ASEAN-Hàn Quốc nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược
(Dân trí) - Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 13 diễn ra hôm nay ở Hà Nội, các nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp mối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc thành đối tác chiến lược và thông qua Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược vì Hòa bình, thịnh vượng.
Tổng thống Hàn Quốc tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc ngày 29/10 tại Hà Nội.
Hộ nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 13 diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak và lãnh đạo các nước ASEAN, nhằm kiểm điểm và định hướng phát triển quan hệ hợp tác ASEAN – Hàn Quốc cũng như trao đổi các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc đã đạt được nhiều tiến triển sau hơn hai thập kỷ thành lập, với “Sáng kiến châu Á mới” của Hàn Quốc, ưu tiên tăng cường hợp tác với ASEAN.
Nhằm đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới, các nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng quan hệ ASEAN-Hàn Quốc thành đối tác chiến lược và thông qua Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược vì Hòa bình, thịnh vượng.
Các Nhà Lãnh đạo hài lòng ghi nhận kết quả tích cực trong việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố chung về Hợp tác và Đối tác toàn diện giai đoạn 2006-2010, và đã thông qua Kế hoạch hành động cho giai đoạn 2011-2015, với nhiều biện pháp hợp tác quan trọng và thiết thực.
Về kinh tế-thương mại, ASEAN và Hàn Quốc nhất trí sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai hiệu quả tất cả các thỏa thuận và hiệp định trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), và khẳng định cam kết nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 150 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2015.
Chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc (với sự tham dự của Thủ tướng Ôn Gia Bảo) lần thứ 13 ngày 29/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá những bước phát triển mạnh mẽ và thiết thực năm qua trong quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc là mối quan hệ phát triển năng động và toàn diện nhất của ASEAN.
Các nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và các hiệp định liên quan bắt đầu được triển khai từ ngày 1/1/2010. Trung Quốc hiện đã trở thành Đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, với thương mại hai chiều đạt trên 200 tỉ USD. Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các thỏa thuận trong khuôn khổ ACFTA, trên cơ sở cùng có lợi, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 500 tỉ USD và tăng đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN lên 10 tỉ USD vào năm 2015.
Hai bên cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh trao đổi và triển khai các dự án do Trung Quốc hỗ trợ như Quỹ tín dụng trị giá 15 tỉ USD và Quỹ hợp tác đầu tư ASEAN Trung Quốc trị giá 10 tỉ USD cũng như các sáng kiến do Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra dịp này nhằm tăng cường hợp tác các mặt với ASEAN, với trọng tâm ưu tiên là phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối ở khu vực.
Cùng ngày, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Trung Quốc đã ký Nghị định thư thứ 2 về sửa đổi Hiệp định Thương mại Hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN- Trung Quốc.
Việc sửa đổi những quy định này sẽ góp phần tạo thuận lợi hóa thương mại giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, tháo gỡ những khó khăn, bất cập thường gặp phải trước đây. Quy định sửa đổi này cũng góp phần thúc đẩy trao đổi kim ngạch thương mại hai chiều, nâng cao hiệu quả sử dụng Hiệp định thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định ACFTA, mở ra cơ hội sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp của nước thành viên tham gia Hiệp định.
Một số nước thành viên ASEAN như Việt Nam, Singapore, Malaysia, Brunei, Lào cùng với Trung Quốc sẽ bắt đầu thực hiện Quy tắc sửa đổi này kể từ ngày 1/1/2011.
Hội nghị ASEAN và các đối tác khác
Cũng trong ngày hôm nay đã diễn ra các hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản lần thứ 13, ASEAN +3 và Hội nghị cấp cao ASEAN – Liên hợp quốc (LHQ) lần thứ 3. Hội nghị ASEAN – Nhật diễn ra với sự chủ trì của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cùng các nhà lãnh đạo ASEAN.
Mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản là một trong những mối quan hệ quan trọng hàng đầu của ASEAN. Nhật đã hỗ trợ cho lớn cho ASEAN trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, thu hẹp thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường kết nối ASEAN, cũng như việc Nhật Bản tiếp tục ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các tiến trình khu vực. Quỹ Liên kết ASEAN-Nhật (JAIF) đã sớm triển khai cam kết hỗ trợ ASEAN, nhất là khoản 62 triệu đôla trợ giúp khẩn cấp đối phó với khủng hoảng tài chính cho khu vực ASEAN.
Trong khi đó Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên Hợp quốc lần thứ 3 đã diễn ra trong bối cảnh ASEAN và Liên Hợp Quốc, đánh dấu 65 năm kỷ niệm ngày thành lập Liên Hợp Quốc, 10 năm thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) và kỷ niệm 10 năm ngày họp Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc lần đầu tiên.
Năm 2010 ASEAN và Liên Hợp Quốc đã thực hiện tốt Bản ghi nhớ Hợp tác ASEAN-Liên Hợp Quốc, đặc biệt là sự hợp tác hiệu quả giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc trong việc hỗ trợ Mianma khắc phục hậu quả của bão Nargis.
Mối quan hệ giữa ASEAN- Liên hợp quốc đã được nâng cấp thành Quan hệ Đối tác Đặc biệt, tạo nền tảng và khuôn khổ quan trọng cho việc tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai bên, cũng như tạo điều kiện cho ASEAN đóng góp tích cực hơn nữa vào việc thực hiện các mục tiêu chung của Liên Hợp Quốc vì hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.
Phan Anh