Bà hoàng thời trang Pháp làm gián điệp cho Đức Quốc xã?
(Dân trí) - Một cuốn sách mới khẳng định, huyền thoại thời trang Pháp Coco Chanel, người đã vượt qua tuổi thơ đói nghèo để trở thành nữ doanh nhân thành đạt với đế chế thời trang Chanel khổng lồ, từng là gián điệp của Đức Quốc xã.
Coco Chanel lúc sinh thời.
Một sử gia người Mỹ sống tại Paris viết rằng Chanel không chỉ từng có mối tình thời chiến với một gián điệp-quý tộc Đức, mà bản thân bà còn là một điệp viên của tổ chức tình báo quân sự Abwehr của Đức Quốc xã. Khi còn sống, bà Chanel cũng được biết tới là người có quan điểm chống Do Thái.
Những nghi ngờ về lòng trung thành của Chanel trong Thế chiến II đã xuất hiện từ lâu, nhưng cuốn sách “Ngủ với kẻ thù: Cuộc chiến bí mật của Coco Chanel” đã vượt xa những cáo buộc trước đây, trích dẫn các tài liệu bằng chứng được thu thập từ các kho lưu trữ khắp thế giới.
Cuốn sách, được ra mắt tại Mỹ hôm 16/8, gây xôn xao tại Pháp, nơi ngành công nghiệp thời trang là một mũi nhọn trong nền kinh tế và Chanel được xem là viên đá quý rạng rỡ nhất.
Bình luận về cuốn sách trên, hãng Chanel cho biết trong một tuyên bố rằng “hơn 57 cuốn sách về Chanel đã được xuất bản… Chúng tôi khuyên các bạn hãy tham khảo một số cuốn sách nghiêm túc hơn”.
Hal Vaughan, 84 tuổi, một cựu chiến binh Thế chiến II và nhà báo lâu năm từng viết cuốn sách lịch sử khác, khẳng định rằng ông hoàn toàn nghiêm túc. Cuốn sách là thành quả sau hơn 4 năm nghiên cứu của ông, khởi đầu là một phát hiện tình cờ trong kho lưu trữ của cảnh sát Pháp.
“Tôi đang tìm kiếm một thứ khác thì tình cờ bắt gặp một tài liệu nói rằng “Chanel là một gián điệp Đức Quốc xã, mật danh của bà ấy là Westminster. Tôi nhìn kỹ lại tài liệu và tự hỏi: “Cái quái quỷ gì thế này?”. Tôi không tin vào mắt mình nữa.
Sinh năm 1883 tại một bệnh viện dành cho người nghèo ở vùng Pays de la Loire, miền tây nước Pháp, Gabrielle Chanel đã trở nên nổi tiếng với thương hiệu Coco Chanel khi Thế chiến II nổ ra. Trong cuộc chiến, Chanel trú ẩn cùng Von Dincklage, binh sĩ Đức kém bà 12 tuổi và là một trong số nhiều người tình của bà, tại khách sạn Ritz ở Paris, khi đó nằm dưới sự kiểm soát của phát xít Đức.
Cuốn sách viết rằng, vào năm 1940, Chanel được tuyển mộ vào Abwehr, với biệt danh được mượn từ một người tình khác của bà, Công tước xứ Westminster. Một năm sau đó, bà tới Tây Ban Nha trong một sứ mệnh do thám - với điều kiện phát xít Đức thả người cháu của bà khỏi một trại giam quân đội - và sau đó tới Berlin theo yêu cầu một tướng Đức Quốc xã cấp cao.
Cũng theo cuốn sách, quan điểm chống Do Thái của Chanel đã khiến bà cố gắng lách luật để giành quyền kiểm soát các dây chuyền sản xuất nước hoa Chanel từ anh em nhà Wertheimer, một gia đình Do Thái đã giúp loại nước hoa Chanel số 5 trở thành sản phẩm bán chạy nhất thế giới.
Tuyên bố của hãng Chanel đã bác bỏ các cáo buộc trên.
Một tổ chức những người sống sót trong nạn tàn sát người Do Thái có trụ sở tại Mỹ cho hay họ sốc vì những thông tin do cuốn sách đưa ra và kêu gọi Chanel mở một cuộc điều tra độc lập.
Sau chiến tranh, Chanel bị bắt và được thả vài giờ sau đó, được giải cứu nhờ sự can thiệp của người bạn cũ Winston Churchill. Bà sau đó đã tạm chạy tới Thụy Sĩ.
Khi được hỏi tại sao cuốn sách đã tìm thấy nhiều thông tin mật hơn những hồi ký trước đó về huyền thoại thời trang, ông Vaughan có 2 giải thích. Thứ nhất, nhiều trong số các tài liệu mà ông Vaughan trích dẫn mới chỉ được tiết lộ gần đây. Thứ 2 là nhiều người muốn bảo vệ danh tiếng của Chanel.
“Rất nhiều người trên thế giới này không muốn hình mẫu lý tưởng của Gabrielle Coco Chanel, một trong những thần tượng văn hóa vĩ đại của Pháp, bị phá hủy. Đây là điều mọi người có thể muốn gạt qua một bên, chỉ để bán các sản phẩm xa xỉ của Chanel”, ông Vaughan nói.
Coco Chanel qua đời tại Paris năm 1971.
An Bình
Theo AP