Bài học từ chính trường Ukraine
(Dân trí) - Sau khi giành được 273 phiếu ủng hộ tại Quốc hội, vượt khá xa số phiếu cần thiết là 226 và được Tổng thống Ukraine Yushchenko chuẩn y, ngày 4/8 vừa qua, ông Yanukovich, Chủ tịch Đảng Các khu vực (RP) theo đường lối thân Nga, đã chính thức trở thành Thủ tướng mới của nước này.
Liên minh bắt buộc
Diễn biến kể trên đã thu hút được sự quan tâm của dư luận Ukraine cũng như quốc tế, vì việc ông Viktor Yanukovich, đối thủ bị lật đổ khỏi vị trí Tổng thống 2004 do Cách mạng Cam, vào vị trí Thủ tướng Ukraine đã đánh dấu sự thất bại quan trọng của Tổng thống Yushchenko và những lực lượng chính trị chủ trương theo đuổi đường lối đối ngoại thân phương Tây ở Ukraine. Việc ông Viktor Yanukovich trở thành Thủ tướng Ukraine cũng đã chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này kéo dài suốt 4 tháng qua.
Kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 3/2006, đã không mang lại chiến thắng cho đảng nào ở Ukraine, nước này đã bị rơi vào tình trạng rối ren, không có Chính phủ do sự bất đồng giữa các đảng phái. Trong số ba đảng giành được nhiều phiếu nhất tại cuộc bầu cử, đảng đối lập Các khu vực thân Nga của ông V.Yanukovich đã dẫn đầu, trong khi hai lực lượng chính trị theo đường lối thân phương Tây là đảng của nữ cựu thủ tướng Tymoshenko và đảng Ukraine của chúng ta của đương kim Tổng thống Yushchenko đứng thứ hai và thứ ba. Do không đảng nào giành được đa số phiếu trong quốc hội với 450 ghế, cơ quan có quyền bầu chọn ra thủ tướng và nội các, việc các đảng liên minh là điều bắt buộc.
Thuyết phục và lôi kéo
Phải mất hơn 3 tháng mặc cả, 3 đảng từng hậu thuẫn cuộc Cách mạng Cam đưa ông Yushchenko lên làm Tổng thống, là các đảng Ukraine của Tổng thống V. Yushchenko, đảng của bà Tymoshenko và đảng Xã hội mới đạt được thoả thuận về việc tái lập Liên minh Dân chủ Da cam chiếm đa số trong Quốc hội Ukraine để giành quyền lập chính phủ mới. Tuy nhiên, do sự bất đồng về việc phân chia quyền lực giữa ba đảng này trong cơ cấu chính quyền mới, Liên minh này đã bất ngờ tan vỡ vào ngày 6/7 sau khi đảng Xã hội nói lời chia tay với Liên minh.
Trong khi đó, tranh thủ sự bất đồng giữa các đồng minh trước đây trong cuộc Cách mạng Cam, lãnh đạo đảng Các khu vực của ông Yanukovich cùng với Đảng Cộng sản đã thuyết phục và lôi kéo được sự tham gia của đảng Xã hội, đồng minh cũ của Tổng thống Yushchenko trong Liên minh Dân chủ Da cam, để hình thành một liên minh đa số mới, mang tên “Liên minh chống khủng hoảng” có 240 ghế (186 ghế thuộc đảng Các khu vực, 33 thuộc đảng Xã hội và 21 thuộc đảng Cộng sản), do đảng Các khu vực của ông Viktor Yanukovich đứng đầu, và liên minh mới này đã đề cử ông Yanukovich giữ chức Thủ tướng.
Chống tham nhũng và đặc quyền đặc lợi
Trước tình thế trên, Tổng thống Yushchenko và đảng Ukraine của ông đã đành phải đồng ý tham gia vào liên minh mới này, thay vì ra quyết định giải tán quốc hội, và ông Yushchenko cũng phải chấp nhận sự đề cử đối thủ chính của ông là ông Yanukovich làm Thủ tướng, nhằm giữ lại một số ghế trong nội các mới, vì theo Hiến pháp Ukraine, các bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ và người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia là do Tổng thống lựa chọn; đồng thời duy trì những chính sách đối ngoại của Tổng thống, bao gồm cả kế hoạch đưa Ukraine gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tổng thống Yushchenko và ông Yanukovich đã ký kết một bản tuyên bố về các nguyên tắc đặt nền tảng cho chính phủ liên minh của họ. Theo đó, Ukraine sẽ tiếp tục duy trì chính sách hội nhập Liên minh châu Âu (EU); Hợp tác đôi bên cùng có lợi với NATO; Tiếp tục các cải cách thể chế chính phủ và tư pháp; Đảm bảo các quyền của phe đối lập; Chống tham nhũng và đặc quyền đặc lợi...
Vậy là, chỉ sau hơn một năm bị các lực lượng chính trị theo đường lối thân phương Tây “hất” khỏi ghế Tổng thống Ukraine, giờ đây ông Viktor Yanukovich đã trở lại chiếc ghế thủ tướng Ukraine một cách hết sức thuyết phục khi đảng của ông giành được nhiều phiếu ủng hộ hơn bất kỳ một phe phái chính trị nào khác trong cuộc bầu cử quốc hội Ukraine.
Nhìn lại diễn biến trên chính trường Ukraine kể từ cuộc Cách mạng Cam, được khởi đầu bằng cuộc bầu cử tổng thống tháng 10/2004, các nhà phân tích đã luôn cho rằng, những lực lượng chính trị theo đường lối thân phương Tây ở Ukraine đã chỉ dựa vào nhau trong việc tìm kiếm quyền lực. Quan điểm chính trị duy nhất có vẻ trùng nhau giữa ba đảng phái này là tách đất nước Ukraine ra khỏi tầm ảnh hưởng của Nga để hướng sang phương Tây.
Hướng tới sự điều chỉnh hợp lý
Sau sự thành công của cuộc Cách mạng Cam, mang lại chiến thắng cho liên minh theo đường lối thân phương Tây và đưa họ trở thành lực lượng điều hành đất nước, bộ máy chính quyền Ukraine, mà người ta hay gọi là “Chính phủ Cam”, đã hình thành với một cơ cấu bao gồm hàng loạt các quan chức cấp cao được bổ nhiệm theo kiểu trả ơn hoặc bè phái vì đã ủng hộ cuộc Cách mạng Cam. Bởi vậy, thật dễ hiểu khi chính quyền đó đã nhanh chóng bộc lộ nhiều sự yếu kém như thiếu năng lực, tình trạng bè phái, mâu thuẫn nội bộ...
Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine vừa qua đã trở thành một cơ hội để những người dân Ukraine thể hiện sự thất vọng của mình qua lá phiếu. Thất bại của những lực lượng chính trị chủ trương đường lối thân phương Tây là một sự thành công cho phe chủ trương thân Nga. Tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh tỉnh cần thiết cho tất cả các lực lượng chính trị ở Ukraine nói chung, trong việc ý thức được vai trò trách nhiệm của mình trước nhân dân và tầm quan trọng của việc đặt lợi ích của đất nước làm mục tiêu cao nhất trong những hoạt động trên chính trường.
Chắc chắn, trong thời gian tới, Tổng thống Ukraine Yushchenko sẽ phải điều chỉnh lại đường lối đối ngoại theo đường lối thân phương Tây của mình bên cạnh người đứng đầu chính phủ liên minh vốn coi trọng quan hệ truyền thống với Nga - Yanukovich. Những điều chỉnh như vậy được coi là hợp lý để tranh thủ được sự ủng hộ của cả Phương Tây và Nga đối với Ukraine. Rõ ràng, Ukraine không chỉ cần gia nhập EU. Ngoài những gắn bó nhiều mặt về lịch sử, văn hoá và truyền thống đã có giữa hai nước, hiện nay Nga đang là nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt chủ yếu cho Ukraine.
Vũ Anh Tuấn