Bản lĩnh Nga-Mỹ trong 2 chiến dịch Aleppo và Mosul
Mosul là cạm bẫy quân sự và ngoại giao mà Mỹ và Phương Tây đang bước vào. Nga đang đợi…
Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi tại Syria, Nga-Syria đang mở chiến dịch quân sự giải phóng Aleppo là căn cứ địa lớn nhất của lực lượng khủng bố không phải IS thì Mỹ-Iraq và liên quân cũng đang mở chiến dịch giải phóng Mosul là thủ đô của IS.
1. Sự khác biệt về thế trận
Aleppo trong tình thế bị bao vây biến thành kiểu nồi hầm nhưng Mosul thì không có tình thế như vậy.
Biểu hiện là tại Aleppo, lực lượng bên trong chỉ đánh nống ra phá vây. Trong khi đó lực lượng IS từ trong Mosul có thể xuất phát tập kích sau lưng.
Ba trận thắng liên tiếp của IS gây choáng váng cho liên quân: Kirkuk, Sinjar và Rutba.
Tại Kirkuk trận tập kích là làm chết hơn 100 binh sỹ Iraq và người Kurd và phát triển chiếm thị trấn Anbar của Rutbar chiến lược. Rutbar án ngữ đường cao tốc Baghdad-Amman, gần với Ayn al-Asad Air Base, các cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở Iraq.
Chính phủ Iraq buộc phải điều động khẩn cấp trung đoàn chính quy, lực lượng biên phòng và dân quân bộ tộc Sunni từ miền Tây để bảo vệ Rutbar. Tuy nhiên, lực lượng này không phải là đối thủ của IS. Thị trưởng Rutbar đang rơi vào thế hiểm nghèo.
Chiến thắng tiếp theo của IS là chiếm giữ Sinjar ở miền bắc Iraq gần biên giới Syria.
Sinjar là trung tâm đầu mối tập kết của người Kurd Syria và cả người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ, đến để hỗ trợ anh em của họ trong cuộc xâm nhập vào Mosul. Mất nó là một tai hại lớn cho lực lượng Kurd Peshmerga…
Có thể nói, tướng Haidar al-Abadi và các sĩ quan Mỹ khi lên phương án tác chiến đã không tính đến IS tập kích vào hậu phương để kéo giãn đội hình tấn công khiến cho liên minh lúng túng đối phó.
Lực lượng người Kurd Peshmerga đã buộc từ chối tấn công vào Mosul lui về bảo vệ phía sau.
Trong khi đó tại Syria, không thiếu các trận tấn công vào quân đội Syria tại các vùng ngoài Aleppo như Homs, Hama… của lực lượng phiến quân al-Nusra nhằm kéo giãn lực lượng đang bao vây Aleppo nhưng luôn bị thảm bại.
Đây là một phương án tác chiến rất khôn ngoan của Nga-Syria. Họ vừa bao vây chặt tại Aleppo, truy bức gọi hàng… đồng thời “dụ rắn ra khỏi hang” ở các khu vực ngoài Aleppo để VKS Nga hủy diệt.
Kể từ khi chiến dịch Aleppo mở ra, chưa có trận phản kích nào của al-Nusra ngoài khu vực Aleppo thắng lợi. Họ đều bị VKS Nga nghiền nát.
Khả năng tấn công của phiến quân ngoài khu vực Aleppo không còn nguy hiểm nên Syria, như vừa rồi, đã có thể điều cả Lữ đoàn “Diều hâu sa mạc” khét tiếng hoạt động ở Latakia sang mặt trận Aleppo.
2. Sự khác biệt ý đồ tác chiến?
Chúng ta có quyền đặt dấu hỏi bởi vì…
Rõ ràng mục tiêu tác chiến là như nhau, đều giải phóng thành phố lớn mà phiến quân khủng bố IS, al-Nusra… đang chiếm đóng. Nhưng tại Aleppo, Nga-Syria bao vây chặt để bằng mọi cách diệt gọn lực lượng chiếm đóng thì tại Mosul có vẻ như khác.
Đó là Mỹ và liên quân đánh đuổi IS tháo chạy ra khỏi thành phố. Còn chạy đi đâu thì… Syria, Lybia là điểm có thể đến dễ dàng thoát chết nhất.
Nhớ lại vụ Mỹ hỗ trợ cho người Kurd Syria tấn công IS ở Syria và thả rông gần 200 tên IS tùy nghi di tản… thì việc báo chí nước ngoài đồn rằng Mỹ đẩy 8000 quân IS tại Mosul sang Syria và Nga thì đang bố trí… đón sẵn… là có căn cứ xác đáng.
Phải chăng Mỹ tha chết cho IS để IS đối đầu với chính quyền của Tổng thống Assad?
3. Sự khác biệt về lợi ích, lý tưởng
Tấn công Mosul có đến 3 bên, 6 bề tham gia. Trên danh nghĩa, tham gia tấn công có 3 lực lượng:
- Lực lượng Mỹ, gồm không quân, pháo binh và các đơn vị đặc biệt (như Nga) tham chiến tại Aleppo.
- Các sư đoàn thiết giáp Iraq, lực lượng đặc biệt, quân đội thường xuyên và các đơn vị cảnh sát chống khủng bố.
- Lực lượng Iraq Kurd Peshmerga.
Tuy nhiên, không phải vô cớ mà Thủ tướng Iraq cam kết chính thức chỉ có lực lượng chiến đấu mặt đất của Iraq sẽ tấn công xâm nhập Mosul, tức là không có người Mỹ, người Kurd hoặc lực lượng phi Iraq khác. Không phải vô cớ mà thủ tướng Iraq quyết liệt yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rời khỏi lãnh thổ Iraq…
Thổ Nhĩ Kỳ một mặt đang tích cực chủ động ngăn chặn người Kurs Syria xâm nhập vào Iraq để liên kết với anh em của họ tại Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nếu bất kỳ lực lượng người Kurd nào xâm nhập vào Mosul thì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm theo. Mặt khác họ đang sử dụng không quân, pháo binh hỗ trợ cho lực lượng dân quân Turkmen Iraq và Kurd Peshmerga tấn công đẩy IS ra khỏi Bashiqa…
Tất cả ý đồ chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đã được Mỹ bật đèn xanh khiến Iran phản ứng “cực đoan”…
Các lực lượng dân quân Shiite Iraq thân Iran hoạt động quanh Mosul đã ngay lập tức đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Chỉ huy của Lữ đoàn Bader, lực lượng Hashd Eal-Shaabi báo cáo rằng họ đã sẵn sàng tấn công các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở Bashiqa, người mà họ gọi là “các băng nhóm khủng bố không kém nguy hiểm hơn ISIS”.
Đồng thời, Iran tác động vào Chính phủ Iraq của Thủ tướng người Shiite Haidar Al-Abadi vốn có khuynh hướng gần gũi, tin cậy với chính phủ Iran, chuyển hướng mục tiêu, từ tấn công Mosul sang tham gia lực lượng Shiite chuẩn bị tấn công quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Bashiqa…
Có thể nói, tấn công vào Mosul là một lực lượng đa lợi ích, ý chí, không những thế, điều tệ hại hơn là các lực lượng này còn là kẻ thù của nhau…
Đó là lý do vì sao để cứu nguy chiến dịch giải phóng Mosul, chính quyền Mỹ đã như “con thoi” từ Ankar, Bahgdad, Tehera để yêu cầu họ quay trở lại vì mục tiêu tiêu diệt IS, tuy nhiên, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, ai nghe Mỹ khi chính Mỹ cũng “hai mặt”.
Trong khi đó tại Aleppo, cũng có nhiều lực lượng tham gia, Nga, quân chính phủ, Iran, Hezbollah nhưng ít nhất trong chiến lược ngắn hạn, trung hạn thì tất cả đều do Syria, vì Syria. Họ thống nhất ý chí và hành động dưới sự chỉ huy của một tư lệnh chiến dịch chung.
Dưới góc nhìn quân sự, chỉ cần nêu 3 sự khác biệt này là có thể đánh giá được Nga hay Mỹ có cơ hội thắng lợi hơn và thắng lợi đó trọn vẹn, vững chắc bao nhiêu.
Điều thú vị là khi nhìn sang “bảng đấu bên kia” người Mỹ đang loay hoay gỡ rối và đi dần vào cạm bẫy quân sự và ngoại giao (Vì chính Mỹ-PT đang gào thét cáo buộc Nga biến Aleppo thành “khu vực chết” thì Mosul sẽ là “gậy ông đập lưng ông” hoặc sẽ không có món quà “chiến thắng để lại” của Obama khi rời Nhà Trắng) thì người Nga, tổng thống Putin ra lệnh dừng không kích tại Aleppo sau khi bác bỏ đề xuất của tướng Nga tăng cường VKS để san phẳng Aleppo.
Phải chăng Putin đang đợi “nâng ly cùng mừng chiến thắng” với người đồng cấp sắp ra đi hay Putin đang chờ Mỹ-phương Tây mắc bẫy sâu hơn tại Mosul rồi mới ra tay kết thúc trận chiến Aleppo? Câu trả lời chỉ nay mai.
Theo Lê Ngọc Thống
Đất Việt