1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo giấy Pháp trước cơn lốc điện tử

Các nhật báo giấy truyền thống của Pháp, trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh của báo điện tử và các báo cho không, đang vật lộn để duy trì số lượng phát hành, đồng thời cũng tức tốc lên mạng để khỏi tụt hậu và giữ chân độc giả.

Hai tháng vừa rồi, độc giả được chứng kiến sự thay đổi diện mạo của các nhật báo lớn, trong đó có Le Monde, Liberation và Le Figaro. Vốn được coi là chuẩn mực của nhật báo tiếng Pháp và nổi danh về các bài phân tích sâu sắc cùng những cột đen đặc chữ, Le Monde đã phải thay đổi hình thức, tăng số lượng ảnh, tạo nhiều khoảng trống, phát hành thêm phụ trang và chú trọng hơn tới thông tin "mềm" hơn như giải trí và thời trang.

 

Nhật báo hàng đầu trong các báo tiếng Pháp trên thế giới này đã mất độc giả kể từ năm 2001, khi họ bán 400.000 bản mỗi ngày, so với con số hiện nay là 360.000 và đang có xu hướng đi xuống.

 

Le Monde chỉ là một trong rất nhiều báo giấy Pháp đang trong tình cảnh khó khăn, và cũng không phải là trường hợp nghiêm trọng nhất. Một chuyên gia tư vấn báo chí của Đại học báo chí ESJ de Lille, bà Dorothée Tromsparent, mô tả tình cảnh của Liberation - nhật báo thiên tả - là "một cuộc khủng hoảng", với lượng phát hành sụt mạnh. AFP cho biết tờ báo này mất ít nhất 6,6% lượng phát hành trong một năm. Và mới đây, Liberation đã vào tay một tập đoàn chuyên kinh doanh ngân hàng và rượu, họ đã công bố kế hoạch cắt giảm 52 nhân viên.

 

Le Figaro, nhật báo lớn thứ nhì của Pháp, trong vòng 1 qua năm mất 8% độc giả, trước khi quyết định thay đổi hình thức hai tháng trước. Phụ bản thứ 3 của tờ mang tên "Et Vous" dành diện tích cho những tấm ảnh lớn nhiều màu sắc cùng nhiều thông tin về thời trang, ẩm thực, lễ hội. Nhưng những thay đổi của Figaro từ hồi tháng 10 mới chỉ giúp chặn đà đi xuống, chứ chưa đẩy số phát hành lên lại được.

 

Doanh số quảng cáo của các báo giấy, chiếm 50% tổng doanh thu ngành báo viết Pháp cũng đang trên chiều hướng giảm mạnh, ông Francois Devevey, Tổng giám đốc Liên đoàn báo chí Pháp cho biết. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Devevey, là do sự xuất hiện ngày càng nhiều và cách tiếp cận độc giả nhanh và trực tiếp của các báo giấy miễn phí và báo mạng. Chẳng hạn, hai nhật báo miễn phí ở Paris loại khổ nhỏ rất tiện dụng, tờ "20 Minutes" và "Le Metro", hiện phát hành gần 2 triệu ấn bản mỗi ngày, chiếm tới 15% tổng số phát hành các báo giấy.

 

Xu hướng đọc báo "chùa" trên mạng đã mạnh lên một cách đáng kinh ngạc trong 12 tháng trở lại đây, nhờ sự phát triển của đường truyền Internet tốc độ cao, và hệ quả là báo giấy mất khách. Quảng cáo từ báo giấy cũng theo nhau chạy lên mạng điện tử.

 

"Báo viết của chúng tôi đang trải qua một thời kỳ khó khăn do phải cạnh tranh với báo điện tử và báo miễn phí", Devevey nhận xét. "Làm thế nào duy trì độc giả cũng như doanh thu? Đó là câu hỏi đặt ra mỗi ngày".

 

Các báo giấy đang mở hết tốc lực để phát triển bản trên mạng mặc dù "họ chỉ tỉnh ngộ khi đã muộn", bà Tromsparent bình luận. Tuy nhiên, dù muộn thì các bản điện tử cũng thực hiện được phần nào nhiệm vụ duy trì lòng trung thành của độc giả với mỗi báo truyền thống. Bản điện tử của L'Express dù hầu như không kiếm được tiền, đã 10 năm nay hỗ trợ cho việc phát hành báo giấy, Tổng biên tập L'Express trên mạng Eric Mettout khẳng định.

 

Trong khoảng hai năm nay, hầu hết các nhật báo truyền thống đều có bản điện tử. Với sự phổ biến của đường tryền tốc độ cao, tốc độ phát triển báo mạng cũng tăng nhanh. "1 năm nay, cơn lốc tốc độ cao tràn đến và đảo lộn mọi thứ", Laurent Passicousset thuộc Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng báo chí Pháp (CFPJ) nhận xét.

 

Thậm chí báo giấy chuyên về kinh tế, AGEFI, đã bỏ hẳn ấn bản để chuyển sang chỉ làm bản trên Net.

 

Đầu tư làm phiên bản điện tử không khó, nhưng kiếm tiền trên mạng quả là không dễ tý nào. Le Monde điện tử có số người truy cập lớn nhất hiện nay trong số các báo Pháp nhưng mới chỉ có lợi nhuận từ năm 2004, ở mức khiêm tốn.

 

"Chúng tôi chú trọng tốc độ của các tin, tận dụng thế mạnh công nghệ để đưa nhiều graphic, nhưng cũng không để mất bản sắc riêng của Le Monde là các bài phân tích sâu sắc", Yann Chapellon, phụ trách bản điện tử của báo này cho biết. "Năm ngoái, chúng tôi đã có lợi nhuận lần đầu tiên kể từ khi ra mắt năm 1995".

 

Le Monde điện tử kiếm được một nửa tiền từ quảng cáo, và một nửa khác từ thuê bao của những độc giả muốn đọc các bài chuyên sâu trên mạng. Chapellon hy vọng báo của ông có thể thu được nguồn tài chính nhiều hơn từ quảng cáo, dự kiến sẽ tăng lên 60% trong tổng thu trong 2 năm tới.

 

L'Express en ligne - bản điện tử của các ấn phẩm gồm các tạp chí tuần và chuyên san trang trí nội thất - cũng phải mất gần 10 năm hoạt động mới có những đồng lãi đầu tiên. Tổng biên tập Mettout cho biết ông đặt mục tiêu gấp đôi số truy cập trong một năm tới, "nhưng đấy quả thực là điều rất khó thực hiện", bởi tăng số nhân viên là cả một vấn đề trong tình hình tài chính hiện nay. Hiện L'Express chỉ có 4 đến 5 phóng viên chính thức và từng ấy nhân viên kỹ thuật.

 

Các chuyên gia báo chí Pháp cho rằng việc kiếm tiền của các báo trên mạng nước này vẫn còn khó khăn. Theo thống kê của Liên đoàn báo chí Pháp, doanh số quảng cáo của báo mạng chiếm 10% tổng doanh thu quảng cáo ngành báo.

 

Trong bối cảnh đó, những báo điện tử cung cấp thông tin chung cũng tìm cách thu tiền từ phần nội dung. L'Express và Le Figaro thu phí những bài tổng hợp của bản giấy và tư liệu lưu trữ trên mạng. Le Monde thu phí thuê bao của những độc giả muốn đọc các bài chuyên sâu. Nhưng theo tính toán của nhật báo này, chỉ 2 trong số 100 độc giả thường xuyên có nhu cầu này và trả phí hằng tháng.

 

"Độc giả Pháp đã bắt đầu quen với xu hướng đọc báo miễn phí", Devevey nhận xét. "Vấn đề bây giờ là làm thế nào để thuyết phục được họ trả tiền trong khi đã có tâm thế dùng 'chùa'?".

 

Việc bán nội dung thông tin chủ yếu chỉ thực hiện được ở các báo chuyên ngành, ông cho biết.

 

Les Echos và La Tribune, hai bản điện tử được đánh giá là kiếm tiền giỏi nhất trên mạng, đều là các báo về kinh tế. Chúng cung cấp cho người đọc là các doanh nghiệp và doanh nhân các chỉ số, biểu đồ và phân tích kinh tế. Các thông tin dạng đồ họa của Les Echos và La Tribune có thể được copy và sử dụng ngay trên nhiều phần mềm thông dụng.

 

"Tính ứng dụng của loại thông tin này rất cao, hơn nữa, thiết kế của họ đề cao công năng sử dụng cho độc giả", đại diện Liên đoàn báo chí nhận xét.

 

Làm thế nào để tồn tại trên mạng? "Đó là một cuộc tranh đấu mà trong đó sẽ có kẻ thắng người bại", Metout bình luận. "Dù thế nào, báo mạng vẫn là niềm vui khám phá của tôi. Nó chắc chắn có tương lai". Doanh thu từ quảng cáo của L'Express điện tử dự kiến sẽ tăng 40% trong 3 năm tới.

 

Các chuyên gia báo chí Pháp cũng thống nhất rằng dù có những tờ sẽ thất bại, báo mạng là xu hướng không thể đảo ngược được.

 

"Giờ đây nhiều người mới nhận ra rằng họ đã chậm chân, nhưng họ cũng đã bắt đầu đi con đường đúng. Báo trên mạng sẽ phát triển rất mạnh trong xu hướng hội tụ số hiện nay", Tromsparent của Đại học Lille nói.

 

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng hội tụ số không có nghĩa là báo mạng sẽ độc tôn so với các loại hình báo chí truyền thống khác. "Tôi nghĩ là chúng sẽ hỗ trợ hơn là loại trừ lẫn nhau", Pasicousset nhận xét và thêm rằng vấn đề đặt ra trong tương lai sẽ là làm thế nào để độc giả tiêu hóa được hết các món báo chí.

 

"Ở Hà Nội hay ở Paris, chúng ta ngày ngày mở tờ báo ra đọc và nhâm nhi cà phê sáng", anh nói. "Nhưng ai mà biết được mai này con cháu chúng ta sẽ đọc báo thế nào". 

 

Theo T. Huyền

VnExpress