1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Nhật đánh giá khả năng Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Senkaku

(Dân trí) – Trước nguy cơ căng thẳng Trung - Nhật có thể bùng phát thành cuộc đối đầu quân sự, báo chí Nhật Bản đã đưa ra những phân tích đánh giá khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực chiếm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Báo Nhật đánh giá khả năng Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Senkaku

Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Senkaku/Điều Ngư.

 

Báo Yomiuri của Nhật Bản đăng bài viết của cựu Chỉ huy đội tàu chiến Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản, ông Yoji Koda, cho rằng nếu tình hình quanh chuỗi đảo không có người ở này tiếp tục bị kéo căng như hiện nay thì nguy cơ bùng nổ chiến tranh nóng là điều rất khó tránh khỏi.

Theo tác giả bài báo, một khi xung đột nổ ra, Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Tokyo quản lý, nhưng cả Trung – Đài đều đòi chủ quyền.

Cuộc chiến ấy, nếu xảy ra, sẽ theo kịch bản như sau:

Đầu tiên, Trung Quốc “lùa” các tàu dân sự trá hình tiến hành đánh bắt cá phi pháp ở quy mô lớn ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc ngay trong lãnh hải của Nhật Bản.

Sau đó, Bắc Kinh lệnh cho các tàu này lần lượt tiếp cận và đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Sau khi đợi các tàu cá “đổ bộ” xong, các tàu tuần duyên và ngư chính của Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát thực tế bằng cách phối hợp hành động để bảo vệ và chi viện cho các tàu cá.

Trong quá trình đánh chiếm đó, Trung Quốc sẽ không từ bất kỳ thủ đoạn gì để đạt bằng được mục tiêu chiếm giữ Senkaku/Điếu Ngư.

Theo tác giả Yoji Koda, không phải bây giờ mà ngay từ đầu năm nay, Trung Quốc đã bắt đầu tuyên bố rõ ý đồ sẽ “sớm giành lại quyền kiểm soát hiệu quả” quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Để thực hiện ý đồ này, Trung Quốc sẽ lặp lại kịch bản trong trận hải chiến Midway giữa Mỹ và Nhật Bản năm 1942.

Theo đó, Trung Quốc sẽ bắt chước cách thức của quân đội Mỹ trước đây là thực hiện kế hoạch tác chiến “kiềm chế và gây rối” bằng cách tấn công và quét sạch các đảo mà Tokyo đang kiểm soát. Các vụ tấn công như thế sẽ được thực hiện hoàn toàn bất ngờ và lặp lại nhiều lần cho tới khi đối phương cảm thấy mệt mỏi.

“Đối chiếu vụ hải chiến Midway với tình hình hiện nay ở Senkaku, Trung Quốc sẽ điều quân đặc nhiệm đổ bộ bất ngờ và chiếm đóng quần đảo Senkaku. Số quân này sẽ được bí mật đổ bộ lên đảo từ tàu ngầm hoặc bằng đường không để thực hiện tác chiến chiếm quần đảo từ ‘điểm mù’ trong chế độ cảnh giới của lực lượng bảo vệ bờ biển”, tác giả Yoji Koda cảnh báo.

Theo tác giả, trong trường hợp xấu nhất, khi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản phát hiện ra sự hiện diện của lính Trung Quốc trên đảo thì “cờ hồng 5 sao”của Trung Quốc đã được cắm trên đỉnh núi và hình ảnh này sẽ được truyền trực tiếp qua vệ tinh về Bắc Kinh với thông tin rằng “quân đội Trung Quốc đã giành lại được chủ quyền và kiểm soát hiệu quả quần đảo Senkaku”. Thông tin này cũng sẽ được Trung Quốc lập tức phát đi trên toàn thế giới và sau đó, quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến đấu giữ đảo một cách không khoan nhượng.

Trong trường hợp này, nếu Nhật Bản đối phó chậm trễ, quân đội Nhật sẽ mất thời điểm triển khai lực lượng phòng vệ và phát động Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Đó là chưa kể, người Trung Quốc luôn có câu cửa miệng “nước xa không cứu được lửa gần” mỗi khi ám chỉ việc các nước láng giềng hay các nước trong khu vực muốn tìm kiếm chiếc ô bảo vệ từ phía Mỹ.

“Trung Quốc là nước nắm quyền chủ động lựa chọn và phát động hành động”,  cựu Chỉ huy đội tàu chiến Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cảnh báo.

Theo ông, nếu Nhật Bản không chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra, kể cả việc phải đối phó với một tình huống quân sự bất ngờ ở Senkaku/Điếu Ngư, thì sớm muộn cũng sẽ sẽ phải trả giá đắt.

“Đừng bao giờ nói rằng điều ngoài giả định sẽ không xảy ra”, ông Yoji Koda kết luận sau khi nhắc nhở về bài học thảm họa động đất – sóng thần xảy ra hồi tháng 3 năm ngoái ở Nhật Bản, sự kiện đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người dân Nhật Bản cũng chỉ vì các cơ quan chức năng không tính tới các biện pháp phòng ngừa cho những tình huống mà họ cho là sẽ không, hoặc khó có thể xảy ra.

Đức Vũ