Bàn cờ đối ngoại 2017
Sự trỗi dậy của châu Á trong thế kỷ XXI là xu thế không thể đảo ngược.
2016 là một năm có nhiều bất ngờ. Năm 2017 sẽ có nhiều bất ngờ lớn hơn nữa. Với Donald Trump vào ngồi ở phòng Bầu dục Nhà Trắng, trong nhiều vấn đề, người ta không dễ phán đoán bằng những logic thông thường.
Làn sóng chủ nghĩa dân túy làm chấn động châu Âu với Brexit ở nước Anh tạo ra cơn địa chấn cục bộ, lan sang bờ bên kia Đại Tây Dương, nơi một ông trùm bất động sản New York quét ngang giới tinh hoa chính trị Washington. Những khẩu hiệu đình đám chống toàn cầu hóa, chống người di cư bất hợp pháp, lấy lại hàng triệu việc làm của người Mỹ bị nước ngoài cướp mất có thể được hiện thực hóa thông qua các mệnh lệnh hành pháp và những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trở lại Mỹ.
Tuy vẫn còn nhiều câu hỏi phải chờ một thời gian để Donald Trump yên vị tại Nhà Trắng nhưng cũng có thể dự đoán một số điều chỉnh trên những hướng chính của chính sách đối ngoại Mỹ dưới chính quyền Trump.
Sự trỗi dậy của châu Á trong thế kỷ XXI là xu thế không thể đảo ngược; khu vực này vẫn là trọng điểm chiến lược toàn cầu của Mỹ. Nhưng điều làm cho chính quyền Trump quan tâm mang tính thực dụng: Làm thế nào để tạo lợi thế trong quan hệ với một Trung Quốc trỗi dậy và không ngại thách thức nước Mỹ.
Donald Trump tuyên bố sẽ nâng các đội tàu chiến của Mỹ từ 274 chiếc lên 350 chiếc. Các tàu chiến này không phải để làm cảnh mà để Mỹ tiếp tục ngự trị các đại dương, vùng biển thế giới và thực hiện triết lý “hòa bình thông qua sức mạnh”.
Biển Đông có những đường giao thông huyết mạch. Hải quân Mỹ dưới ngọn cờ “bảo vệ tự do hàng hải” vẫn duy trì hoạt động ở biển Đông. Mỹ có thể dùng vấn đề biển Đông để thúc đẩy các lợi ích khác của Mỹ.
Ông Trump đã sử dụng 2 tháng của một tổng thống đắc cử để nắn gân Trung Quốc. Ông đã tung ra nhiều tín hiệu xung quanh vấn đề Đài Loan. Việc ông Trump đưa ra một tuyên bố gây sốc là không nhất thiết phải duy trì chính sách “một Trung Quốc” nếu điều đó không mang lại ích lợi gì cho nước Mỹ. Đài Loan có thể là một trong các con bài và đòn bẩy để Mỹ xới xáo và cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc. Chính quyền Trump sẽ hỗ trợ Đài Loan mạnh tay hơn, củng cố xu hướng “thoát Trung” nhưng cũng làm tăng khả năng xung đột.
Vấn đề biển Đông đã nằm trong bộ nhớ của chính quyền Trump. Ông Trump đã mấy lần chỉ trích Trung Quốc “xây dựng tổ hợp quân sự khổng lồ ở biển Đông”. Ngoài ra, với việc ông Rex Tillerson - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Exxon Mobil - được chỉ định làm ngoại trưởng, tại cấp chóp bu về chính sách đối ngoại chính quyền Trump có một nhân vật hiểu biết về vấn đề biển Đông. Exxon Mobil từng đấu thầu thăm dò dầu khí ngoài khơi biển Đông thuộc thềm lục địa Việt Nam và bị Trung Quốc cản trở.
Trung Quốc ngày nay đàm phán ngang tay với Mỹ. Quan hệ Mỹ - Trung phụ thuộc vào tương quan lực lượng giữa hai bên, cũng như “cho và nhận”.
Nga là bên nước ngoài được lợi nhất từ việc Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng. Điều gây bất ngờ không kém gì việc ông Trump đắc cử tổng thống hôm 8-11 đó là người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, ông Rex Tillerson, một nhân vật “thân Nga”, người bạn của Nga.
Vào lúc nước Nga gặp khó khăn do bao vây cấm vận của Mỹ và châu Âu, năm 2014, ông trùm dầu khí Mỹ đã được ông chủ Điện Kremlin trao tặng Huân chương Hữu nghị hạng nhất. Có thể dự đoán không mấy khó khăn, việc cải thiện quan hệ Mỹ - Nga nằm trong ưu tiên chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ. Và điều này sẽ tạo hệ lụy trong một số quan hệ quốc tế trên lục địa Á - Âu.
Nước Nga rồi sẽ ra khỏi vòng vây cấm vận của phương Tây. Nguồn vốn tín dụng, đầu tư, chứng khoán và kỹ thuật sẽ lại chảy vào các thị trường Nga. Từ đó, quan hệ Nga - Trung sẽ mất đi một động lực chủ yếu. Quan hệ “tam giác chiến lược mới” Mỹ - Nga - Trung có thể hình thành dưới dạng thức nào đó để chính quyền Mỹ tạo sức ép lớn hơn đối với Bắc Kinh. Các thành viên Đông Âu của NATO và EU sẽ không thể tạo áp lực lên các tổ chức này trong quan hệ với Nga. Nga sẽ cải thiện quan hệ với EU và NATO, không khéo lại trở lại G-8.
Liên minh kinh tế Á - Âu mà Nga từng khởi xướng có thể có sức bật mới. Các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược Mỹ - Nga sẽ nối lại và việc triển khai binh lực cùng hệ thống tên lửa tầm trung hay quá trình Đông tiến của NATO có thể đình hoãn. Cục diện Á - Âu và các mối quan hệ quốc tế ở Viễn Đông sẽ không bị phân cực và lệch pha như mấy năm qua.
Một câu hỏi đặt ra: Với việc ông trùm dầu khí đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, thị trường dầu lửa liệu có thể ổn định và giá dầu sẽ hồi phục phần nào?
Nước Mỹ sẽ đặt trọng tâm giải quyết những vấn đề nội bộ, củng cố sức mạnh bên trong; quan tâm đến những lợi ích an ninh sát sườn - sẽ tạo tiền đề giải quyết các cuộc xung đột khu vực như Ukraine, Syria nhưng sẽ ít quan tâm đến các khu vực ngoại vi như Đông Nam Á; ngoại giao Mỹ có thể sẽ giảm quan tâm đến những diễn đàn khu vực như EAS, ASEAN, APEC; Mỹ sẽ từ bỏ tham gia TPP.
Không riêng gì Việt Nam, tất cả các nước đồng minh, đối tác, đối tượng của Mỹ sẽ điều chỉnh quan hệ với Mỹ và điều chỉnh quan hệ lẫn nhau. Điều Việt Nam cần quan tâm hơn cả trong năm 2017 là việc các công ty Mỹ có rút lui chiến lược khỏi Việt Nam hay không. Nó phụ thuộc rất nhiều ở khả năng Việt Nam có tìm lại động lực tăng trưởng, giải quyết các vấn đề kinh tế, môi trường đầu tư và môi trường sinh thái...
Theo Nguyễn Ngọc Trường
Người Lao động