1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Báo động băng tan ở Greenland

(Dân trí) - Các nhà khoa học Mỹ vừa cảnh báo, các tảng băng ở Greenland đang trôi ra biển nhanh hơn rất nhiều lần so với dự đoán trước đây. Điều này có nghĩa là mực nước biển trên toàn cầu sẽ dâng lên với một tốc độ tương ứng.

Trước đây, người ta cho rằng phải mất hàng nghìn năm cả khối băng khổng lồ Greenland mới có thể tan chảy hết. Nhưng những bằng chứng mới nhất cho thấy điều đó có thể xảy ra sớm hơn rất nhiều. Và như vậy, mực nước biển trên thế giới cũng sẽ tăng lên rất nhanh.

 

Hiện tượng đã được các nhà khoa học Nasa và Trường ĐH Kansas, Mỹ, nghiên cứu và đăng tải chi tiết trên tạp chí Khoa học.

 

Phân tích cụ thể cho thấy trong vòng 5 năm qua, khối lượng băng chìm xuống Đại Tây Dương đã tăng gấp đôi. Nếu toàn bộ khối băng khổng lồ Greenland tan chảy, thì mực nước biển toàn cầu sẽ dâng lên khoảng 7m. Hiện nay Greenland đóng góp vào sự dâng lên của nước biển gấp 2 đến 3 lần so với năm 1996.

 

“Chúng tôi rất lo ngại bởi mực nước biển có thể tăng nhanh hơn so với trước kia 10 gấp lần. Nếu quả đúng như vậy, tôi không chắc rằng chúng ta có thể xoay xở được,” – một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết. “Phải mất nhiều năm để tạo và làm tan chảy một khối băng, nhưng sông băng có thể phản ứng rất nhanh với sự thay đổi của nhiệt độ.”

 

Năm 1996, Greenland đã mất khoảng 100 km3 băng. Nhưng năm 2005, con số đó tăng lên đến 220 km3. Để làm một phép so sánh, mỗi năm cả thành phố Los Angeles chỉ dùng khoảng 1 km3 nước.

 

Thủ phạm?

 

Kể từ năm 1996, nhiệt độ không khí dường như là “thủ phạm” đứng đằng sau tốc độ tan chảy của các dòng sông băng ở nửa phía nam của Greenland. Nhưng sau năm 2000, mảng nhiệt độ ấm ở phía bắc có thể là nguyên nhân khiến tốc độ tan chảy của các dòng sông băng ở phía bắc tăng lên một cách nhanh chóng.

 

Trong vòng 20 năm qua, nhiệt độ không khí ở đông nam Greenland đã tăng lên 3 độ C. 

Phan Vũ

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm