1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

APEC - Khu vực kinh tế lớn mạnh nhất thế giới

(Dân trí) - Năm nay, nước chủ nhà Việt Nam sẽ tổ chức khoảng 100 cuộc họp, trong đó quan trọng nhất là Hội nghị cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11, với sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt, bởi APEC được coi là khu vực kinh tế lớn mạnh nhất thế giới.

Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (viết tắt là APEC) gồm 21 nước và vùng lãnh thổ nằm ven bờ Thái Bình Dương, nhằm mục đích phát triển mối quan hệ kinh tế và chính trị trong khu vực. Các cuộc họp thường niên của APEC được tổ chức luân phiên tại các nước thành viên. APEC có các uỷ ban thường trực thảo luận về nhiều vấn đề, từ thông tin đến đánh bắt cá. Hiện nay hầu hết các nước có bờ biển nằm ven Thái Bình Dương đều là thành viên của APEC.

 

Thành viên APEC: Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong - Trung Quốc, Indonesia, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, the Philippines, Nga, Singapore, Đài Bắc - Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

 

Nguyên tắc hợp tác: vì lợi ích chung, cam kết đối thoại cởi mở và xây dựng trên sự nhất trí, tôn trọng ý kiến các thành viên.

 

Mục tiêu: Củng cố lợi ích kinh tế thông qua phát triển hợp tác kinh tế; phát triển và tăng cường hệ thống thương mại mở đa phương; giảm các rào cản đối với đầu tư và hàng hoá dịch vụ thương mại.

 

Thành phần: Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (AELM), Hội nghị Bộ trưởng, Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM), Các uỷ ban và Ban Thư ký.

Lãnh đạo các nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC nhóm họp hàng năm tại hội nghị thượng đỉnh có tên gọi “Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC” được tổ chức luân phiên ở các nền kinh tế thành viên trong APEC.

 

Riêng đối với Đài Loan, hòn đảo này được gọi là “Đài Bắc Trung Quốc”. Lãnh thổ Đài Loan sẽ cử đại diện là một quan chức cấp bộ trưởng đến APEC.

 

APEC còn nổi tiếng với trang phục truyền thống của các nước đăng cai tổ chức dành cho các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị.

 

Lịch sử phát triển

 

Tháng 1/1989, Thủ tướng Australia Bob Hawke đã kêu gọi sự hợp tác kinh tế hiệu quả hơn nữa trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lời kêu gọi đó đã dẫn đến cuộc họp đầu tiên của APEC tại Canberra, Australia vào tháng 11 cùng năm, thu hút các bộ trưởng đến từ 12 nước. Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ nhóm họp thường niên trong tương lai ở Singapore và Hàn Quốc.

 

Năm 1993, Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC lần đầu tiên được tổ chức, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhận thấy APEC là một “phương tiện” quan trọng để đưa Vòng đàm phán thương mại Uruguay bị thất bại trước đó trở lại. Tổng thống Clinton đã mời lãnh đạo các nền kinh tế thành viên đến Đảo Blake, Washington. Tại đây, các nhà lãnh đạo kêu gọi tiếp tục giảm các rào cản thương mại và đầu tư, vạch ra một “cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương ổn định, an ninh và thịnh vượng” thông qua hợp tác. Họ quyết định đặt trụ sở của APEC tại Singapore.

 

Năm 1994, APEC đưa ra “Mục tiêu Bogor” tại Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở Bogor, Indonesia. “Mục tiêu Bogor” hướng tới sự tự do, cởi mở trong đầu tư và thương mại, bằng cách đến năm 2010 giảm thuế quan xuống mức 0% đến 5% trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho các nền kinh tế công nghiệp, và cũng như vậy cho các nền kinh tế đang phát triển đến năm 2020.

 

Năm 1995, APEC thành lập Uỷ ban Cố vấn Kinh doanh APEC (ABAC), trong đó mỗi nền kinh tế thành viên đóng góp 3 doanh nhân.

 

Tổng diện tích các nền kinh tế thành viên APEC: khoảng 62. 311 km2

Tổng dân số: 2.489.290.000 (năm 2000)

Ngân sách: 3,86 triệu USD (năm 1999)

Tổng GDP: hơn 18 tỷ tỷ USD (năm 1999)

Ngôn ngữ làm việc: Tiếng Anh

Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2001 ở Thượng Hải, Chương trình nghị sự Phát triển Doha ra đời. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí đề xuất “Hiệp ước Thượng Hải” của Mỹ. Hiệp ước tập trung vào việc thực hiện các cam kết về thị trường tự do, cải cách cơ cấu, phát triển con người.


Năm 2003, tại Bangkok, Thái Lan, APEC nhất trí củng cố vòng Chương trình nghị sự Phát triển Doha, nhấn mạnh mục đích bổ sung của các thoả thuận thương mại song phương và khu vực, mục tiêu Bogor, và hệ thống thương mại đa phương theo quy định của WTO.

 

Năm 2004, Chile trở thành nước Trung Mỹ đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Chương trình nghị sự trong năm này tập trung vào chủ nghĩa khủng bố, thương mại, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thảo luận về Hiệp ước thương mại tự do và Hiệp ước thương mại trong khu vực.

 

Tháng 11/2005, Hội nghị APEC được tổ chức tại Busan, Hàn Quốc. Diễn đàn lần này tập trung vào vòng đàm phán thương mại Doha, và được thảo luận thêm ở một cuộc họp bộ trưởng WTO tại Hồng Kông vào tháng 12 cùng năm… Các cuộc đàm phán tập trung vào giảm hàng rào thương mại trong nông nghiệp. EU phản đối việc giảm thuế quan nông nghiệp, trong khi APEC yêu cầu EU cắt giảm trợ cấp nông nghiệp.

 

Thành tựu của APEC

 

Kể từ ngày đầu thành lập vào năm 1989, khu vực APEC đã trở thành khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới. Trong thập kỷ đầu tiên, các nền kinh tế thành viên đóng góp gần 70% vào sự phát triển kinh tế của toàn cầu. Kinh tế khu vực APEC luôn lớn mạnh hơn tất cả thế giới còn lại, thậm chí ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á.

 

Bằng cách giảm dần thuế quan và các rào cản thương mại khác, các nền kinh tế thành viên APEC đã trở nên hiệu quả hơn, xuất khẩu tăng đột phá.

 

Thành tựu APEC đạt được trong 10 năm đầu

- Xuất khẩu tăng 113% với 2,5 tỷ tỷ USD

- Đầu tư nước ngoài trực tiếp tăng 210% trên tổng thể, và tăng 475% ở các nền kinh tế thành viên có thu nhập thấp

- Tổng sản lượng quốc gia GNP tăng khoảng 1/3 trên tổng thể, và tăng 75% ở các nền kinh tế thu nhập thấp

- Tổng sản phẩm quốc nội GDP trên đầu người ở các nền kinh tế thu nhập thập của APEC tăng 61%

Người tiêu dùng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được hưởng lợi trực tiếp cũng như gián tiếp từ các hoạt động tập thể cũng như cá nhân của các nền kinh tế thành viên APEC. Những lợi ích trực tiếp như có nhiều cơ hội việc làm hơn, nhiều chương trình đào tạo hơn, một mạng lưới an toàn xã hội vững mạnh hơn, và giảm bớt đói nghèo. Rộng hơn, các nền kinh tế thành viên của APEC có mức chi phí bình quân thấp hơn, do các rào cản thương mại được giảm, giá cả hàng hoá và dịch vụ giảm, do sự cạnh tranh về kinh tế trong khu vực.

 

Hãy xem những gì APEC đạt được trong 1 thập kỷ đầu:

 

- Chỉ số phát triển con người theo Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đối với các nền kinh tế thành viên có thu nhập thấp của APEC tăng gần 18%.

 

- Đói nghèo ở các nền kinh tế Đông Á của APEC giảm được khoảng 1/3 (165 triệu người), chủ yếu là do kết quả của sự phát triển kinh tế.

 

- 195 triệu công việc mới được tạo ra trong các nền kinh tế thành viên, trong đó 174 triệu ở các nền kinh tế thu nhập thấp.

 

- Ở các nước có thu nhập thấp, tỷ lệ trẻ em tử vong giảm và tuổi thọ tăng. Đây là do có nhiều cải thiện quan trọng về vệ sinh, nước sạch, và việc tăng ngân sách y tế.

 

- Có sự đầu tư lớn vào con người, như nâng cao tỷ lệ đi học và tăng ngân sách cho giáo dục

 

APEC Việt Nam 2006

 

Năm nay nước chủ nhà Việt Nam tổ chức APEC với mục tiêu: “Hướng tới một cộng đồng năng động cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững”. Cụ thể, diễn đàn sẽ tăng cường đầu tư và thương mại theo kế hoạch đã vạch ra ở Busan, và Chương trình nghị sự phát triển Doha. Ngoài ra APEC Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác kinh tế, kỹ thuật nhằm giảm khoảng cách và phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh vững chắc và có thiện chí, thúc đẩy mối liên hệ trong cộng đồng.

 

Thùy Trang (tổng hợp)