1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bản đồ “đường 10 đoạn” là công cụ hỗ trợ đòi hỏi về lãnh thổ

Tờ Daily Signal ngày 1/7 đăng phân tích của ông D. Gerad Gayou, thành viên chương trình lãnh đạo trẻ tại Quỹ Heritage (Mỹ) cho rằng việc phát hành bản đồ "10 đoạn" là một sự tăng cường tuyên bố bất hợp lý của Trung Quốc về cái gọi là chủ quyền ở Biển Đông.

Ban đầu, đường 9 đoạn của Trung Quốc vẽ ra cho thấy Bắc Kinh tham vọng yêu sách 90% diện tích Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã khẳng định yêu sách của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.

Bắc Kinh đã bỏ ngoài tai mọi lời chỉ trích để theo đuổi chính sách bành trướng lãnh thổ. Đầu tháng 5, Trung Quốc đã kéo giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây ra làn sóng phản đối dữ dội từ Việt Nam.

Trong bản đồ phát hành chính thức tuần trước bởi Nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã mở rộng yêu sách ban đầu từ 9 đoạn lên 10 đoạn, dấu gạch ngang thứ 10 dùng để đánh dấu đảo Đài Loan như là lãnh thổ của họ. Dấu gạch ngang thứ 10 không phải điều gì lạ, nhưng thay đổi đáng kể là bản đồ từ khổ ngang đã chuyển sang khổ đứng, thể hiện Biển Đông với quy mô tương tự như lục địa Trung Quốc.

Tấm bản đồ Trung Quốc mới xuất bản không chỉ là tín hiệu cứng rắn đối với ASEAN và Hoa Kỳ, nó còn là nhiên liệu hỗ trợ trong nước cho Bắc Kinh khi đối đầu về lãnh thổ trong tương lai. Bản đồ mới sẽ góp phần tạo ra áp lực từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan để hỗ trợ cho các hành vi gây hấn dọc theo "đường lưỡi bò".

Bài báo của D. Gerad Gayou kết luận: Có vẻ như Trung Quốc vẫn không xuống thang bởi những lời chỉ trích ngoại giao. Trò thử nghiệm quyết tâm của cộng đồng quốc tế đã được Trung Quốc sử dụng phổ biến và cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể vượt qua những thách thức này. Đường 10 đoạn mới là bằng chứng mới nhất về điều đó, sự táo bạo, liều lĩnh của Trung Quốc có thể mở đường cho các hành vi hung hăng hơn mà ASEAN và Hoa Kỳ cần phải lập kế hoạch đối phó.

Trong bài đăng trên Asia Pacific Bulletin của EastWestCenter.orgn, bà Yun Sun - một học giả của Viện Stimson - cho rằng Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh lập luận về “đường chín đoạn” ở Biển Đông, là sự thay đổi rõ rệt so với chính sách ngoại giao của Bắc Kinh vài năm về trước, khi mà Trung Quốc còn thảo luận về tính hợp pháp của “đường lưỡi bò”.

Theo bà Yun Sun, Trung Quốc hiện đang đặt mọi sức nặng đằng sau “đường lưỡi bò” rất gây tranh cãi này. Học giả người Hoa này nói: “Trung Quốc hiểu rất rõ sự trái ngược của ‘đường chín đoạn’ với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và vì thế dốc sức đầu tư vào việc tìm tính hợp pháp cho “quyền lịch sử” của lập luận mà họ nêu ra. Thậm chí, một số trường phái tại Trung Quốc hiện còn muốn nói rằng UNCLOS có sau khi Trung Quốc nêu ra chủ quyền nên không phải là căn cứ cho việc diễn giải chủ quyền ở Biển Đông".

Bà Yun Sun nói thêm: “Trung Quốc cũng cẩn thận khi nêu chi tiết điều gì họ muốn coi là chủ quyền trong khu vực “đường chín đoạn”. Lý do là để ở đó một sự mờ ảo chiến lược nhằm có chỗ cho các cuộc thương thảo tương lai. Đa số các nhà nghiên cứu Trung Quốc nay thiên về hướng coi vùng nước bên trong đường chín đoạn là vùng đặc quyền kinh tế, dù chính Chính phủ Trung Quốc chưa công khai nói ra điều này”.

Theo bà Yun Sun, trong giới hoạch định chính sách của Trung Quốc, “có nhiều người hiểu rất rõ những nhược điểm của lập luận pháp lý này”, nhưng  họ tin rằng “có lập luận yếu còn hơn là không có gì”. Trung Quốc tin rằng quan điểm như thế “được quyền lực quốc gia mạnh mẽ ủng hộ và mong muốn sử dụng nó”.

Bài viết của học giả Yun Sun cho rằng Bắc Kinh cũng biết sẽ có “tổn thất về uy tín” khi dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền “đường lưỡi bò”, nhưng cho rằng đây “sẽ là thứ giải quyết được” vì Trung Quốc có sức mạnh kinh tế với cả vùng Đông Nam Á.

Theo Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm