Báo Nga: Nếu có chiến tranh, Mỹ sẽ đánh bại Trung Quốc trong 1 giờ
(Dân trí) - Nếu nổ ra chiến tranh hạt nhân với Mỹ, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ bị đánh bại chỉ trong vòng 1 giờ do thua kém đối phương về công nghệ và lực lượng, một tạp chí tại Nga khẳng định.
Các chuyên gia quân sự khắp thế giới thời gian qua luôn khẳng định rằng Mỹ không nên đánh giá thấp tiềm lực hạt nhân của Quân đoàn pháo binh số 2, hay lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc.
Tuy vậy, theo tờ Expert của Nga, thì rất nhiều công nghệ đang được PLA sử dụng đã có từ thời Liên Xô (cũ). Bài báo cho biết thêm rằng công nghệ tên lửa hiện đại nhất của Trung Quốc cũng có được từ các chuyên gia hạt nhân của Nga và Ukraine, những người đã đào tẩu sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Trung Quốc hiện vẫn chưa thể xây dựng được năng lực hạt nhân với 3 trụ cột đủ khả năng thách thức Mỹ. Những trụ cột này bao gồm các máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo liên lục địa và các tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.
Quân đoàn pháo binh số 2 của PLA hiện cũng không thể so kè với Mỹ về số lượng đầu đạn hạt nhân, bài báo khẳng định, và dự báo Trung Quốc có khả năng thất thủ chỉ trong vòng 1 giờ nếu nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực với Mỹ.
Vasily Kashin, chuyên gia của Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, có trụ sở tại Mátxcơva, cho biết tên lửa các Đông Phong 5 của Trung Quốc mà Quân đoàn pháo binh số 2 đang được trang bị có khả năng bắn tới lục địa Mỹ. Tuy nhiên, PLA sẽ cần tới ít nhất 2 giờ để có thể bắn được những tên lửa kém ổn định, hoạt động bằng nhiên liệu lỏng này.
Điều đó có nghĩa là tên lửa của PLA có thể bị đối phương dễ dàng xóa sổ ngay cả khi chưa rời bệ phóng. Trong khi đó tên lửa Đông Phong 4 lại chỉ có tầm bắn 5.500 km, và không đủ khả năng vươn tới Mỹ, Kashin khẳng định.
Tạp chí trên cho biết, hiện Trung Quốc đang phát triển tên lửa DF-31A, một phiên bản tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cơ động, sử dụng nhiên liệu rắn với tầm bắn 11.000 km. Tên lửa này có thể vươn tới các thành phố quan trọng trên Bờ Tây của Mỹ, bao gồm Los Angeles.
Dù vậy thì Mỹ hiện có tới ít nhất 2000 ICBM tiên tiến tương tự DF-31A. Bên cạnh đó, cả DF-31 và DF-31A đều chỉ có thể mang 1 đầu đạn hạt nhân.
Các ngồn tin cũng cho rằng Trung Quốc đang dành nguồn lực phát triển DF-41, với tầm bắn lên tới 14.000 km. Một quả DF-41 có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, Expert viết và cho biết thêm rằng loại tên lửa mới này sẽ chưa thể đưa vào biên chế của PLA trong tương lai gần. Trung Quốc sẽ phải mất từ 20 – 30 năm để triển khai các ICBM tới tiền tuyến sau đợt phóng thử đầu tiên, tạp chí này nhận định.
Đó là với các tên lửa liên lục địa. Còn đối với hạm đội tàu ngầm có khả năng mang tên lửa đạn đạo, theo tạp chí này, tàu ngầm Type 094 lớp Tấn được trang bị tên lửa JL-2,có tầm bắn 8000 km. Các nhà phân tích của Lầu năm góc cho rằng, năng lực của Type 094 chỉ có thể so sánh với các tàu ngầm thập niên 1970 của Liên Xô cũ. Trong khi đó cũng phải mất tới 5 năm nữa, hải quân PLA mới có thể đưa chiếc tàu ngầm lớp Tấn đầu tiên vào biên chế.
Trong khi đó, trụ cột còn lại trong 3 trụ cột của lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược là các máy bay ném bom chiến lược thì Trung Quốc chỉ có các máy bay ném bom H-6K, với thiết kế dựa trên mẫu Tupolev Tu-16 của Liên Xô cũ. Mẫu máy bay này được sản xuất từ những năm 1950.
H-6K được nâng cấp thêm bằng động cơ D-30KP và tên lửa hành trình CJ-10, nhưng Trung Quốc vẫn không thể phát triển một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp đặt trên mẫu máy bay ném bom chiến lược này, Expert nhận định.
Thanh Tùng
Theo Want China Times