Bài học từ thảm kịch tàu chiến USS Fitzgerald
Trang tin National Interest (Mỹ) mới đây đã có bài phân tích với tựa đề: “Bài học từ thảm kịch tàu chiến USS Fitzgerald: Hải quân Mỹ cần thêm nhiều vũ khí” của tác giả Dave Majumdar, biên tập viên chuyên về quốc phòng.
Theo đó, ngày 17/6/2017, tàu khu trục USS Fitzgerald lớp Arleigh Burke (DDG 62) đã va chạm với một chiếc tàu chở hàng gắn cờ của Philippines tên là ACX Crystal ở vị trí 56 hải lý ngoài khơi bờ biển của Nhật Bản. Vụ va chạm nghiêm trọng đã làm hư hỏng chiếc tàu chiến trị giá hàng tỉ đô la, làm 7 quân nhân Mỹ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, bao gồm cả thuyền trưởng Bryce Benson.
Thiệt hại lớn
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau sự kiện này, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Chỉ huy Hạm đội 7 nói: "Thiệt hại rất lớn. Đây không phải là vụ va chạm nhỏ. Phần bị va chạm nằm ngay cạnh cabin thủy thủ, có một vết cắt dài và sâu dưới đường ngấn nước. Ba khoang bị hư hỏng nghiêm trọng, trong đó có một phòng điều khiển và hai phòng nghỉ lớn, dành cho 116 thủy thủ, trong đó có cabin của thuyền trưởng”.
Việc tàu Fitzgerald không tham gia cuộc chiến nào nhưng lại bị hư hỏng nặng đã cho thấy sự thật rằng các tàu chiến hiện đại không bền vững như những tàu giáp hạng nặng trước đây - chẳng hạn như các thiết giáp hạm trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Ngay cả những thiệt hại tương đối nhỏ cũng có thể làm cho một tàu chiến hiện đại không còn khả năng chiến đấu.
Ông Bryan Clark, cựu sĩ quan hải quân và là thành viên cao cấp của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, nói: “Tàu Fitzgerald sẽ phải mất một năm sửa chữa với chi phí 100 triệu USD. Để gây ra thiệt hại lớn như thế này bằng tên lửa, đối phương sẽ cần một đầu đạn lớn bắn vào thân tàu và hỏa hoạn hoặc một ngư lôi tấn công phần thân tàu dưới nước. Một tên lửa hành trình nhỏ ASCM - tên lửa chống hạm - có thể cũng không thể gây ra một mức độ thiệt hại nghiêm trọng như vụ va chạm này.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức mạnh Hải quân Mỹ ở Viện Hudson (Mỹ), ông Seth Cropsey nhận định rằng những bài học từ vụ Fitzgerald có thể không trực tiếp áp dụng trong thực tế chiến đấu nhưng thực tế là các tàu hiện đại tương đối mong manh. "Việc có nên áp dụng các bài học từ vụ va chạm của tàu Fitzgerald vào chiến đấu hay không vẫn chưa rõ ràng", Cropsey nói.
Tranh cãi
Tuy nhiên, có một cuộc tranh luận về sự cân bằng giữa giáp, tốc độ và tính cơ động của tàu. Ông Cropsey cho biết: “Hiện vẫn còn tranh cãi giữa nặng hơn, bọc giáp và nhẹ hơn, có hệ thống điều khiển điện tử. Hệ thống phòng thủ giáp DDG-51 được thiết kế để tạo một lớp bảo vệ chống lại đầu đạn. Nhưng lớp giáp này vẫn thấm nước. Giáp DDG-51 nặng hơn đồng nghĩa với khả năng ít cơ động hơn, và tốc độ thấp hơn".
Hệ thống phòng thủ lớp có thể giúp ngăn chặn được các cuộc tấn công, nhưng một khi tên lửa hoặc ngư lôi xuyên qua các lớp bọc đó thì một tàu chiến hiện đại trở nên tương đối mong manh. Cựu sĩ quan hải quân Clark nói:
"Đồng ý là tàu chiến hiện đại tương đối dễ bị tê liệt, tuy nhiên, điểm yếu của tàu hiện đại không phải là việc có ít vỏ giáp hơn. Để đối phó với các mối đe dọa, một số lượng lớn các bộ cảm biến, máy tính và các thiết bị phóng vũ khí được phân bố trên toàn bộ tàu. Ví dụ, bộ phận tên lửa điều khiển DDR bị trúng một tên lửa hành trình nhỏ gây thiệt hại cho hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng".
Ông Clark đồng ý có lý do để tăng giáp cho các tàu chiến hiện đại nhưng sẽ phải đánh đổi không gian để được bọc thêm giáp- hoặc tàu sẽ phải có kích thước lớn hơn, có thể ảnh hưởng đến sự ổn định và khả năng cơ động của tàu.
"Tuy nhiên, công nghệ cảm biến mới hơn và vật liệu mới hơn có thể thay đổi khả năng tính toán của lực lượng Hải quân Mỹ. Các vật liệu mới như Gallium Nitride cho phép radar có kích thước nhỏ hơn, hoạt động hiệu quả hơn, trong khi các vật liệu khác như Kevlar có thể giúp tàu được bảo vệ tốt hơn trước các tác động động học hoặc chất nổ”, ông Clark cho biết...
Theo Đông Quân
Pháp luật Việt Nam