở New York và New Jersey lại một lần nữa phơi bày những nguy cơ an ninh hiện tại đối với nước Mỹ.

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio (thứ hai, phải) và Thống đốc bang New York Andrew Cuomo (thứ ba, phải) tại hiện trường vụ nổ ở khu vực Chelsea ngày 18/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio (thứ hai, phải) và Thống đốc bang New York Andrew Cuomo (thứ ba, phải) tại hiện trường vụ nổ ở khu vực Chelsea ngày 18/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đánh bom và nổ súng đã từ nhiều năm nay không còn là chuyện hiếm xảy ra ở Mỹ nữa mà đã trở nên rất thường xuyên với hình thức và quy mô khác nhau, mục tiêu và bản chất cũng không hoàn toàn giống nhau, gây ra thiệt hại và hậu quả với mức độ khác nhau. Nhưng chúng đều giống nhau ở một điểm là khiến nước Mỹ bất an, bất ổn và đều có nguyên do nội sinh từ bên trong nước Mỹ.

Mối bất an bất ổn hiện tại ở nước Mỹ hội tụ ba đe doạ an ninh đối với nước Mỹ.

Thứ nhất là nguy cơ bị tấn công khủng bố. Kể từ sau sự kiện ngày 11-9-2001, nước Mỹ không còn bị tấn công khủng bố ở trên lãnh thổ nước Mỹ bởi những kẻ khủng bố từ bên ngoài nhập cảnh vào Mỹ. Thay vào đó là những phần tử khủng bố sinh ra và lớn lên ở Mỹ hoặc đã từng sống như người Mỹ ở Mỹ, trở thành kẻ khủng bố sau thời gian dài sinh sống ở Mỹ. Đối phó với diện này khó hơn nhiều so với đối phó những kẻ khủng bố ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ nước Mỹ đối với nước Mỹ.

Thứ hai là nguy cơ bất an bất ổn từ sự đối kháng giữa người da màu và cảnh sát da trắng ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Thực chất ở đây là phân biệt đối xử và chủng tộc, là luật pháp thiên vị người da trắng nên sự công bằng chỉ là giả tạo. Sự đối kháng này đã gia tăng mức độ và đa dạng hình thức đến mức rất dễ dàng bị bạo lực hoá. Nó chẳng khác gì căn bệnh trầm kha mà nước Mỹ đến nay vẫn chưa chữa khỏi. Nó thậm chí còn có thể trở nên trầm trọng hơn bởi phân biệt đối xử và sắc tộc thậm chí còn đã bị lạm dụng dưới chiêu bài chống khủng bố ở Mỹ.

Thứ ba là sự chống đối của người Hồi giáo cực đoan ở Mỹ, không phải khủng bố mà chống đối, sử dụng cả các biện pháp chính trị và dư luận lẫn bạo lực. Họ dễ dàng bị kích động và cực đoan hoá khi bị phỉ báng và xúc phạm, khi bị đổ đồng là khủng bố.

Cả ba nguy cơ ấy đều nội sinh trong lòng nước Mỹ, trong nội bộ xã hội nước Mỹ và trong chừng mực nhất định còn là chính hậu quả của chính những chính sách của Mỹ. Muốn khắc phục chúng thì phải thay đổi cơ bản mà nước Mỹ hiện tại xem ra không thể và không sẵn sàng thay đổi.

Theo Mục Phu

Đại đoàn kết