Ba nữ Bao Công Thái Lan
Siriwan Vongkietpaisan đã bị gia đình cho là "dở hơi" khi quyết định từ bỏ công việc có mức lương cao để làm luật sư tranh đấu quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em và những người bị bóc lột sức lao động.
Mặc dù thu nhập hiện tại không đủ để trang trải cuộc sống, nhưng Siriwan tin rằng đang đi đúng đường và cô cũng không đơn độc. Bên cạnh cô có hai nữ luật sư khác cùng chí hướng bảo vệ lẽ phải là Saranya Chanchuay và Patjama Bhalaket.
Vụ đấu tranh đầu tiên của họ khiến chính quyền phải cho viết lại luật lao động chính là vụ kiện bóc lột sức lao động của một nhóm 30 phụ nữ và trẻ em đến từ Myanmar. Hằng ngày họ phải làm quần quật trong nhà máy ở tỉnh Tak (Thái Lan), vậy mà sau một năm họ không hề được chủ trả một đồng lương nào.
Các quan chức trong ngành lao động cho biết không thể làm gì cho những người này vì họ là lao động bất hợp pháp và phải bị trục xuất về nước ngay lập tức. Các luật sư cũng bó tay vì luật lao động chỉ áp dụng cho công dân quốc tịch Thái Lan mà thôi.
Nhóm của Siriwan đã vào cuộc với lập luận pháp luật không phân biệt đối xử và áp dụng công bằng cho tất cả mọi người lao động trên lãnh thổ Thái Lan, không có ngoại lệ cho bất kỳ ai. Ba cô gái kiên trì đến gõ cửa mọi cơ quan có thẩm quyền. Cuối cùng Tòa án lao động Thái Lan đã xử vụ án, yêu cầu chủ trả tiền lương và tiền làm thêm giờ cho những người lao động này. Lịch sử đã sang trang.
Một tiêu chuẩn luật pháp mới được thiết lập, dù có hợp pháp hay không, là nam hay nữ, tất cả những người lao động trên nước Thái Lan đều có quyền được hưởng những quyền lợi lao động như công dân Thái.
Không dừng lại ở việc đòi công bằng cho người lao động, nhóm của Siriwan còn đang tranh đấu trong hai vụ khác mà nếu thắng kiện, các cô sẽ một lần nữa buộc luật pháp phải sửa đổi qui định và những người thi hành phải thay đổi thái độ của họ.
Vụ thứ nhất là của một bé gái 13 tuổi giúp việc cho một gia đình tại Bangkok. Mặc dù cô bé bị đối xử như nô lệ, không được trả lương và thường xuyên bị đánh đập tàn nhẫn nhưng người chủ vẫn không hề bị phạt, chỉ vì theo quan điểm của giới chức trách, nô lệ phải là những người bị cùm chân tay.
Vụ thứ hai là vụ kiện của một cô gái bị lừa đảo đến Nhật để làm gái bán dâm. Nhóm của Siriwan đang giúp cô đòi tiền bồi thường từ nhà nước và tay chủ chứa với tư cách là nạn nhân của tình trạng buôn người. Dù đã được qui định trong luật nhưng từ trước đến nay những nạn nhân không hề nhận được tiền bồi thường và đây là vụ kiện đầu tiên tại Thái Lan.
Điều khiến ba nữ Bao Công bức xúc chính là "luật thì có thể thay đổi nhưng định kiến thì không". Theo các cô, khó khăn trong các vụ kiện vi phạm quyền lợi không phải xuất phát từ qui định của luật pháp mà từ định kiến của con người. Chính nó làm tê liệt hệ thống pháp luật và những qui định của nhà nước.
Chẳng hạn như trong vụ kiện lao động trên, thành kiến nặng nề đối với người Myanmar và lao động bất hợp pháp đã làm cho giới chức trách và công chúng Thái Lan thờ ơ trước sự bóc lột và đối xử mất nhân tính của chủ Thái Lan với người lao động Myanmar. Ngoài ra, truyền thống sử dụng nô lệ trẻ em có từ xưa tại Thái Lan đã khiến nhiều người không một chút áy náy khi đối xử như nô lệ với các lao động trẻ em.
Hiện tại nữ luật sư chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng số luật sư tại Thái Lan, nguyên nhân là do tình trạng bất bình đẳng giới trong hệ thống pháp luật. Nhận thấy mình còn may mắn hơn nhiều người nên các cô quyết tâm sử dụng kiến thức của mình để làm mọi thứ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn.
Patjama nói chắc như đinh đóng cột: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nghĩa vụ của chúng tôi là giúp họ phát huy quyền bình đẳng đó”.
Theo Thanh Trúc
Tuổi trẻ/Bangkok Post