1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Mỹ viết về nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama

Bầu cử Mỹ đang vào chặng cuối, truyền thông Mỹ đánh giá ông Barack Obama trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống.

Los Angeles Times kể những "thành tựu" của Obama

Tờ báo Mỹ Los Angeles Times vừa đăng tải bài viết đánh giá về các hoạt động của ông Barack Obama trong hai nhiệm kỳ làm Tổng thống Hoa Kỳ.

Theo ý kiến của các quan sát viên của tờ báo này, ông Obama đã không đạt được khá nhiều mục tiêu ông đã đặt ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO đầu tiên, mà ông tham dự với tư cách là Tổng thống Mỹ.

Đầu tiên, tờ báo cho rằng, ông Barack Obama đã không thể cắt giảm lực lượng Hoa Kỳ tại Afghanistan. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang chuẩn bị cho nhiệm vụ sứ mệnh tiếp theo ở Afghanistan, từ đó nghiễm nhiên là Hoa Kỳ sẽ ở lại địa bàn này trong thập niên thứ ba.

Los Angeles Times cho rằng, phong trào Taliban hiện nay đang kiểm soát được nhiều lãnh thổ hơn là 15 năm trước khi quân Mỹ xâm nhập vào đất nước. Đồng thời, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và al-Qaeda cũng đang kiểm soát một phần đất nước này.

Sự hiện diện của quân đội NATO mà chủ yếu là Mỹ ở Afghanistan rõ ràng là không khiến cho an ninh của quốc gia châu Á này được tăng cường mà còn thêm hỗn loạn, kinh tế suy sụp, đời sống nghèo đói, biến thành một trung tâm trồng và buôn lậu thuốc phiện hàng đầu thế giới.

Thứ 2, tờ báo cho rằng, trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Obama cũng không thiết lập được cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Nga, khiến quan hệ giữa 2 bên không những không được cải thiện mà ngày càng trở nên tồi tệ.

Hiện NATO đang mở rộng hiện diện quân sự ở Đông Âu với quy mô chưa từng thấy từ thời Chiến tranh Lạnh.

Bài báo đề cập đến việc Mỹ đang triển khai hệ thống NMD hoạt động ở các quốc gia Đông Âu là Romania và Ba Lan, bất chấp lời cam đoan của chính ông Obama bảy năm về trước là một hệ thống như vậy sẽ không bao giờ xuất hiện tại Ba Lan hoặc Cộng hòa Séc.

Đồng thời, khối này vẫn đang tích cực tiến về phía đông áp sát biên giới phía Tây của nước Nga bằng cách tăng cường kết nạp các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, xây dựng thêm căn cứ quân sự, tăng cường vũ khí nặng và binh lính đến các nước này.

Ông Barak Obama đã trải qua 2 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ và nhận giả Nobel hòa bình năm 2009
Ông Barak Obama đã trải qua 2 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ và nhận giả Nobel hòa bình năm 2009

Những điều đó đã khiến Moscow cũng tăng cường thêm quân bị ở các khu vực Crimea và Kaliningrad, Biển Đen, Biển Baltic, Biển Bắc, đồng thời đưa ra các biện pháp đáp trả đẩy quan hệ 2 bên ngày càng căng thẳng, có thể dẫn đến cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô nhỏ.

Rõ ràng đây là những điều thất hứa của ông Obama nhưng thực chất nó chính là những sai lầm chiến lược trong đường lối lãnh đạo đất nước, khiến Hoa Kỳ vướng vào những rắc rối khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn, khiến những người kế nhiệm ông sẽ rất vất vả.

Dấu ấn Obama tại Trung Đông

Đích thân ông Obama cũng đã từng “gọi tên” một số sai lầm của mình. Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ cũng đã thẳng thắn tuyên bố trên kênh truyền hình Fox News rằng, sai lầm tồi tệ nhất trong suốt 2 nhiệm kỳ lãnh đạo nước Mỹ của mình là cuộc can thiệp vào Libya.

Ông Barack Obama cho rằng, sự thất bại ngay sau khi can thiệp vào Libya là điều đã ám ảnh ông, mặc dù trước đó ông đã cho rằng đó là giải pháp đúng.

Tình trạng bất ổn ở Libya bắt đầu vào tháng 2/2011, sau đó là cuộc không kích của Liên quân do Mỹ đứng đầu vào tháng 6/2011, dẫn đến sự thất bại và bị sát hại của nhà lãnh đạo đất nước Libya là Đại tá Muammar Gaddafi.

Kết quả của cuộc can thiệp quân sự này đã dẫn đến việc đất nước Libya biến thành một đống đổ nát và hỗn loạn, đất nước chia thành hai phe đối lập nắm giữ miền Đông và miền Tây chống đối lẫn nhau.

Hiện tại ở Libya vẫn tiếp diễn cuộc đấu tranh vũ trang giữa các lực lượng ủng hộ Hồi giáo và quân đội chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận là hợp pháp. Đồng thời đất nước này cũng đang biến thành một “cứ điểm hậu phương” của các tổ chức khủng bố IS và al-Qaeda.

Tổng thống Obama cũng từng thừa nhận rằng, sự thất vọng lớn nhất của mình trong 2 nhiệm kỳ tổng thống là không ngăn chặn được thảm họa kinh hoàng đối với nước Mỹ là các vụ xả súng hàng loạt và không thể biến các nguyên tắc kiểm soát súng thành các tài liệu pháp lý.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng phát thanh truyền hình BBC hồi năm ngoái, ông Obama vẫn ca ngợi nước Mỹ là đất nước “Tự do, Dân chủ” và người Mỹ là một trong những dân tộc dẫn đầu trên thế giới, nhưng đồng thời cũng thừa nhận là Hoa Kỳ không có "luật về an toàn vũ khí” chặt chẽ.

Tháng 7/2015 ông Obama thẳng thắn thừa nhận: "Nhìn vào con số người Mỹ bị những kẻ khủng bố giết sau ngày 11/9 (năm 2001) thì chưa đến 100 trường hợp, nhưng nếu nhìn vào số người thiệt mạng do bạo lực súng ống thì đó là hàng chục ngàn”.

Tổng thống Obama cũng đã cố gắng mở rộng việc kiểm soát súng sau vụ thảm sát làm 26 người thiệt mạng tại một trường học ở Connecticut năm 2012. Tuy nhiên, sáng kiến thắt chặt một phần những quy tắc liên quan đã thất bại bởi Quốc hội nước này không phê chuẩn.

Obama và sáng kiến hòa bình

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được trao tặng giải Nobel Hòa bình vì những sáng kiến của ông về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng kể từ khi nhận giải năm 2009, ông đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để đạt được sự giải trừ vũ khí này mà còn làm nguy hiểm tăng lên.

Tổng thống Mỹ có thể nhận về mình những thành tựu, đặc biệt là thỏa thuận với Iran, cũng như Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, đã giúp làm giảm khối lượng nhiên liệu dành cho vũ khí hạt nhân và đảm bảo lưu trữ an toàn các vật liệu này.

Ông Obama đã không cải thiện được quan hệ với Nga và sai lầm trong vấn đề Libya
Ông Obama đã không cải thiện được quan hệ với Nga và sai lầm trong vấn đề Libya

Một cơ hội để có thể đưa thế giới đến gần tình trạng không có vũ khí hạt nhân đã bị bỏ lỡ năm 2010, khi các thành viên NATO kêu gọi đưa 180 quả bom hạt nhân và đầu đạn hạt nhân chiến thuật khác của Mỹ ra khỏi các nước châu Âu như Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ…

Thế nhưng ông Obama đã bỏ lỡ cơ hội này và châu Âu tiếp tục biến thành “kho chứa” vũ khí hạt nhân của Mỹ, khiến đối đầu hạt nhân với Nga ngày càng thêm căng thẳng.

Thay vì xem xét tính khả thi của cách tiếp cận đa phương cho vấn đề, Mỹ đã chọn con đường đàm phán song phương với Nga, kết quả dẫn đến việc ký kết hiệp ước START mới. Nhưng đó là một thành tích rất khiêm tốn, vì đối tượng của thỏa thuận này chỉ là giảm nhẹ số lượng các tên lửa tầm xa.

Hiện nay, đối đầu hạt nhân với Nga vẫn không được hạ nhiệt, nguy cơ chiến tranh vẫn đang tiếp tục leo thang bởi cả Nga và Mỹ đều đang củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng trong vấn đề này Nga vẫn chiếm ưu thế hơn.

Theo Huy Bình

Đất Việt