1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Australia từ chối cho Mỹ thiết lập căn cứ tàu sân bay

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Australia đã từ chối một đề xuất nhằm thiết lập một căn cứ tàu sân bay hạt nhân và các tàu chiến khác của Mỹ tại nước này.

 
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ.

Ý tưởng sử dụng căn cứ phía tây của hải quân Australia, HMAS Stirling, gần thành phố Perth, để đặt một nhóm tàu sân bay Mỹ và các máy bay chiến đấu đã được nêu lên trong một báo cáo về vị thế quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Báo chí Australia cho hay báo cáo của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Washington đã được trình lên quốc hội Mỹ.

Trong một bài phát biểu tại Học viện chính sách chiến lược Australia tại Canberra hôm 1/8, Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith khẳng định rằng mặc dù việc Mỹ tăng cường tiếp cận căn cứ HMAS Stirling có thể là lâu dài, nhưng các tàu sân bay Mỹ sẽ không đặt tại Australia.

“Đó là một bản báo cáo độc lập với chính phủ Mỹ, chứ không phải một tài liệu của chính phủ Mỹ”, ông Smith nói về bản báo cáo của CSIS.

“Chúng ta hiện không có các quân sự Mỹ tại Australia và chúng ta cũng sẽ không đề xuất để có các căn cứ này. Điều mà chúng ta đã thảo luận là cho phép họ tăng cường tiếp cận hàng không và hải quân với các căn cứ của chúng ta”, Bộ trưởng Quốc phòng Australia nhấn mạnh.

Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã thông báo tại Singapore rằng Mỹ có thể chuyển phần lớn hạm đội hải quân tới Thái Bình Dương vào năm 2020 trong khuôn khổ chiến lược mới nhằm tập trung vào châu Á.

Thông báo trên diễn ra sau một chuyến thăm Australia của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi năm ngoái. Trong chuyến thăm này, ông Obama đã công bố một thoả thuận hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn với Canberra, trong đó có việc điều tới 2.500 lính thủy đánh bộ tới Australia.

Các binh sĩ Mỹ đầu tiên đã tới Australia hồi tháng 4 trên cơ sở luân phiên 6 tháng một lần, đóng quân tại các khu vực ngoại ô của thành phố Darwin.

Đó là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm thúc đẩy sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vốn có vị thế quan trọng về chiến lược, trong bối cảnh có những lo ngại về các tham vọng khu vực của Trung Quốc.

Trong bài phát biểu hôm 1/8, ông Smith cũng nhấn mạnh tới sự chuyển dịch trọng tâm tới châu Á-Thái Bình Dương như một khu vực quan trọng toàn cầu, đặc biệt là vành Ấn Độ Dương.

“Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là các cường quốc chiến lược lớn trong khu vực của chúng ta và cộng đồng quốc tế… Sự hiện hiện ngày càng gia tăng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương có vai trò quan trọng đối với hoà bình và ổn định trong khu vực”, ông nói.

An Bình
Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm